Cán cân quyền lực thay đổi
Như Báo Người Tiêu Dùng đã phân tích trong bài viết Liệu “cô dâu Việt” Bibica có trở thành thương hiệu của người Hàn? Phản ánh cuộc chiến tranh giành quyền lực tại Bibica bắt đầu nổ ra vào năm 2012 khi Lotte muốn đưa thêm một người vào HĐQT Bibica nhưng vấp phải sự phản đối của nhóm CTCP Chứng khoán Sài Gòn (SSI) - tiền thân của Pan Food. Từ năm 2013-2015, HĐQT tiếp tục giữ nguyên dù nhiệm kỳ kết thúc từ lâu.
Nguyên nhân hoãn là do giữa Lotte và nhóm SSI không thống nhất được cách thức bầu HĐQT. Lotte muốn bầu lại cả 5 thành viên HĐQT, SSI chỉ muốn bầu lại 2 thành viên đến từ Lotte đã hết nhiệm kỳ. Bên cạnh đó, với tỷ lệ sở hữu lớn, nhóm SSI muốn đưa ứng viên vào HĐQT nhưng qua 3 năm qua vẫn chưa thực hiện được.
Đầu tư vào Bibica từ năm 2012, nhóm cổ đông của SSI không ngừng biến hóa để mở rộng tỷ lệ sở hữu. Đến nay, sau hơn 5 năm, tỷ lệ sở hữu tính tại ngày 31/2/2015 của nhóm cổ đông này lên đến 42,25% do Pan Food nắm giữ. Đây là một công ty liên quan đến SSI.
Mặc dù đã đầu tư vào Bibica 5 năm với số tỷ lệ sở hữu tương đồng với Lotte nhưng đến ĐHCĐ thường niên năm nay Pan Food mới xác lập được vị trí tại HĐQT Bibica. Đó là ông Nguyễn Khắc Hải, sinh năm 1978, hiện ông Hải đang là Phó Tổng Giám đốc của Công ty TNHH Quản lý Quỹ SSI, đồng thời là thành viên HĐQT của CTCP Giống cây trồng Trung ương (NSC).
Bên cạnh đó, Lotte cũng thay người vào HĐQT đó là ông Kim Jun Yeon, thay cho ông Jeong Hoon Choo thành viên HĐQT đã từ nhiệm trước đó. Ông Kim Jun Yeon hiện là Trưởng phòng Chiến lược toàn cầu của Lotte. Việc ứng cử thêm 2 người vào HĐQT xem như cuộc chiến quyền lực tại Bibica đang có những chuyển biến tích cực hơn.
Phát biểu tại ĐHCĐ, đại diện của Pan Food cho biết: “Mối quan hệ giữa hai cổ đông lớn chưa bao giờ tốt đẹp như bây giờ. Pan Food và Lotte đã tìm được tiếng nói chung và sẽ tiếp tục ngồi bàn với nhau để tiếp tục thúc đẩy sản xuất kinh doanh của công ty”.
Thành viên HĐQT của Bibica (từ trái sang phải): Kim Jun Yeon, Võ Ngọc Thành, Jung Woo Lee (Chủ tịch), Trương Phú Chiến (Phó Chủ tịch) và Nguyễn Khắc Hải. |
Muốn mang tiền đi đầu tư chứ không muốn giữ
Đó là ý kiến của ông Trương Phú Chiến, Phó Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Bibica khi được cổ đông nhắc đến khoản tiền gửi quá cao trên 300 tỷ đồng, nhưng vẫn giữ nguyên mà không phát triển sản phẩm mới.
“Mặc dù đã tìm được tiếng nói chung nhưng sự đồng thuận giữa hai cổ đông chưa nhiều. Từ năm 2012 đến nay, giữa Pan Food và Bibica về định hướng đầu tư chưa đi đến sự đồng thuận là lý do làm cho số dư tiền gửi của Bibica lên đến hơn 300 tỷ đồng. Tôi thì sẵn sàng sử dụng hết số vốn đó để đầu tư và đồng thời nhận nợ với ngân hàng khoảng 30% về các hạng mục đầu tư. Có như thế mới tạo ra được áp lực trong kinh doanh”, ông Chiến bày tỏ mong muốn.
