Bitcoin là "mỏ vàng" hay "bong bóng"?

(NTD) - Nhiều nhà đầu tư và doanh nhân trên thế giới điên đầu với các loại đồng tiền ảo, trong đó phổ biến nhất là Bitcoin và Litcoin. Đồng tiền số Bitcoin mới được 8 tuổi đã thu hút nhiều nhà đầu tư, cao điểm là từ trung tuần tháng 12 – thời điểm 1 Bitcoin có khi vượt ngưỡng 20.000USD. Đùng một cái, đến cuối năm 2017, nó tuột dốc giảm xuống dưới 8.000 USD. Vào tháng 2/2018, có nhà phân tích dự đoán trong năm 2018, đồng Bitcoin sẽ tụt xuống còn O USD. Vậy nó là "bong bóng" hay "mỏ vàng"?

 

Đầu năm 2017, một đồng Bitcoin chỉ có giá 1.000 USD. Vào khoảng trung tuần tháng 11/2017, nó chạm ngưỡng 10.000 USD, rồi tiếp tục vượt quá 11.000 USD trước khi quay về 9.000 USD, mất 20% giá. Nhưng đến khoảng trung tuần tháng 12/2017, nó vọt lên một phát vượt ngưỡng 20.000USD. Rồi đến gần cuối năm 2017, nó tụt một cách ngoạn mục xuống dưới 8.000 USD. Đến ngày 19/2/2018, nó nhích dần lên mức 9.807,55/USD. Cùng lúc, nhiều lãnh đạo thế giới lên tiếng về việc ngăn chặn đồng Bitcoin lưu hành trên thị trường toàn cầu.

Điều gì sẽ xảy ra tiếp theo?

Một số người nói việc Bitcoin vượt ngưỡng 20.000 USD đánh dấu một chương mới. Ronnie Moas - người sáng lập và Giám đốc nghiên cứu tại Standpoint Research, nói "Bạn nghĩ điều gì sẽ xảy ra một khi đồng tiền này được lưu hành chính thống?".

Nhiều người nói Bitcoin vượt ngưỡng 20.000 USD rồi một tuần sau tụt xuống dưới 8.000 USD/Bitcoin đánh dấu một chương mới (Ảnh: Reuters)

Moas cho rằng Bitcoin có thể trở thành món hàng quý như cổ phiếu Amazon hay Google và theo ông, cũng nên đầu tư một số tiền vào Bitcoin còn hơn là trở thành người ngoài cuộc:

"Với những gì đang xảy ra thì sẽ có 200 triệu người cố gắng đầu tư vào vài triệu đồng Bitcoin đang lưu hành và rằng ngưỡng 20.000 USD là con dấu chuẩn thuận, kể như sự hậu thuẫn của một nhân vật nổi tiếng cho một sản phẩm nào đó”.

“Nhưng không phải ai cũng có cái nhìn lạc quan. Đó là bong bóng và là thứ tạo cảm giác mạnh cho nhiều người khi đồng tiền lên xuống" - kinh tế gia nhận giải Nobel Joseph Stiglitz nói với Bloomberg.

Đối với người dân thường, thì Bitcoin dường như chẳng có ý nghĩa gì. Mặc dù có một số ngoại lệ thì Bitcoin không được dùng tại đa số các cửa hàng bởi chưa được công nhận về tính pháp lý tại nhiều nước, bởi bản chất bán tự cung tự cấp của tiền số này tạo mối lo ngại về rửa tiền hoặc làm gia tăng việc bán hàng lậu.

“Cha đẻ” đồng Litecoin bỗng dưng bán sạch tiền ảo

Nhà sáng lập ra đồng tiền ảo lớn thứ 5 thế giới Litecoin (LTC), ông Charlie Lee đã bán toàn bộ tiền ảo của mình trong mấy ngày qua. Trong một bài đăng trên mạng xã hội Reddit, ông Lee cho biết: “Litecoin đã rất tốt đối với tôi về mặt tài chính, vì vậy tôi đã đủ mạnh để không cần phải gắn thành công tài chính của tôi với thành công của đồng Litecoin. Lần đầu tiên trong hơn 6 năm, tôi không còn sở hữu một đồng LTC nào cả”. 

The Old Fitzroy là quán rượu Australia đầu tiên chấp nhận khách hàng thanh toán bằng Bitcoin (Ảnh: Getty)

Gây dựng Litecoin từ năm 2011, ông Lee được cho rằng đã kiếm bộn trong năm nay sau khi đồng tiền ảo của ông tăng giá trị 75 lần. Kỹ sư phần mềm cho biết ông đã bán và tặng lại toàn bộ tiền ảo của mình. Bước đi này nhằm tránh tình trạng “xung đột lợi ích” sau khi cựu giám đốc kỹ thuật tại Coinbase bình luận trên mạng xã hội về đồng tiền ảo này và gây tác động đến giá trị của nó.

