Dự hội nghị có sự tham gia của các doanh nghiệp lớn đang hoạt động tại nhiều ngành nghề thuộc lĩnh vực chăn nuôi, như: CP Việt Nam, Dabaco Việt Nam, Massan, Lái Thiêu…
Bộ NN-PTNT họp khẩn để giải cứu ngành chăn nuôi heo. Ảnh: NLDO. |
Nhận định về thực trạng chăn nuôi, Cục Chăn nuôi, Bộ NN-PTNT cho biết: Thời điểm hiện tại, tất cả sản phẩm chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản đã vượt nhu cầu của thị trường trong nước. Do đó, xảy ra tình trạng thịt heo đối diện với những bất lợi lớn trên thị trường tiêu thụ. Ví dụ như giá heo hơi thuộc loại tốt chỉ còn 28.000 đồng/kg (có nơi dưới 25.000 đồng/kg). Đáng lo ngại hơn, việc sụt giá chưa có dấu hiệu dừng lại.
Các chuyên gia trong ngành chăn nuôi nhận định: Đây là thời điểm giá thịt heo thấp nhất từ trước đến nay ở thị trường Việt Nam, cũng là giá thấp nhất trên thị trường thế giới. Do đó, nếu tình trạng sụt giá kéo dài, thì các hộ chăn nuôi và những trang trại lớn sẽ không thể đứng vững, có nguy cơ sạt nghiệp.
Xuất phát từ thực tiễn vô cùng bức thiết của ngành chăn nuôi, đại diện các doanh nghiệp tham dự hội nghị cũng tham mưu nhiều giải pháp để “giải cứu” thịt heo đang bên bờ vực nguy khốn. Theo đại diện CP Việt Nam, để "giải cứu" thịt heo, công ty đã tăng cường bán thịt theo miếng, chế biến thành xúc xích, thuê kho cấp đông, tăng cường chế biến sâu ….
Đại diện Công ty Dabaco cho biết giảm giá thức ăn chăn nuôi từ 5-7% từ tuần trước, hạ giá bán con giống, tăng cường hỗ trợ kỹ thuật cho người chăn nuôi, không để dịch bệnh xảy ra… Dabaco kiến nghị tạm dừng nhập khẩu để giải quyết nguồn thịt heo dư thừa hiện nay… Đại diện các công ty cũng đề xuất các giải pháp khác như giảm đàn heo nái, mua giá cao hơn giá thị trường để hỗ trợ người chăn nuôi, giảm giá thức ăn…
Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Xuân Cường khẳng định có 2 nguyên nhân khiến thịt heo rớt giá: Nguồn cung lớn hơn cầu; tổ chức ngành hàng thịt heo chưa tốt; khâu chế biến cũng là khâu yếu nhất của ngành chăn nuôi …
Do đó, bộ trưởng đề nghị nhanh chóng tái cơ cấu chăn nuôi theo hướng giảm quy mô phù hợp nhất. Bên cạnh đó, phải tổ chức lại ngành hàng sản xuất, mở rộng chăn nuôi tập trung. Chăn nuôi nông hộ phải tổ chức lại nhằm giảm đầu vào, có kế hoạch đầu ra, củng cố kỹ thuật… “Trước mắt, hạ ngay yếu tố đầu vào như: Cám, thuốc thú y… trên cơ sở rà soát công tác quản trị, chia sẻ khó khăn với người chăn nuôi” - Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường nhấn mạnh.
Hoàng Bắc