Bình Thuận: Vụ giết người “tưởng tượng” và lời kêu oan của một trung tá công an - Kỳ 1: Nghi vấn khởi tố, điều tra trái thẩm quyền!?

(NTD) - Ngay từ khi bị khởi tố và kết án 4 năm tù giam, ông Hoàng Đình Loan, nguyên Trung tá, Phó trưởng Công an huyện Hàm Tân đã kêu oan. Và, cho đến nay, hơn 10 năm trôi qua, “hành trình đi tìm công lý” của ông vẫn chưa có hồi kết. Vì sao?

  Ông Hoàng Đình Loan bị Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an (CA) tỉnh Bình Thuận khởi tố, bắt giam ngày 28/11/2005 bởi “có những sai phạm nghiêm trọng” trong ba vụ án hình sự. Vậy, theo cơ quan tố tụng, 3 vụ án (sau này đình chỉ 1 vụ) khiến nguyên Trung tá Loan bị khởi tố, cáo buộc là gì?

5 kết luận điều tra và 3 cáo trạng buộc tội bị cáo Loan.

Hai vụ cố ý gây thương tích

  Vụ thứ nhất, đêm 25/11/2001, do mâu thuẫn từ trước Nguyễn Công Thọ (ngụ tại xã Tân Nghĩa) cùng đồng bọn chém anh Nguyễn Minh Dũng gây thương tích 25%. Sau xác minh ban đầu, ngày 15/3/2002 Đội cảnh sát Hình sự CA huyện Hàm Tân chuyển toàn bộ hồ sơ sang cho ông Loan (thời điểm đó giữ chức Đội trưởng Đội cảnh sát Điều tra). Ông Loan nhận thụ lý và giao cho một điều tra viên, nhưng điều tra viên này không làm... Hơn ba tháng sau, ngày 31/8/2002 ông Loan được bổ nhiệm chức Phó trưởng CA huyện và được phân công phụ trách khối điều tra, trinh sát. Thế nhưng, với cương vị mới và nhiều lần được chỉ đạo xem xét khởi tố vụ án nhưng “Loan vẫn không thực hiện và cho rằng chưa có quyết định ủy nhiệm nên không ký được quyết định khởi tố”. Không những thế, ngay khi được Bộ CA bổ nhiệm chức Phó thủ trưởng Cơ quan điều tra CA huyện “Loan cũng không tiến hành các hoạt động khởi tố điều tra theo quy định”, cho đến khi thành lập chuyên án HT-405 (vụ Hai Chi) vào năm 2005 thì vụ án mới được đưa ra xem xét, khởi tố (và ngày 29/6/2006, Thọ cùng 6 đồng phạm khác bị tuyên phạt tổng cộng 48 năm tù). Do đó, Hoàng Đình Loan đã “thiếu trách nhiệm gây hậu quả rất nghiêm trọng”!

Quyết định khởi tố và quyết định “giải oan” ông Loan về tội “Không truy cứu trách nhiệm hình sự người có tội”.
Đơn khiếu nại và tố cáo của nguyên Trung tá Hoàng Đình Loan.

  Vụ thứ hai, cũng tại xã Tân Nghĩa, đêm 12/9/2001 anh Nguyễn Trung Đức, do cự cãi về ly cà phê đã mua quá đắt nên bị Nguyễn Hữu Toàn và Huỳnh Tấn Bạo (là cháu chủ quán Mang Thị Phương Hiền) dùng dây xích đánh, gây thương tật 23,67%. Tuy nhiên, sau khi trực tiếp lấy lời khai của Bạo và Toàn (2 đối tượng này đến CA tự thú) Loan cho gia đình bảo lãnh tại ngoại và “không tiếp tục điều tra, đấu tranh, truy thu vật chứng để làm rõ mà kéo dài đến ngày 4/2/2002 mới chuyển hồ sơ đến Cơ quan điều tra CA tỉnh” (sau đó cơ quan này ra quyết định không khởi tố, và khi chuyên án HT-405 thành lập, vụ án mới được “lật lại” để rồi Toàn phải nhận mức án 5 năm tù). Vì thế, ông Loan đã không làm hết chức trách, vi phạm các quy định về xử lý tin báo tội phạm cũng như áp dụng các biện pháp điều tra để thu thập chứng cứ nên cũng “thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”!

