Các nhà cung cấp phản đối hành động “đuổi” hàng Việt của Big C. |
Bức xúc Big C “đuổi” hàng Việt
Trong 5 năm gần đây, hàng loạt đại gia Thái Lan ồ ạt thâm nhập thị trường bán lẻ Việt Nam bằng nhiều cách. Một trong những cách đó là thâu tóm một “ông lớn” đang thành công tại Việt Nam. Bằng cách đó, những tên tuổi lớn như Nguyễn Kim, Metro và Big C lần lượt về tay đại gia Thái Lan.
Trước động thái này, nhiều chuyên gia kinh tế lo ngại các đại siêu thị này có thể tìm mọi cách đưa hàng Thái Lan vào thay thế hàng Việt. Năm 2016, ông Vũ Vinh Phú, Chủ tịch Hiệp hội Siêu thị Hà Nội lo ngại nhận định “50% thị phần bán lẻ rơi cả vào tay người Thái, thị trường bán lẻ nội địa đã ‘chết’ tới ngang vai”.
Tuy nhiên, suốt nửa thập kỷ qua, điều này chưa xảy ra. Theo khảo sát của phóng viên Báo Người Tiêu Dùng, chuỗi đại siêu thị Metro (nay đã đổi tên thành MM Mega Market) còn bán tới trên 90% hàng Việt (hoặc hàng made in Vietnam).
Thế nhưng, mới đây, những lo ngại trước đây của các chuyên gia kinh tế đang có dấu hiệu trở thành sự thật khi Big C “đuổi khéo” hàng Việt. Cụ thể, ngày 2/7, Central Group Việt Nam, đơn vị sở hữu hệ thống siêu thị Big C, gửi thông báo tới các nhà cung cấp Việt Nam cho biết sẽ tạm ngừng đặt hàng may mặc của các nhà cung cấp theo hợp đồng hợp tác thương mại đã được ký kết. Quyết định có hiệu lực chỉ chưa đầy 1 ngày sau đó.
Thông tin này khiến các nhà cung cấp hoang mang. Ngày 3/7, họ cùng đến trụ sở Central Group Việt Nam để phản đối quyết định bất ngờ này. Tất cả đều bức xúc và cho rằng Big C đang cố tình “đuổi khéo” hàng Việt để đưa hàng Thái Lan vào thay thế.
Ngay chiều 3/7, đại diện Big C “thanh minh” việc tạm dừng các đơn đặt hàng với nhà cung ứng may mặc của Việt Nam chỉ là tạm thời (chỉ trong 2 tuần), chứ không có chuyện Big C dừng hoạt động kinh doanh của ngành hàng may mặc tại Việt Nam.
Vào cuối ngày 4/7, trong cuộc họp thường kỳ của Bộ Công thương, Thứ trưởng Bộ Công thương Đỗ Thắng Hải cho biết Central Group khẳng định Tập đoàn chiến lược mới cho hàng may mặc nên tạm dừng mua hàng của một số doanh nghiệp Việt Nam. Hiện tại, Central Group đã gửi thư cho nhà cung ứng, giải thích rằng việc dừng nhập hàng chỉ là tạm thời. Còn các đơn hàng đã ký trước đó tiếp tục thực hiện.
Big C cam kết trong ngày 4/7 tập đoàn này mở đơn hàng cho 50/200 nhà cung cấp của Việt Nam. Trong 2 tuần tới, hoặc ít hơn, Big C tiếp tục làm việc với các nhà cung cấp của Việt Nam.
Big C lớn mạnh nhờ túi tiền của người tiêu dùng Việt. |
Từng chây ỳ nộp thuế
Có mặt ở Việt Nam từ năm 1998, Big C trở thành một trong những chuỗi siêu thị đầu tiên hoạt động tại mảnh đất hình chữ S. Bằng cách cung cấp hàng hóa giá hấp dẫn, dịch vụ tốt và các dịch vụ đi kèm phong phú, Big C chiếm được cảm tình của người tiêu dùng thậm chí còn hơn cả Metro - một siêu thị chỉ bán buôn và không có nhiều dịch vụ đi kèm.
Với sự ủng hộ và song hành của người Việt, gần đây, doanh thu hàng năm của Big C dù trồi sụt vẫn dao động từ 2.500 tỷ đồng tới gần 3.000 tỷ đồng mỗi năm. Big C đã được người Việt “nuôi lớn” bằng sự tử tế của mình. Thế nhưng, sự tử tế của Big C chỉ có giới hạn. Không chỉ một lần, “ông lớn” ngành bán lẻ này dính nghi án trốn thuế.
Năm 2015, do nghi ngờ chuỗi siêu thị Metro chuyển giá, trốn thuế, thanh tra Tổng cục Thuế đã vào cuộc và yêu cầu Metro điều chỉnh giảm lỗ, giảm khấu trừ và truy thu tổng số tiền 507 tỷ đồng. Từ vụ việc của Metro, Big C cũng nằm trong nghi vấn chuyển giá, trốn thuế. Tuy nhiên, câu chuyện của Big C chưa bao giờ được xác thực.
Dù vậy, đến năm 2016, bộ mặt trốn thuế của Big C đã lộ rõ. Đó là khi Central Group, một trong những tập đoàn bán lẻ hàng đầu Thái Lan đã vượt qua hàng loạt đối thủ nặng ký để trở thành chủ nhân mới của Big C. Central Group đã chi hơn 1 tỷ USD cho thương vụ chấn động này.
Dù đây là thương vụ được chú ý nhưng Big C lại gây chú ý hơn khi... trốn thuế. Theo đó, khoản thuế chuyển nhượng khoảng 3.600 tỷ đồng bị Big C “lờ” đi. Cơ quan chức năng phải lên tiếng rất nhiều lần, Big C mới chịu nộp khoản thuế “khủng” này.
Có thể thấy, Big C kinh doanh trên đất nước Việt Nam, được “nuôi” bởi người tiêu dùng Việt nhưng Big C đã “rũ bỏ” sự tử tế ban đầu của mình và dần mất đi cảm tình của người tiêu dùng. Hiện tại, không chỉ cộng đồng mạng kêu gọi tẩy chay Big C, các bà nội trợ cũng rủ nhau hưởng ứng.
Nếu không khéo léo, Big C có thể đẩy “làn sóng tẩy chay” lên cao trào. Điều này nguy hiểm hơn khi chuỗi siêu thị Big C đang dần yếu thế so với các đối thủ cạnh tranh trong vài năm gần đây. Đặc biệt, tại các thành phố lớn, ngày càng nhiều chuỗi siêu thị nổi lên giành miếng bánh thị phần của Big C như Vinmart, AEON, Lotte...
Vy Vy