Theo số liệu của CoinMarketCap, LTC được giao dịch gần mốc 339 USD/đồng vào lúc 13h43 (giờ GMT) ngày 20/12 với giá trị thị trường đạt trên 18 tỷ USD. Đồng tiền ảo này đã rớt giá 3,5% trong vòng 24 giờ sau đó. 

Trùm Bitcoin Lerner bị bắt cóc ở Ukraine

Ngày 28/12, chuyên gia công nghệ thông tin, kiêm Giám đốc sàn giao dịch tiền ảo Pavel Lerner vừa bị bắt cóc ở Kiev (Ukraine). Theo giới phân tích về tiền ảo, ông Lerner là trùm tiền Bitcoin ở khu vực châu Âu và Nga.

Báo chí Ukraine tiết lộ rằng ông Lerner đã ngưng trả lời điện thoại từ ngày 26/12. Theo báo chí Ukraine, lập trình viên này bị nhiều người mặc áo đen, đầu trùm khan choàng đen kín mít chặn bắt rồi kéo vào một chiếc xe Mercedes-Benz Vito, sau đó chở đi mất dạng.

Ông trùm sàn giao dịch tiền ảo Lerner bị bắt cóc gần Stepan Bandera Prospect (đã từng có tên Moscow Prospect song được Kiev đổi tên sau năm 2013) ở thủ đô Kiev. Ông là công dân Nga, năm nay 40 tuổi, vốn có nhiều doanh nghiệp khởi nghiệp ở Ukraine, hoạt động kinh doanh liên quan đến công nghệ blockchain và hoạt động đào tiền ảo.

Ông cũng là Giám đốc điều hành một sàn giao dịch lớn ở Anh là Exmo. Ông bị bắt chưa biết vì lý do gì.

Doanh nghiệp Nhât trả lương bằng Bitcoin

Từ đầu năm 2018, hơn 4.000 nhân viên công ty Internet GMO của Nhật sẽ được nhận một phần lương bằng Bitcoin nếu muốn. Tiền lương Bitcoin thường được thanh toán theo giá trị của đồng tiền kỹ thuật số theo thời điểm và thời gian thỏa thuận.

Ví dụ, nếu giá một Bitcoin là 10.000 USD và một nhân viên được trả khoản lương 1.000 USD bằng tiền kỹ thuật số, họ sẽ nhận được 0,1 Bitcoin. Những nhân viên chọn bán ngay lập tức khoản lương Bitcoin vừa nhận được sẽ nhận khoản tiền mặt tương đương (miễn là họ thu xếp việc này từ trước).

Doanh nghiệp Nhật cũng cho thanh toán bằng Bitcoin (Ảnh: AFP)

Tuy nhiên, nếu giữ tiền ảo, người ta sẽ thấy trong vòng một ngày, một tuần hoặc một năm, giá trị của nó sẽ tăng lên hoặc đi xuống. Khoản 1.000 USD đó có thể tăng lên thành 5.000 USD. Hoặc có khả năng không còn gì!

Bitwage, một lập trình để chuyển tiền lương 'thật' thành 'ảo', đã 'số hóa' 30 triệu USD tiền lương cho 20.000 người dùng ở Hoa Kỳ, châu Âu, Mỹ Latinh và châu Á, gồm nhân viên của Google, Facebook, GE, Philips, Liên Hiệp Quốc và Hải quân Hoa Kỳ. Một số công ty làm việc trong ngành công nghiệp tiền kỹ thuật số đã trả lương bằng Bitcoin từ nhiều năm qua.

Bitcoin bị tấn công te tua ở Hàn Quốc

Ít nhất 7 triệu USD tiền kỹ thuật số đã bị đánh cắp trong vụ trộm - mặc dù giá trị số tiền hiện nay đã tăng lên mức 82,7 triệu USD. Các nhà phân tích nói rằng, tin tặc đối phương và cả những nước có quan hệ tốt có thể nhắm tới các đồng tiền ảo để trốn tránh các hình phạt tài chính được áp đặt như là hình phạt đối với việc phát triển vũ khí hạt nhân. Các tin tặc cũng lấy trộm thông tin cá nhân của khoảng 30.000 người.

