Việc chuyển đổi mạnh mẽ tư duy từ sản xuất nông nghiệp sang phát triển kinh tế nông nghiệp; từ sản xuất lấy sản lượng làm trọng tâm sang sản xuất chế biến, cung cấp dịch vụ nông nghiệp chất lượng, sạch, an toàn, có giá trị kinh tế cao gắn với phát triển thị trường và lợi thế cạnh tranh của sản phẩm thanh long.
Ứng dụng khoa học công nghệ, phát triển quả thanh long góp phần nâng cao thu nhập và chất lượng cuộc sống người dân
Tăng cường thu hút doanh nghiệp, hợp tác xã, nông dân đầu tư vào ngành hàng thanh long; doanh nghiệp, hợp tác xã giữ vai trò nòng cốt, làm cầu nối, dẫn dắt trong xây dựng và phát triển các chuỗi giá trị; hỗ trợ nông dân ứng dụng khoa học công nghệ, liên kết, hợp tác trong sản xuất, chế biến, tiêu thụ thanh long, góp phần nâng cao thu nhập và chất lượng cuộc sống ở nông thôn.
Phát triển cây thanh long theo hướng sinh thái, áp dụng quy trình sản xuất nông nghiệp tiên tiến (VietGAP, GlobalGAP), ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ; phát triển bền vững gắn du lịch trải nghiệm vườn thanh long.
Nâng cao chất lượng, giá trị gia tăng và khả năng cạnh tranh sản phẩm thanh long Bình Thuận; tăng cường liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ, chế biến theo chuỗi giá trị; nâng cao thu nhập cho người nông dân. Tổ chức lại sản xuất, phát triển toàn diện, bền vững; nâng cao chất lượng, giá trị, giữ vững thương hiệu thanh long Bình Thuận; liên kết sản xuất và tìm kiếm thị trường tiêu thụ nhằm ổn định đời sống của bà con nông dân trồng thanh long, góp phần phát triển ngành nông nghiệp xanh, nông nghiệp sinh thái, nông nghiệp tuần hoàn và giảm phát thải. Phát triển thị trường tiêu thụ trong và ngoài nước (trái thanh long, sản phẩm từ trái thanh long, thị trường truyền thống, tiềm năng và mở rộng).
UBND tỉnh Bình Thuận yêu cầu tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý của Nhà nước, phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Hội Nông dân và các tổ chức chính trị - xã hội, xã hội trong việc phát triển bền vững cây thanh long.
Theo đánh giá của ngành Nông nghiệp tỉnh Bình Thuận, giá trị ngành hàng thanh long của tỉnh những năm gần đây có xu hướng năm sau giảm so với năm trước. Dù được xác định là cây trồng chủ lực, tuy nhiên, thời gian qua, việc sản xuất thanh long ở Bình Thuận vẫn còn nhỏ lẻ, manh mún và tự phát, vùng sản xuất quy mô lớn chưa được nhiều, chưa tạo ra được khối lượng sản phẩm lớn đủ sức cạnh tranh.
Bên cạnh đó, khâu bảo quản chế biến còn yếu, thị trường tiêu thụ không ổn định, chủ yếu là thị trường Trung Quốc, giá cả bấp bênh; liên kết giữa người sản xuất và doanh nghiệp chưa bền vững;… cùng với giống thanh long bị thoái hóa ảnh hưởng đến đầu tư sản xuất thanh long.
Ông Phan Văn Tấn, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Bình Thuận cho biết, trước thực trạng này, UBND tỉnh đã phê duyệt đề án phát triển bền vững cây thanh long đến năm 2030. Ông Tấn cho biết, việc cũng cố lại xây dựng vùng sản xuất tập trung theo tiêu chuẩn an toàn đáp ứng những điều kiện trong nước và ngoài nước; liên kết với các doanh nghiệp để ký kết hợp đồng tiêu thụ cho bền vững; hỗ trợ bà con xây dựng nhật ký điện tử, truy xuất nguồn gốc; xây dựng chính sách hỗ trợ cho người trồng thanh long.
Phát huy vai trò của Hiệp hội thanh long tỉnh Bình Thuận và doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác, hộ gia đình tham gia phát triển thanh long bền vững.
Trong đó, chú trọng đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác thông tin, tuyên truyền góp phần nâng cao nhận thức, năng lực, trình độ cho doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác, hộ gia đình mạnh dạn đổi mới, sáng tạo, ứng dụng khoa học công nghệ trong sản xuất thanh long bền vững, bảo quản, chế biến, tiêu thụ nông sản, làm giàu từ cây thanh long; tham gia đầu tư hạ tầng phục vụ canh tác, sản xuất thanh long như: tham gia xây dựng kênh mương, đường nội đồng phục vụ sản xuất thanh long, đầu tư, nâng cấp hệ thống điện chong đèn, đầu tư hạ tầng tưới nước tiết kiệm, đầu tư hạ tầng nhà bảo quản, chế biến thanh long...