Bộ Thông tin và Truyền thông yêu cầu đảm bảo thông tin liên lạc mùa mưa bão

(NTD) - Trước tình hình mưa lũ đang hoành hành dữ dội tại các tỉnh miền Trung và cơn bão Sarika gió giật cấp 15-16 đang hoạt động trên vùng biển Đông, ngày 15/10, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) Trương Minh Tuấn đã ký công điện gửi tới Sở TT&TT các tỉnh/thành phố từ Quảng Ninh đến Khánh Hòa; các doanh nghiệp Bưu chính, viễn thông và những ban ngành liên quan triển khai ngay các nhiệm vụ trọng tâm nhằm chủ động ứng phó với mưa lũ và bão Sarika (cơn bão số 7).

Toàn ban ngành chủ động ứng phó với lũ và bão

Bước vào mùa mưa bão, cùng với những tiềm ẩn nguy cơ về sạt lở đất, ngập lụt... thì tại các địa phương luôn phải đối mặt với nguy cơ về gián đoạn thông tin do các sự cố gẫy, đổ cột ăng ten, mất thông tin liên lạc... Điều này không chỉ gây thiệt hại mạng lưới thông tin liên lạc ngành viễn thông mà còn ảnh hưởng đến quá trình kiểm tra, chỉ đạo, điều hành khắc phục của các cấp chính quyền trong công tác cứu hộ, cứu nạn tại các địa phương. Vì thế, bên cạnh hoạt động sản xuất kinh doanh, công tác đảm bảo thông tin liên lạc thông suốt trong mùa mưa bão luôn được Bộ TT&TT đặt lên hàng đầu.

 
Công điện của Bộ TT&TT

Khác với mọi năm, trước mùa mưa bão năm nay, ngoài phương án ứng phó, Bộ TT&TT còn linh hoạt lập kịch bản để chủ động xác định những công tác trọng tâm. Theo đó, Bộ sẽ xây dựng phương án tổng quát còn mỗi địa phương sẽ xây dựng kịch bản xử lý tình huống cụ thể căn cứ vào thực trạng năng lực mạng lưới và đặc điểm khí hậu, khí tượng từng vùng.

Trong kịch bản, các công tác trọng tâm triển khai trước mùa mưa bão, biện pháp ứng phó với tình huống trước bão, khi có bão và khắc phục hậu quả sau bão đều được xây dựng khá chi tiết. Trên cơ sở các phương án và kịch bản đã lập, khi có bão lụt ở trong vùng bị ảnh hưởng sẽ cập nhật, theo dõi diễn biến của bão và nhanh chóng kiểm tra, rà soát mạng lưới; đồng thời chuẩn bị sẵn sàng thiết bị kỹ thuật cho các nhóm xử lý, ứng cứu đã được phân chia sẵn nhiệm vụ.

Theo đó, công điện của Bộ trưởng Trương Minh Tuấn đánh giá tình hình mưa bão rất phức tạp, để chủ động ứng phó với tình hình mưa lũ và bão Sarika, Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm Cứu nạn Bộ TT&TT yêu cầu các đơn vị khẩn trương triển khai ngay các nhiệm vụ trọng tâm sau: "Cục Báo chí, Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử và Sở TT&TT các tỉnh/thành phố nói trên chỉ đạo các cơ quan thông tin đại chúng tại địa phương tăng cường tần suất, thời lượng phát sóng, đưa tin kịp thời về dự báo, cảnh báo, chỉ đạo ứng phó với mưa lũ, bão và các tình huống bất thường để chính quyền các cấp ở địa phương và người dân lưu ý, theo dõi, cập nhật thường xuyên, chủ động phòng tránh, tránh tư tưởng chủ quan, bị động. Đặc biệt lưu ý tuyên truyền để nâng cao tinh thần đảm bảo an toàn cho tính mạng người dân, cán bộ tham gia phòng chống lụt bão. Các cá nhân, đơn vị cần chia sẻ khó khăn, tham gia giúp đỡ, ủng hộ hỗ trợ nhân dân các tỉnh bị ảnh hưởng.

Ngoài ra, các tập đoàn, tổng công ty và sở TT&TT tổ chức ngay phương án phòng chống và phương án ứng cứu thông tin, đảm bảo thông tin liên lạc phục vụ chỉ đạo điều hành của các cơ quan đảng, chính quyền địa phương các cấp trong mọi tình huống. Ưu tiên tổ chức gia cố lại các nhà trạm, các tuyến truyền dẫn, cột ăng ten và mạng ngoại vi. Bổ sung kịp thời các thiết bị, vật tư dự phòng cho mạng lưới bưu chính, viễn thông như máy nổ, nhiên liệu, ắc quy… Đảm bảo an toàn mạng lưới, cơ sở vật chất, đặc biệt là người. Chia sẻ khó khăn với nhân dân các tỉnh bị ảnh hưởng.

