Bộ Văn hoá trần tình việc có nhiều hòm công đức trong lễ hội

Phó chánh thanh tra Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch Phạm Xuân Phúc khẳng định, mỗi di tích chỉ có 3 hòm công đức chính, các hòm khác là để thu gom tiền cúng lễ dân thường đặt lung tung.

Ngày 12/12, Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch cho biết năm vừa qua cả nước có gần 8.000 lễ hội với lượng khách tham gia rất đông. Cụ thể, lễ hội Chùa Hương (Hà Nội) đón 1,2 triệu lượt khách; lễ hội Yên Tử (Quảng Ninh) có 2 triệu lượt người đến; Đền Hùng đón được trên 5,8 triệu lượt khách…

Theo Phó thanh tra Bộ Văn hóa Thể Thao và Du Lịch Phạm Xuân Phúc, công tác tổ chức và quản lý lễ hội 2013 đã đạt được nhiều kết quả tốt, có chuyển biến tích cực. Tuy nhiên do số lượng lễ hội khá cao lại do nhiều cấp quản lý nên vẫn tồn tại các bất cập.

Tồn đọng lớn nhất của mùa lễ hội 2013 là một số địa phương vẫn cho phép kinh doanh trong khu vực di tích, việc làm này là vi phạm quy định của Luật Di sản. Tình trạng ùn tắc, chen lấn, xô đẩy trong đêm khai ấn vẫn diễn ra; nạn trộm cắp, móc túi, đổi tiền lẻ giá cao hay việc bày bán đồ chơi mang tính bạo lực còn tồn tại…

Ý thức của người tham gia lễ hội chưa cao. Việc xả rác, cài giắt tiền lễ không đúng, thậm chí nhảy vào tranh cướp lộc gây phản cảm. Một biểu hiện tiêu cực mới trong lễ hội 2013 là tình trạng đặt giả hòm công đức tại lễ hội xuân Núi Bà Đen (Tây Ninh), Đền Bà Chúa Kho (Bắc Ninh).

Ông Phúc khẳng định, tại các di tích chỉ có 3 hòm công đức chính. Đây là nơi tiếp nhận công đức và viết phiếu chứng nhận cho du khách. Tuy nhiên, ông Phúc cũng chỉ ra rằng ở một số di tích ban quản lý có đặt thêm các hòm nhỏ khác để thu gom tiền giọt dầu.

“Chúng tôi không khuyến khích để các hòm ở đấy nhưng thực tế vào những ngày khai hội dân đến rất đông, ai cũng muốn lễ tiền lẻ mà thường đặt lung tung ở các nơi. Nếu ban quản lý không đặt các hòm đựng tiền ấy thì để thu gom thì tiền giọt sẽ phải đựng vào đâu?… Do đó không thể nói có quá nhiều hòm công đức trong các di tích dịp lễ hội”, ông Phúc nói.

Để khắc phục các tồn đọng, Phó chánh thanh tra Bộ Văn hóa Thể Thao và Du Lịch khẳng định trong mùa lễ hội 2014, Bộ sẽ có các biện pháp xử lý mạnh tay hơn. Thay bằng lập biên bản nhắc nhở các sai phạm như 4 năm qua, lần này, Bộ sẽ phạt hành chính các vi phạm theo Nghị định 158. Bên cạnh đó, Bộ sẽ duy trì tần xuất thanh tra kiểm tra các lễ hội như 2013 và tổ chức đoàn thanh tra lễ hội trước và sau Tết Nguyên đán.

Việc ngày càng nhiều các lễ hội được “mọc” ra mà không có nét riêng, phục vụ nhiều cho mục đích kinh doanh, theo Giám đốc Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch Lạng Sơn Trần Hữu Sơn đây là sai lầm lớn của các ban tổ chức. “Họ chỉ chuyên tâm chuyện lễ hội cần diễn văn thế này, khai mạc thế kia mà quên nghiên cứu thời xưa tổ tiên ta có tục hèm gì riêng nên các lễ hội khác nhau lại có quá nhiều nét giống nhau”, ông phân tích.

Để giải quyết vấn đề này, ông Thương đưa ra 4 giải pháp. Thứ nhất,các nhà khoa học cùng Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch đi điền dã tìm hiểu về lễ hội rồi sau đó lập ra các ban tư vấn gồm những nhà khoa học có chuyên môn. Thứ hai, các nhà khoa học và quản lý này sau đó cần có sự trao đổi với nhau để thống nhất tổ chức một lễ hội đậm đà nét riêng. Tiếp đó, việc giáo dục ý thức người dân đi lễ hội cần đẩy mạnh. Cuối cùng, chuyện “trả lại lễ hội cho dân” cũng cần hiểu đúng là giữ nguyên nét truyền thống tốt đẹp chứ không phải buông xuôi cho dân tự tổ chức.

Ông Sơn cũng nhấn mạnh thêm rằng, chuyện người dân đổ xô đi lễ hội cũng là một xu thế phát triển và chuyện thay đổi cần có thời gian chứ không phải trong sớm chiều. Để giảm tải tình trạng này, bên cạnh việc tuyên truyền, chính quyền có thể tổ chức các lễ hội cùng thời gian để giãn dân

Quỳnh Trang

Nguồn: vnexpress.net