Kết quả kiểm tra cho thấy, Ban chỉ đạo tỉnh Khánh Hòa đã thành lập 130 đoàn kiểm tra việc chấp hành pháp luật về ATTP (tuyến tỉnh: 4 đoàn, tuyến huyện: 13 đoàn, tuyến xã: 113 đoàn) đối với 695 cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm. Trong đó, 679 cơ sở chấp hành các quy định của pháp luật về ATTP (chiếm 97,7 %), 16 cơ sở chưa tuân thủ đầy đủ các quy định của pháp luật về ATTP (chiếm 2,3 %), nhắc nhở 15 cơ sở, xử phạt 01 cơ sở với tổng số tiền phạt là 4,25 triệu đồng với hành vi vi phạm quy định về ghi nhãn hàng hóa. Trong Tháng hành động vì an toàn thực phẩm, trên địa bàn tỉnh Khánh Hoà chưa ghi nhận vụ ngộ độc thực phẩm xảy ra, duy trì kết quả tốt so với cùng kỳ năm trước 2020.
Theo đánh giá, mặc dù gặp nhiều khó khăn do dịch bệnh Covid-19, tỉnh Khánh Hòa đã tích cực vào cuộc, chủ động triển khai các biện pháp bảo đảm an toàn thực phẩm, triển khai Tháng hành động vì an toàn thực phẩm theo các nội dung đã được hướng dẫn. Việc triển khai công tác thanh tra, kiểm tra về an toàn thực phẩm được triển khai đồng bộ trên phạm vi toàn tỉnh, kịp thời chấn chỉnh, xử lý các trường hợp vi phạm.
Tại Ninh Thuận, Đoàn ghi nhận tỉnh đã thành lập 75 đoàn thanh tra, kiểm tra trong Tháng hành động vì an toàn thực phẩm năm 2021. Tính đến ngày 06 tháng 5 năm 2021, các đoàn đã tiến hành thanh tra, kiểm tra tại 911 cơ sở, kết quả có 838 cơ sở đạt (chiếm 92,0%), 73 cơ sở vi phạm (chiếm 8,0%). Việc lập kế hoạch và triển khai Tháng hành động năm 2021 đã được Ban Chỉ đạo liên ngành ATTP tỉnh Ninh Thuận chú trọng chỉ đạo, xây dựng, đồng thời có cơ chế phối hợp với Ủy ban MTTQ Việt Nam, Hội liên hiệp phụ nữ, Hội Nông dân cấp tỉnh để tăng cường vận động, giám sát bảo đảm an toàn thực phẩm năm 2021. Nhiều hoạt động truyền thông được tổ chức phù hợp với tình hình của tỉnh, góp phần nâng cao nhận thức của cộng đồng xã hội về bảo đảm an toàn thực phẩm. Công tác thanh tra, kiểm tra được duy trì. Trong thời gian triển khai “Tháng hành động vì ATTP” năm 2021, trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận không xảy ra ngộ độc thực phẩm.
Triển khai Kế hoạch, Nam Định đã tổ chức 247 đoàn thanh tra, kiểm tra về an toàn thực phẩm. Tổng số cơ sở được thanh tra kiểm tra là 1.846 cơ sở, trong đó cơ sở đạt là 1.551 cơ sở; số cơ sở vi phạm là 295 cơ sở; số cơ sở vi phạm đã xử lý là 37 cơ sở. Tổng số tiền phạt vi phạm hành chính: hơn 128 triệu đồng. Kết quả thanh tra, kiểm tra cho thấy, đa số các cơ sở đều thực hiện tốt các quy định về điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm trong sản xuất, kinh doanh thực phẩm. Một số ít cơ sở do tuyến xã kiểm tra có vi phạm và chủ yếu được nhắc nhở.
Còn tại tỉnh Thái Bình, thực hiện tháng hành động về ATTP từ 15/4 đến 07/5, tỉnh Thái Bình đã thành lập 396 đoàn kiểm tra việc chấp hành pháp luật về ATTP (bao gồm: 3 đoàn tuyến tỉnh, 26 đoàn tuyến huyện và 260 đoàn tuyến xã) đối với 2.271 cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm. Trong đó, 1.155 cơ sở chấp hành các quy định của pháp luật về ATTP, nhắc nhở 1.094 cơ sở, xử phạt 22 cơ sở với tổng số tiền phạt là 36,4 triệu đồng. Bên cạnh đó, các ngành chức năng đã thực hiện xét nghiệm nhanh 499 mẫu thực phẩm (chỉ tiêu hóa lý, vi sinh), kết quả có 416 mẫu đạt, 83 mẫu test nhanh độ sạch dụng cụ không đạt; Tiến hành kiểm nghiệm 37 mẫu thực phẩm tại Labo, trong đó: 14 mẫu đạt, 2 mẫu không đạt đang trong quá trình chờ xử lý và 19 mẫu hiện đang chờ kết quả kiểm nghiệm.
Đánh giá kết quả công tác đảm bảo an toàn thực phẩm trong Tháng hành động vì an toàn thực phẩm năm 2021 tại 04 tỉnh trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 ảnh hưởng đến phát triển kinh tế - xã hội, Bộ Công Thương ghi nhận trên địa bàn các tỉnh không xảy ra ngộ độc thực phẩm. Mặc dù phải tập trung phần lớn nguồn lực cho công tác chống dịch, Ban chỉ đạo liên ngành vệ sinh an toàn thực phẩm các tỉnh đã tích cực vào cuộc, chủ động triển khai các biện pháp bảo đảm an toàn thực phẩm, triển khai Tháng hành động vì an toàn thực phẩm theo các nội dung đã được hướng dẫn; tổ chức triển khai thực hiện các quy định của pháp luật về an toàn thực phẩm đầy đủ, kịp thời, cơ bản đáp ứng được yêu cầu quản lý nhà nước về công tác bảo đảm ATTP và phù hợp với điều kiện thực tế của từng địa phương.
Đoàn kiểm tra liên ngành Trung ương do Bộ Công Thương chủ trì đề nghị Ban chỉ đạo liên ngành vệ sinh an toàn thực phẩm các tỉnh được kiểm tra tiếp tục quan tâm hơn nữa đối với công tác đảm bảo an toàn thực phẩm trên địa bàn, tăng cường chỉ đạo các cơ quan chức năng triển khai nhiều biện pháp hữu hiệu để nâng cao hiệu quả công tác bảo đảm an toàn thực phẩm góp phần bảo vệ và nâng cao sức khoẻ, đời sống cho người dân. Đồng thời, duy trì và đẩy mạnh hoạt động phổ biến, thông tin tuyên truyền, nâng cao ý thức cộng đồng về công tác đảm bảo an toàn thực phẩm, coi đây là công việc quan trọng và được thực hiện thường xuyên, liên tục, không chỉ riêng trong dịp tháng hành động hoặc các dịp cao điểm trong năm.