Bia rượu sắp tăng giá

(NTD) – Theo lộ trình sẽ tăng thuế tiêu thụ đặc biệt trong vòng 3 năm tới cộng với việc sẽ phải dán tem rượu sẽ đẩy giá của các mặt hàng này lên cao.

Ông Nguyễn Văn Việt - Chủ tịch VBA cho hay, dự thảo mới lấy ý kiến của Bộ Tài chính có 2 nội dung chính liên quan trực tiếp tới các doanh nghiệp trong ngành.

Theo ông Việt, hiện nay giá tính thuế tiêu thụ đặc biệt cho các mặt hàng rượu - bia - nước giải khát là giá của đơn vị sản xuất nhưng theo dự thảo giá tính thuế sẽ tính theo giá cao nhất do công ty thương mại bán ra. 

Ngoài ra, trong dự thảo lần này, Bộ Tài chính cũng đề xuất điều chỉnh tỷ lệ khống chế giá tính thuế từ mức không thấp hơn 10% so với giá bán bình quân của cơ sở kinh doanh thương mại xuống mức 5% so với giá bán cao nhất của các cơ sở kinh doanh thương mại. 

Thời gian tới bia rượu sẽ tăng giá do ảnh hưởng của chính sách thuế

Như vậy, với việc Bộ Tài chính thay đổi cách tính thuế sẽ vô hình chung tăng thuế 2 lần với doanh nghiệp trong ngành, khiến giá bia rượu ít nhất sẽ phải tăng 10% khi tới tay người tiêu dùng.

Một đại diện doanh nghiệp nói: "Việc thay đổi giá tình thuế sẽ làm thay đổi thuế đột ngột, làm thay đổi môi trường đầu tư trong bối cảnh thuế tiêu thụ đặc biệt cũng sắp tăng”.

Theo phân tích của vị đại diện, giá tính thuế tiêu thụ đặc biệt dựa trên giá công ty con bán ra thị trường chưa phù hợp, đề xuất này làm việc kê khai thuế sẽ trở nên phức tạp và gây phiền hà cho công tác thực hiện tại đơn vị và cơ quan thuế. 

Ngoài ra, việc xác định thuế tính trên giá bán cao nhất của công ty thương mại cũng được chỉ ra là chưa phù hợp vì công ty sản xuất không thể kiểm soát giá bán tại công ty thương mại do chính sách mua đứt bán đoạn và nếu kiểm soát sẽ trái quy định của Luật Cạnh tranh.

Vị này cũng cảnh báo, theo soạn thảo mới sẽ tiềm ẩn nguy cơ bất bình đẳng môi trường cạnh tranh, do đó không nên có sự phân biệt giữ công ty liên kết và công ty không liên kết. 

Thậm chí, việc thay đổi cách tính thuế cũng sẽ làm tăng chi phí thuế đột ngột ảnh hưởng đến môi trường đầu tư của Việt Nam. 

Một đại diện của Bộ Kế hoạch và Đầu tư có mặt tại Hội nghị cũng đặt câu hỏi cho cơ quan soạn thảo nghị định: “Chúng ta đang muốn tận thu hay là phát triển ngành? Tại sao lại đưa ra con số 5% hay 10%? Hay theo luật, bia rượu có phải là ngành nghề kinh doanh đặc biệt không? Chúng ta dường như đang đi vào một lối mòn cũ và không đưa ra được giải pháp”.

Tin tức mới nhất về Kinh doanh độc giả có thể đọc tại đây.

Cao Phong

Nên đọc