Chính vì chưa tìm ra được hướng đi thích hợp trong việc đầu tư phát triển kinh doanh, nên hoạt động kinh doanh của Bibica trong 5 năm qua dù có lợi nhuận nhưng chưa cao, đặc biệt doanh thu không có sự đột phá. Kết thúc năm 2015, doanh thu Bibica đạt 1.171 tỷ đồng thấp hơn so với kế hoạch đề ra 6,26%, tuy nhiên vẫn tăng trưởng 3,8% so với năm trước. Lợi nhuận sau thuế đạt 85,8 tỷ đồng, vượt kế hoạch 33,8%. Chỉ số lãi cơ bản trên cổ phiếu (EPS) đạt 5.287 đồng/cổ phiếu, tăng 48,5% so với năm trước.
Theo giải trình của HĐQT Bibica, trong năm qua, giá nguyên liệu đầu vào ổn định, một số nguyên liệu chính như chất béo, sữa, bao bì nhựa giảm. Đặc biệt, năm 2015, công ty may mắn nhận được hạn mức nhập khẩu đường 1.000 tấn, với giá bình quân về thấp hơn giá đường nội địa 16%, tương ứng 11.500 đồng/kg. Đồng thời, thực hiện giải pháp đấu thầu giá nguyên liệu bao bì cho 6 tháng giảm được giá đầu vào đáng kể. Tình hình tài chính không chịu áp lực vay với lãi suất cao đã giúp lợi nhuận của Bibica vượt kế hoạch trong năm vừa qua.
Trong năm 2015, Bibica hưởng lợi từ giá đường nhưng đây là khó khăn chính của Bibica trong năm 2016 khi đường nguyên liệu đang ở mức giá cao khoảng 16.000 đồng/kg. So với năm 2015, giá đường tăng trung bình 2.500 đồng/kg. Và theo dự kiến của Bibica, dù công ty có mua được ở giá 15.500 đồng/kg thì chênh lệch giá đường không quá 12 tỷ đồng so với năm 2015. Bởi, nhu cầu mỗi năm Bibica khoảng 5.000 tấn đường.
Mặt khác, năm nay Bibica thực hiện điều chỉnh lương tối thiểu cho 1.800 nhân viên do đó chi phí lương tăng lên khoảng 12%. Do đó, tổng tiền lương phải trả cho nhân viên cũng cao hơn.
Từ những vấn đề trên đã lý giải vì sao kế hoạch lợi nhuận năm 2016 của Bibica giảm so với năm 2015. Cụ thể, Bibica đặt kế hoạch doanh thu năm 2016 là 1.250 tỷ đồng, tăng 6,7%; lợi nhuận trước thuế đạt 82,1 tỷ đồng, giảm mạnh 77,9% so với năm trước; EPS cũng giảm mạnh chỉ còn 4.024 đồng/cổ phiếu. Về thị phần, Bibica duy trì vị trí thứ 3 trong ngành và ước đạt 8,6%.
Phó Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Bibica Trương Phú Chiến cho biết: “Thị phần về bánh của Bibica đứng thứ 3 sau thương hiệu Kinh Đô và Oreo, về kẹo Bibica chỉ đứng sau Hải Hà và Perfetti”.
Doanh thu của Bibica tăng nhưng không ấn tượng |
Hiện nay, cổ đông của Bibica khá cô đặc. Hai cổ đông lớn là Lotte Confectinery Co.,Ltd. và Pan Food nắm lần lượt 44,09% và 42,9% cổ phần của Bibica. Ngoài ra, một số cổ đông nội bộ, quỹ đầu tư đã nắm giữ tới tổng cộng 97,28% vốn điều lệ của Bibica khiến thanh khoản của cổ phiếu BBC kém. Từ đầu năm đến nay, cổ phiếu BBC đã tăng trưởng 28,31%, giá trị vốn hóa đạt 1.079 tỷ đồng. |
Ánh Hoa - Ảnh: Ánh Hoa