Bộ ba người Mỹ đoạt giải Nobel Kinh tế 2019 nhờ giải pháp chống đói nghèo trên toàn cầu

(NTD) - Chiều 14/10, Viện Hàn lâm khoa học Hoàng gia Thụy Điển (RSAS) đã công bố giải Nobel Kinh tế vinh danh sự đóng góp to lớn của hai vợ chồng Abhijit Banerjee - Esther Duflo và Michael Kremer cho các giải pháp nỗ lực giảm nghèo. Đây là lần thứ hai trong 50 năm qua, Nobel kinh tế vinh danh một phụ nữ.

Cặp Abhijit Banerjee - Esther Duflo hiện giảng dạy tại Viện Công nghệ Massachusetts, còn Michael Kremer làm việc tại Đại học Harvard. Nhà kinh tế học Esther Duflo, quốc tịch Mỹ - Pháp, cũng là người phụ nữ thứ hai và đồng thời là người trẻ nhất (47 tuổi) từng được trao giải Nobel Kinh tế.

Không giống như các giải Nobel khác được trao từ năm 1901, Nobel Kinh tế là giải thưởng duy nhất không do  nhà phát minh - nhà từ thiện Alfred Nobel sáng lập và đề cập trong bản di chúc năm 1895 của ông. Tên chính thức là Giải thưởng của Ngân hàng Trung ương Thụy Điển về Kinh tế học Tưởng nhớ Alfred Nobel, được lập ra năm 1968, nhằm kỷ niệm 300 năm thành lập ngân hàng này, và lần đầu tiên được trao vào năm 1969. 

 

RSAS giải thích bằng thông báo: "Nghiên cứu của những người đoạt giải năm nay đã cải thiện khả năng chống đói nghèo toàn cầu. Chỉ trong hai thập kỷ, cách tiếp cận dựa trên thí nghiệm mới của họ đã thay đổi kinh tế học phát triển, hiện đang là một lĩnh vực nghiên cứu nở rộ".

Bất chấp những cải thiện mạnh mẽ gần đây, loài người vẫn đang đối mặt với vấn nạn đói nghèo khi có hơn 700 triệu người vẫn sống bằng thu nhập cực kỳ thấp. Hằng năm, khoảng 5 triệu trẻ em dưới 5 tuổi thiệt mạng do những căn bệnh có thể ngăn ngừa hoặc chữa được bằng những phương pháp không quá tốn kém.

Bộ ba Abhijit Banerjee - Esther Duflo - Michael Kremer đã đưa ra cách tiếp cận mới để chống đói nghèo, theo phương cách chia nhỏ vấn đề lớn ra thành các vấn đề nhỏ hơn để dễ quản lý hơn, chẳng hạn như các biện pháp can thiệp hiệu quả nhất trong việc cải thiện kết quả giáo dục hoặc sức khỏe trẻ em. Họ đã chỉ ra rằng những vấn đề nhỏ hơn, chính xác hơn này thường được giải quyết tốt nhất.

Cả ba đã mang đến một cách tiếp cận mới mẻ và đáng tin cậy, cung cấp các biện pháp tốt nhất trong cuộc chiến chống đói nghèo trên bình diện toàn cầu.

Năm 2018, giải Nobel kinh tế 2018 thuộc về hai nhà khoa học William Nordhaus với nghiên cứu về kinh tế học khí hậu và Paul Romer với nghiên cứu về thuyết tăng trưởng nội sinh - cả hai đã đưa kinh tế vĩ mô lên quy mô toàn cầu, nhằm giải quyết một số thách thức lớn nhất của thế giới. Đó là những thiệt hại gây ra bởi biến đổi khí hậu, và cách đạt được tốc độ tăng trưởng kinh tế vững mạnh.

Nữ kinh tế gia Esther Duflo được trao giải Nobel Kinh tế 2019 (Ảnh: AFP)

Theo nhà bình luận kinh tế Micael Dahlen, có 3 ứng cử viên sáng giá cho giải năm nay - đều là phụ nữ, đó là nhà kinh tế người Mỹ Anne Krueger với những nghiên cứu về thương mại quốc tế; nhà kinh tế người Mỹ gốc Cuba Carmen Reinhart - nghiên cứu về nợ công và tăng trưởng, và nhà kinh tế người Pháp Esther Duflo - nghiên cứu về viện trợ phát triển. Nhưng cả ba đều để tuột mất giải.

Kể từ năm 1969, giải Nobel Kinh tế đã được trao 50 lần. Độ tuổi trung bình của những người này là 67. Người trẻ nhất được xướng tên năm 51 tuổi, và cao tuổi nhất là 90.

Tính đến nay, trong số 81 người được trao giải Nobel Kinh tế có đến 2/3 là chuyên gia làm việc tại Đại học Chicago.

Nobel Kinh tế là giải cuối cùng được trao sau các giải Nobel Y Sinh, Vật lý, Hóa học, Văn học và Hòa bình.

                                                                                                     Tường Quyên

                                                                                                 (Theo AFP, CNN)

Nên đọc