Bệnh tim ngày nay không còn là căn bệnh của người trưởng thành và người cao tuổi mà nhiều người trẻ tuổi cũng đang gặp những vấn đề liên quan đến tim. Tất cả là do lối sống ngồi nhiều và ít tập thể dục dẫn đến gia tăng số bệnh nhân trẻ tuổi bị những bệnh này.
Theo WHO, những bệnh tim mạch hiện dẫn đầu về số lượng tử vong trên toàn cầu. Tuy nhiên, căn bệnh này có thể được phòng tránh bằng một số cách như chế độ ăn uống lành mạnh, tập thể dục thường xuyên, có một cuộc sống không stress... là những yếu tố chính để ngăn ngừa bệnh tim mạch.
Bác sĩ Vivek Jawali, trưởng khoa tim mạch bệnh viện Fortis, Bengaluru, nói về nguyên nhân và những cách để phòng ngừa bệnh tim đối với giới trẻ.
1. Tại sao càng có nhiều người trẻ tuổi mắc bệnh tim mạch?
Bác sĩ Vivek: Chuẩn đoán bệnh tốt hơn giúp tìm ra đúng bệnh trong nhiều trường hợp. Có nhiều bệnh nhân trẻ tuổi mắc bệnh tim mạch hơn do sự thay đổi trong mẫu gien, sự gia tăng của bệnh tiểu đường và cao huyết áp, áp lực công việc và lối sống không lành mạnh.
2. Những dấu hiệu liên quan đến vấn đề tim mạch cần chú ý?
Bác sĩ Vivek: Những người trẻ nên kiểm tra những nguy cơ có thể phát triển những bệnh này, ví dụ tiền sử gia đình mắc bệnh tim. Những người tiểu đường và huyết áp cao nên kiểm tra tình trạng tim mạch của họ. Không hút thuốc, kiểm soát carbohydrate và đường trong chế độ ăn, kiểm soát chất béo không bão hòa và hạn chế ăn đồ ăn nhanh. Nếu họ không tập thể dục hay đi bộ, ít nhất nên đi cầu thang bộ thay vì đi thang máy. Ngoài ra, các hoạt động thể chất như chạy nhảy, chơi với trẻ con hay đạp xe cũng giúp ích cho bạn.
3. Cách ngăn ngừa bệnh tim?
Bác sĩ Vivek: Đi bộ buổi sáng, chế độ ăn uống lành mạnh, tham gia những hoạt động thể chất, tránh hút thuốc và giảm cân giúp ngăn ngừa bệnh tim. Kiểm tra cân nặng phù hợp của bạn qua chỉ số BMI và cố gắng duy trì cân nặng đó. Chỉ số BMI đo cân nặng bằng kilogram và chiều cao bằng mét. Chia cân nặng cho chiều cao. Kết quả nên nằm trong khoảng từ 18.5 đến 23.9. Nếu chỉ số BMI vượt quá giới hạn này, họ nên giảm cân.
4. Thói quen ăn uống giúp ngăn ngừa bệnh tim
Bác sĩ Vivek: Bữa ăn nên bao gồm nhiều thực phẩm tươi (hoa quả và rau củ). Khoảng 6 phần hoa quả và rau củ nên ăn hàng ngày. Thêm vào đó, giảm lượng đường và carbohydrate, cắt bỏ hoàn toàn đồ ăn nhanh.
5. Những yếu tố rủi ro mắc bệnh tim?
Bác sĩ Vivek: Sức khỏe của trái tim phụ thuộc vào nhiều yếu tố rủi ro. Một vài yếu tố có thể kiểm soát nhờ thuốc và thay đổi lối sống trước khi chúng trở nên trầm trọng hơn. Tuy nhiên, một vài yếu tố không nằm trong kiểm soát của chúng ta và không thể giảm thiểu hay loại trừ.
