Tại cuộc họp trực tuyến kiểm điểm tiến độ các dự án đầu tư công ngày 23/9, báo cáo với Bộ trưởng, ông Nguyễn Danh Huy, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch đầu tư (Bộ GTVT) cho biết, dự kiến đến hết tháng 9/2020, Bộ GTVT giải ngân được hơn 25.600 tỷ đồng, đạt 64,5%, đạt gần 2/3 kế hoạch cả năm (hơn 38.800 tỷ đồng). Trong đó, kế hoạch giải ngân năm 2020 đạt gần 23.000 tỷ đồng, đạt 63,4%; vốn kéo dài năm 2019 giải ngân được gần 2.900 tỷ đồng, đạt 75,4%.
Bộ trưởng yêu cầu các cơ quan có trách nhiệm đánh giá sát hơn nữa các đơn vị tư vấn thiết kế, tư vấn giám sát |
Riêng trong tháng 9/2020, Bộ GTVT dự kiến giải ngân được hơn 6.300 tỷ đồng, chậm 444 tỷ đồng so với kế hoạch đăng ký. Dự kiến đến hết tháng 10/2020, Bộ GTVT sẽ giải ngân lũy kế gần 30.000 tỷ đồng, đạt 75% kế hoạch.
Liên quan đến kế hoạch giải ngân các tháng cuối năm 2020, ông Huy cho biết, các nhóm dự án cần phải tăng cường, đẩy nhanh tiến độ, gồm: các dự án thành phần thuộc dự án cao tốc Bắc-Nam phía đông (đã giải ngân hơn 6.600 tỷ trên tổng số hơn 9.300 tỷ đồng (71,2% KH), còn phải giải ngân gần 2.700 tỷ đồng. Các dự án đường sắt, đường bộ cấp bách (đã giải ngân khoảng hơn 2.400 tỷ đồng (51,2%), còn phải giải ngân hơn 2.300 tỷ đồng.
Các dự án vốn trái phiếu Chính phủ đã giải ngân hơn 2.850 tỷ đồng (54,6% KH), còn phải giải ngân hơn 2.370 tỷ đồng. Nhóm các dự án ODA khởi công mới đã giải ngân 210 tỷ đồng (đạt 35% KH giao), còn phải giải ngân 386 tỷ đồng. Các dự án giao thông trong nước đã giải ngân hơn 4.800 tỷ đồng (đạt 76% KH giao), còn phải giải ngân 1.520 tỷ đồng.
Ghi nhận nỗ lực của các đơn vị, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể đánh giá, để đảm bảo được mục tiêu giải ngân các dự án đầu tư công như hiện nay là nỗ lực của đội ngũ cán bộ các Ban Quản lý dự án đã lăn lộn, ăn ngủ tại công trường cùng dự án; các cơ quan của Bộ như Cục Quản lý xây dựng; Vụ Đối tác công tư; Kế hoạch đầu tư… và đặc biệt là các lãnh đạo Bộ đã điều hành rất sát, kịp thời tháo gỡ khó khăn.
Đồng thời, Bộ trưởng cũng nhìn nhận, Luật Đầu tư công chính thức có hiệu lực đã tạo hành lang pháp lý rất tốt trong việc triển khai các Dự án trọng điểm của ngành giao thông.
Để hoàn thành các dự án đúng tiến độ, Bộ trưởng yêu cầu các cơ quan có trách nhiệm đánh giá sát hơn nữa các đơn vị tư vấn thiết kế, tư vấn giám sát. Cụ thể, xem xét kỹ lưỡng đồng thời có công bố công khai năng lực, quy trình, đảm bảo các yêu cầu mới được tham gia thực hiện dự án. Thậm chí, người đứng đầu ngành giao thông còn yêu cầu “đội ngũ Tư vấn giám sát không đảm bảo phải “cắt”, tuyệt đối không để ảnh hưởng đến tiến độ và chất lượng công trình”. Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể một lần nữa nhấn mạnh với các đơn vị: “Công tác giải ngân rất quan trọng nhưng chất lượng công trình quan trọng hơn”.
Chi Lê