Một vụ “giết người”, tạo hiện trường giả

  Vụ thứ ba, 22h đêm 19/10/2002, cũng do cự cãi vì chủ quán Trúc Mai (xã Tân Nghĩa) tính giá 2 chai bia, 2 gói đậu phộng quá đắt (22.000 đồng) nên khi Huỳnh Văn Hòa điều khiển xe máy chở Lê Trung Thành ra khỏi quán thì Nguyễn Thanh Gương (chồng chủ quán) cùng đồng bọn là Sửu, Tư chặn xe đánh Hòa vỡ tim, gẫy xương ức chết ngay tại chỗ, còn Thành bị thương nặng. Sau đó Gương tạo hiện trường giả là một vụ tai nạn giao thông trên QL1A hòng chạy tội... Trong vụ này, ông Loan bị cho là “không kiểm tra kỹ hồ sơ để yêu cầu cán bộ làm rõ các mâu thuẫn... nhưng vẫn ký quyết định không khởi tố vụ án hình sự” gây hậu quả “bỏ lọt tội phạm đặc biệt nghiêm trọng, để tội phạm nhởn nhơ ngoài pháp luật” nên cấu thành tội “không truy cứu trách nhiệm hình sự người có tội”...

  Như vậy, với 3 vụ án trên, nguyên Trung tá Loan bị khởi tố, bắt giam bởi 2 tội danh không khởi tố kẻ phạm tội và thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng. Trong đó, vụ thứ 3 (giết người, ngụy tạo hiện trường giả) là nghiêm trọng nhất. Tuy nhiên, như đã nói ở trên, vụ “giết người” tày đình sau đó đã được làm sáng tỏ là không có vụ án mạng nào mà do nạn nhân Hòa uống rượu, đi xe máy không làm chủ tốc độ nên tông vào đuôi xe tải chết tại chỗ, còn Thành (ngồi sau) bị thương. Bởi thế, vụ án đã bị đình chỉ, và đương nhiên, ông Loan cũng được “ăn theo”: “Xóa” tội danh “không truy cứu trách nhiệm hình sự người phạm tội”, chỉ còn tội “thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” đối với 2 vụ cố ý gây thương tích!

  Hãy khoan phân tích xem hành vi của ông Loan có cấu thành tội “thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” (để phải lãnh bản án 4 năm tù) hay không mà “soi” về việc điều tra, khởi tố trong trường hợp này có đúng luật? Theo luật sư, TVH (Hà Nội)không khó khăn lắm để thấy rằng, CA tỉnh Bình Thuận đã tiến hành khởi tố điều tra trái thẩm quyền đối với ông Loan (bởi, ông Loan khi đó là Phó trưởng CA huyện, do đó việc khởi tố điều tra đối với ông thuộc thẩm quyền của Cơ quan Điều tra Viện KSND Tối cao, không phải của CA)?

Điều 18 Pháp lệnh Tổ chức điều tra án hình sự số 23/2004/PL-UBTVQH11 ngày 20/8/2004, do Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành, quy định về “Thẩm quyền điều tra của Cơ quan điều tra Viện KSND Tối cao: Cơ quan điều tra Viện KSND Tối cao điều tra các vụ án hình sự về một số loại tội xâm phạm hoạt động tư pháp mà người phạm tội là cán bộ thuộc các cơ quan tư pháp khi các tội phạm đó thuộc thẩm quyền xét xử của TAND”.

Mạc Hồng Kỳ