Bản đồ cơn bão Sarika

Cục bưu điện Trung ương sẵn sàng bảo đảm thông tin liên lạc bằng xe cơ động cho đoàn công tác của Chính phủ, Trưởng ban chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai và Ủy ban Quốc gia tìm kiếm cứu nạn khi có yêu cầu"

Còn nhớ các năm trước, mỗi khi lũ về nhiều người dân miền Trung thực sự lo sợ, một phần vì lũ dâng cao nhưng cái lo tiếp theo là cái lo mất điện. Mất điện là “chuyện thường ngày ở huyện” nên công tác đảm bảo thông tin liên lạc (TTLL) nơi này luôn gặp rất nhiều khó khăn. Tình trạng cây đổ đè ngã trụ, đứt dây thuê bao, đứt cáp... không chỉ gây thiệt hại về tài sản mà còn ảnh hưởng đến quá trình TTLL. Mất điện thì tất cả mọi thông tin liên lạc, mọi thông tin trên phát thanh truyền hình không được bà con cập nhật. Dẫn đến không biết tự đánh giá mức độ nguy hại của mưa lũ gây nên, cũng như ảnh hưởng đến công tác cứu hộ cứu nạn. Chính vì vậy, ngay từ đầu cơn bão, lũ diễn ra Bộ TT&TT đã có phương án đảm bảo thông tin liên lạc tốt nhất cho người dân, nhằm chống lại nỗi hoang mang trước thiên tai, cũng như nhận được những thông tin cần thiết về bão lũ.

Huy động viễn thông, bưu chính cùng chống bão

Vào mùa mưa bão, các địa phương ở vùng hay diễn ra bão, lũ luôn phải đối mặt với nguy cơ bị cắt đứt liên lạc. Vì thế, việc đảm bảo thông tin tại các khu vực này luôn được đặt lên hàng đầu. Xác định mưa lũ còn tiếp tục diễn biến phức tạp, Bộ TT&TT yêu cầu triển khai các biện pháp như kiểm tra và gia cố lại toàn bộ nhà trạm, ăngten thuộc các hệ thống đài phát, đài thu vô tuyến, các hệ thống truyền dẫn, thông tin di động và mạng ngoại… bằng mọi cách đảm bảo thông tin liên lạc cho nhân dân biết tình hình thời tiết để chủ động phòng tránh, phục vụ các công tác phòng chống lụt bão, cứu hộ cứu nạn

Lũ dâng cao tại Quảng Bình. Ảnh: Vnexpress

Bộ trưởng Trương Minh Tuấn cũng yêu cầu Tập đoàn Bưu chính viễn thông Việt Nam (VNPT), Tập  đoàn Viễn thông Quân đội (Viettel), Tổng công ty Viễn thông Mobifone và các doanh nghiệp viễn thông di động khác cần đảm bảo thông tin liên lạc tuyệt đối phục vụ chỉ đạo điều hành, công tác phòng, chống và khắc phục hậu quả Trung ương và chính quyền địa phương các tỉnh nói trên. Khâu khắc phục không quá khó khăn, do ngay từ đầu mùa mưa bão, VNPost đã chỉ đạo các đơn vị xây dựng các phương án phòng chống thiên tai, nhất là các phương án dự phòng, đường thư dự phòng để thích ứng với mọi tình huống.

Trao mì tôm giúp đồng bào vùng lũ. Ảnh: Vnexpress

Tăng cường, bổ sung phương tiện, trang bị thông tin vệ tinh Imarsat, VSAT, các cụm BTS di động và xe cơ động thông tin cho các công ty dọc trên địa bàn và viễn thông các tỉnh được dự báo ảnh hưởng trực tiếp của bão để sẵn sàng ứng cứu thông tin trong trường hợp giao thông các tỉnh bị chia cắt. Công ty TNHH MTV Thông tin điện tử Hàng hải (Vishipel) tăng cường công tác trực, canh, phát sóng các bản tin dự báo, cảnh báo bão trên biển và kêu gọi tàu thuyền đang hoạt động trên biển vào nơi tránh, trú an toàn.

Lũ ngập tới nóc nhà người dân tại Quảng Bình. Ảnh: NLĐ

Ngoài ra, các đơn vị tiếp tục theo dõi sát tình hình diễn biến của mưa lũ và bão báo cáo Bộ trưởng, Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm Cứu nạn Bộ TT&TT về công tác ứng phó, khắc phục hậu quả của mưa lũ và bão, tình hình hoạt động của mạng lưới bưu chính, viễn thông và công tác bảo đảm thông tin liên lạc.

Có thể nói, trong những năm gần đây cùng với đời sống vật chất người dân được cải thiện thì đời sống tinh thần từ những thông tin tuyên truyền đưa chủ trương của Đảng, Nhà Nước, những chỉ đạo khẩn về phòng chống thiên tai đã được người dân "nằm lòng", để được như vậy chính nhờ Bộ TT&TT là đơn vị tiên phong làm tốt để chăm lo đời sống người dân.

Tuấn Anh

Nên đọc