Thời gian qua, các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đã quan tâm nhiều hơn trong việc xây dựng và bảo vệ thương hiệu thông qua thương mại điện tử. Các nền tảng phục vụ cho thương mại điện tử được khai thác hiệu quả, giúp các doanh nghiệp tiếp cận phương thức phân phối mới trong thời đại công nghệ số, nâng cao năng lực cạnh tranh thông qua việc tiết giảm chi phí so với phương thức kinh doanh truyền thống, có thêm nhiều cơ hội tiếp cận thị trường mới.
Hình minh họa
Trên địa bàn tỉnh, hiện nay có rất nhiều trung tâm mua sắm, siêu thị, cửa hàng tiện ích đã áp dụng chuyển đổi số để hoạt động kinh doanh, buôn bán. Đó là sự chuyển đổi trong cách thức vận hành, bán hàng từ phương tiện truyền thống sang môi trường công nghệ số. Trong đó, từ khâu quản lý, bán hàng, giới thiệu sản phẩm, tiếp cận khách hàng đều ứng dụng công nghệ…
Triển khai thực hiện kế hoạch phát triển thương mại điện tử tỉnh Bình Thuận giai đoạn 2021 - 2025, ngành công thương Bình Thuận thực hiện 3 đề án được Bộ Công Thương phê duyệt thuộc chương trình phát triển thương mại điện tử quốc gia. Trong đó, ngành công thương đã xây dựng và triển khai thực hiện đề án Sàn thương mại điện tử hỗ trợ kết nối giao thương 3 tỉnh Bình Thuận, Ninh Thuận và Lâm Đồng (địa chỉ www.sanphamdiaphuong.com.vn). Với vai trò là đơn vị chủ trì thực hiện Đề án, tỉnh Bình Thuận đã hỗ trợ kết nối các sản phẩm doanh nghiệp 3 tỉnh.
Đến nay, đã có 54 cơ sở và 152 sản phẩm của doanh nghiệp 3 tỉnh được cập nhật lên sàn thương mại điện tử nhằm giới thiệu, quảng bá các sản phẩm đặc trưng, thế mạnh của doanh nghiệp, cơ sở mình; kết nối cung cầu trao đổi, tiêu thụ các sản phẩm hàng hóa, dịch vụ giữa các doanh nghiệp và người tiêu dùng 3 tỉnh; mở rộng quảng bá, giao lưu, học hỏi từ các sản phẩm vùng miền của cả nước trên sàn thương mại điện tử 3 tỉnh.
Riêng đối với đề án giải pháp truy xuất nguồn gốc điện tử cho các sản phẩm OCOP Bình Thuận, sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu và đặc trưng thế mạnh tỉnh Bình Thuận, đã hỗ trợ 12 cơ sở có sản phẩm OCOP của tỉnh, sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu và các sản phẩm đặc trưng của tỉnh tạo mã truy xuất nguồn gốc (QR Code) cho các sản phẩm của mình”, đã có 45 sản phẩm của các cơ sở được tạo mã QR Code.
Thông qua việc quét mã QR Code được in trên nhãn, người tiêu dùng sẽ truy xuất được thông tin của sản phẩm (về quy trình, nguồn gốc nguyên liệu, giá thành…). Từ đó, góp phần minh bạch sản phẩm; đồng thời bảo vệ thương hiệu, uy tín của doanh nghiệp, tạo lòng tin cho người tiêu dùng.
Theo Sở Công Thương, đơn vị này đã thường xuyên hỗ trợ các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh phát triển thương mại điện tử, xây dựng website bán hàng, có khoảng 152 tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân có hoạt động kinh doanh thương mại điện tử đã thực hiện đăng ký/thông báo với Bộ Công Thương theo quy định; đã hỗ trợ cho 7 doanh nghiệp tỉnh Bình Thuận tham gia đối thoại, kết nối trực tiếp với sàn thương mại điện tử Shoppe, Lazada, Tiki, Sendo tại Hội nghị kết nối cung cầu thành phố Hồ Chí Minh năm 2022; kết nối 32 doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh với sàn thương mại điện tử Tiki tại tỉnh Bình Thuận năm 2023.
Lãnh đạo ngành công thương cho biết, thời gian đến sẽ tiếp tục giới thiệu các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh trên địa bàn tỉnh tham gia giao dịch tại các sàn thương mại điện tử lớn như Shoppe, Lazada, Sendo, Tiki, Postmart, Voso... Phối hợp với Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số - Bộ Công Thương, Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam tổ chức hội nghị kết nối giữa các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh trên địa bàn tỉnh với các sàn thương mại điện tử lớn như Shoppe, Lazada, Sendo, Tiki, Postmart, Voso... tại tỉnh Bình Thuận để thúc đẩy hơn nữa các sản phẩm địa phương tiêu thụ qua các sàn thương mại điện tử.