Theo đó, Bộ TN&MT cùng 12 doanh nghiệp đặt mục tiêu thúc đẩy nền kinh tế tuần hoàn, giảm bớt nguy cơ rác thải nhựa tại Việt Nam.
Theo đánh giá của các tổ chức quốc tế, Việt Nam là một trong 5 quốc gia ở châu Á đứng đầu về lượng rác thải nhựa đổ ra biển với khoảng 13 triệu tấn rác thải nhựa ra đại dương hàng năm và xếp thứ 17 trong 109 quốc gia có mức độ ô nhiễm rác nhựa lớn trên thế giới.
Tại Việt Nam, mỗi năm có hơn 20.000 sản phẩm nhựa trong sản xuất và tiêu dùng. Trong tổng số nhựa sản xuất chỉ có 9% chất thải được tái chế, 12% tiêu hủy, gây lo ngại cho môi trường, 80% tích lũy trong bãi rác, tự nhiên. Một nửa số nhựa được sản xuất chỉ dùng một lần và sau đó vứt bỏ.
Trong bối cảnh đó, Bộ trưởng Bộ TN&MT Trần Hồng Hà nhấn mạnh vai trò trung tâm của doanh nghiệp, đặc biệt là các nhà sản xuất có trách nhiệm thu gom, tái chế, vận động người dân tiêu dùng thông minh. "Doanh nghiệp không chỉ là một phần của vấn đề, mà có thể trở thành phần quan trọng của giải pháp" - bộ trưởng phát biểu.
Ảnh minh họa |
Với cam kết này, trách nhiệm của nhà sản xuất, chủ sở hữu thương hiệu, nhà phân phối, bán lẻ, nhà nhập khẩu trong việc quản lý rác thải sau tiêu dùng và tái chế được nâng cao. Còn Bộ sẽ phối hợp thúc đẩy hình thành ngành công nghiệp tái chế và hỗ trợ các sản phẩm tái chế, thân thiện môi trường.
Sự hợp tác này thể hiện cam kết mạnh mẽ của cả hai bên cùng thúc đẩy các chương trình hành động cụ thể và thiết thực nhằm hướng đến tầm nhìn “Vì một Việt Nam Xanh, Sạch, Đẹp” của PRO Việt Nam và bảo vệ môi trường và bảo tồn tài nguyên cho một Việt Nam phát triển bền vững của Bộ TN&MT.
Thu Thủy (t/h)