Những người này đang giao dịch các loại tiền ảo Bitcoin và Ethereum trên sàn giao dịch điện tử Bithumb - một trong năm sàn lớn nhất trên thế giới. Cuộc tấn công này được cho là có từ tháng 2/2017, khi máy tính cá nhân của một nhân viên Bithumb bị nhắm mục tiêu - mặc dù việc này chỉ được phát hiện vào tháng 6. Các tin tặc cũng yêu cầu thêm khoảng 5,5 triệu USD từ Bithumb để đổi lấy việc thông tin cá nhân của những người kinh doanh tiền ảo không bị xóa.

Hiện tại, các đồng tiền ảo không được các cơ quan tài chính của Hàn Quốc điều tiết, nhưng họ đang cam kết sẽ tăng cường quy định. Ba ngày trước, chính phủ Hàn Quốc đã áp đặt mức phạt tổng cộng 55.000 USD vào Bithumb vì không bảo vệ được thông tin của người sử dụng.

Được biết tại Việt Nam, hồi tháng 10/2017, Ngân hàng Nhà nước nói việc phát hành, cung ứng, sử dụng Bitcoin và các loại tiền ảo tương tự khác sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính mức từ 150 triệu đến 200 triệu đồng. Văn bản của Ngân hàng Nhà nước gửi cơ quan báo chí hôm 28/10 khẳng định Bitcoin và các loại tiền ảo tương tự khác không phải là phương tiện thanh toán hợp pháp tại Việt Nam.                                                                                                 

Hư hư thực thực

Trong khi một số người cho rằng Bitcoin sẽ là đồng tiền của tương lai thì một số người khác nghĩ rằng cuộc chơi này sẽ có lúc tàn một khi các chính phủ ra tay hành động.

"Ngay vào lúc này thì mọi chuyện hết sức hỗn độn" - Tadge Dryja, nhà khoa học nghiên cứu tại Digital Currency Initiative ở MIT, nói khi mô tả việc không có ngân hàng hay chính phủ nào giám sát việc phát hành và sử dụng tiền này.

Giám đốc sàn giao dịch tiền ảo Pavel Lerner bị bắt cóc ở Ukraine (Ảnh: AFP)

Nhưng với diễn biến hiện nay, ông mô tả đồng tiền này là "nguy hiểm". Đó là lý do một số người nói việc can thiệp bằng quản lý của chính phủ sẽ khiến “bong bóng” Bitcoin nổ tung. Kenneth Rogoff là giáo sư chính sách công cộng và kinh tế tại Harvard University và là cựu kinh tế gia trưởng tại Quỹ tiền tệ Quốc tế, cho rằng chính phủ không thể cho phép người dân thực hiện các giao dịch khối lượng lớn mà không biết tiền đi đâu về đâu.

Hiện tại, ông nói các chính phủ đang ngồi quan sát và để Bitcoin nuôi dưỡng sáng tạo công nghệ: “Tôi không nghĩ là Bitcoin là không có giá trị gì. Có thể có một số nhà nước bất trị ủng hộ”.

Ngày 19/2, Bộ trưởng Tài chính Hoa Kỳ Steven Mnuchin và Phó Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Valdis Dombrovskis lên tiếng khuyến cáo chính phủ các nước nên ban hành luật lệ quy định về tài chính để kiểm soát các loại đồng tiền ảo, trong đó chú trọng đến Bitcoin…

* *

Bên cạnh Bitcoin và Litecoin, hiện còn có những đồng tiền ảo như Ethereum (ETH), Zcash (ZEC), Dash và Ripple (XRP)... đang tăng tốc phát triển trên thị trường toàn cầu tuy giá lúc tăng lúc giảm.  

Cách đây 10 năm chẳng ai nghĩ rằng một đồng tiền vô hình của tương lai, chẳng được chính phủ nào phát hành và tồn tại trên internet lại có thể tồn tại. Bitcoin vẫn chưa phải tiền tệ chính thức bởi không do chính phủ nào in. Nó có thể dùng để thanh toán trên mạng hoặc chuyển khoản điện tử, tránh được việc chờ đợi ngân hàng và các phí giao dịch. Trị giá của Bitcoin, tiền số đầu tiên, nay lên tới hơn 167 tỷ USD!

Nhiều ngân hàng thế giới cảnh báo nhà đầu tư hãy thận trọng! Một số người nói đồng tiền này đang chạm đỉnh và dựa vào chẳng gì khác ngoài “bong bóng” đầu cơ, trong khi những người khác cảm giác nó là “mỏ vàng”, giá sẽ còn tăng nữa!? Thực thực hư hư, không biết đâu mà lần!

                                                                                                                                                  Lê Miên Tường

Nên đọc