Những hiểu biết về những nguy cơ có thể giảm thiểu và không thể giảm thiểu rất quan trọng. Chúng liên quan đến dòng giống, tuổi tác và lối sống. Ba yếu tố này liên quan đến nhau và vì vậy, chúng ta thường có nhiều hơn một yếu tố nguy cơ mắc bệnh. Mặc dù, nếu một người có một trong số những yếu tố nguy cơ này, không có nghĩa là họ sẽ bị bệnh tim nhưng có càng nhiều những nguy cơ này thì khả năng bạn bị mắc bệnh càng cao, trừ khi họ chủ động giảm thiểu những yếu tố này và cố gằng ngăn ngừa chúng phát triển.
Những yếu tố chính không thể giảm thiểu:
Tiểu sử gia đình: Nguy cơ mắc bệnh tim cao hơn nếu người thân gia đình từng bị bệnh tim trước tuổi 55. Nếu bố mẹ bạn cũng bị bệnh tim khi nhiều tuổi hơn, nó thường liên quan đến tuổi hơn là do di truyền. Cần phải nói với bác sĩ tiểu sử gia đình để họ có thể đưa ra lời khuyên và chỉ ra những vấn đề nguy hại.
Tuổi tác: Nhiều tuổi hơn cũng là một nguy cơ dẫn đến bệnh tim mạch, sau tuổi 55, nguy cơ bị đột quỵ sẽ tăng gấp đôi qua mỗi thập kỉ.
Giới tính: Bệnh tim mạch là nguyên nhân tử vong cao nhất ở cả nam lẫn nữ. Phụ nữ có ít nguy cơ hơn nam giới cho đến tuổi tiền mãn kinh. Họ có nhiều khả năng bị bệnh tim sau tuổi 55 trong khi nam giới dễ bị và có nguy cơ cao ở mọi lứa tuổi.
Dân tộc: Nghiên cứu chỉ ra những dân tộc khu vực Nam Á dễ bị bệnh tim hơn những dân tộc khác gấp 4 lần.
Những yếu tố có thể giảm thiểu:
Hút thuốc: Hút thuốc là nguyên nhân dễ tác động và ngăn ngừa nhất vì chỉ cần kiểm soát bản thân trước thuốc lá. Hút thuốc khiến tim dầy lên và giảm khả năng bơm máu của tim. Tình trạng này nếu nặng có thể dẫn đến suy tim.
Cholesterol: Có hai loại cholesterol là Low Density Lipoprotein (LDL) và High Density Lipoprotein (HDL). LDL gây nên tắc nghẽn động mạch, nó được coi là cholesterol xấu và nên dưới mức 100mg/dl. Tổng mức cholesterol (LDL và HDL) trong cơ thể không nên quá 200 mg/dl.
Tiểu đường: Nếu bị tiểu đường, bạn có khả mắc các bệnh tim mạch cao hơn người bình thường từ 2-4 lần. Bệnh tim mạch là nguyên nhân tử vong hàng đầu trong số những người bị tiểu đường.
Huyết áp cao: Khi một người bị huyết áp cao, tim phải làm việc nặng nhọc hơn để đẩy máu đi khắp cơ thể. Vì vậy tim trở nên dầy và cứng hơn, gây khó khăn khi làm việc.
Béo phì: Đây là một yếu tố nguy cơ chính dẫn đến bệnh tim mạch và có liên quan mật thiết đến kháng insulin. Nếu BMI tăng, nguy cơ bị bệnh tim và đột quỵ cũng tăng.
6. Những cách tốt nhất để ngăn ngừa bệnh tim trong giới trẻ
Hướng đến lối sống thư thái, ăn đúng và đủ bữa, chú ý đến cân nặng và không hút thuốc. Hạn chế ăn đồ ăn nhanh. Những hoạt động thể chất là biện pháp tốt nhất để giảm nguy cơ mắc bệnh tim mạch.
Văn Nguyễn/Theo VOV