Bất động sản Long An đang “đứng hình”!

(NTD) - Sau gần 3 năm được giới cò đất “bơm thổi”, giá bất động sản nhiều khu vực tại tỉnh Long An tăng vài lần so với năm 2016. Tuy nhiên, từ đầu năm 2019, thị trường bất động sản ở đây có dấu hiệu “đứng hình”, nhiều khách hàng muốn bán cắt lỗ trong khi nhà đầu tư mới chưa “mặn mà”.

So với các tỉnh giáp ranh TP.HCM như Bình Dương, Đồng Nai hay xa hơn là Bà Rịa - Vũng Tàu thì thị trường bất động sản Long An không sôi động bằng. Tuy nhiên với lợi thế về điều kiện tự nhiên và là địa phương đang nằm trong quy hoạch vùng của TP.HCM cũng như hệ thống giao thông kết nối với các tuyến đường lớn gồm: Quốc lộ 1, quốc lộ N1, cao tốc Trung Lương - TP.HCM, đường vành đai 3 và sắp tới là cao tốc Bến Lức - Long Thành... nên những năm gần đây, Long An trở thành điểm thu hút của các nhà đầu tư bất động sản trong và ngoài nước.

Những khu nhà mới đang xây dựng chưa thu hút được dân cư sinh sống.

Cung nhiều, cầu ít

Giai đoạn 2016-2018 giá bất động sản bị đẩy lên quá cao, tuy nhiên từ đầu năm 2019 đến nay, thị trường bất động sản Long An không còn nóng sốt như trước nữa mà dần rơi vào trạng thái “người mua thì ít mà người bán thì nhiều” khiến nhiều nhà đầu tư lướt sóng đứng ngồi không yên khi ra hàng không được. Chưa kể, hàng loạt dự án mới được chào bán nhưng nhà đầu tư lại quay lưng thờ ơ.

Theo khảo sát của phóng viên, giá nhà đất đã có sổ tại tại huyện Đức Hòa đang giao dịch ở mức 8-16 triệu đồng/m2, còn dự án chưa có sổ, giá dao động 6-13 triệu đồng/m2. Nhiều chủ đầu tư hạ giá nhưng cũng không thoát được cảnh ế ẩm.

Các dự án tại huyện Cần Đước, Cần Giuộc và Bến Lức cũng thưa dần nhà đầu tư quan tâm tìm mua. Trong khi đó tại TP. Tân An, một dự án căn hộ ở trung tâm hành chính mới được chủ đầu tư đưa giá 30-45 triệu đồng/m2 nhưng không thu hút được sự quan tâm của khách hàng bởi giá bán “trên trời” và đang nằm chờ thời.

Cò môi giới tên Đức, người được xem là “thổ địa” tại huyện Đức Hòa cho biết, trên đường tỉnh lộ 822 có một dự án đất nền với quy mô tương đối lớn đang rao bán từ nhiều tháng nay nhưng chỉ bán được chưa tới 100 lô, trong đó chủ yếu là đặt cọc giữ chỗ.

Theo anh Long, một nhà đầu tư đất nền chuyên nghiệp tại Long An, so với thời điểm cách đây 2 -3 năm, giá đất bị các chủ đầu tư và các sàn môi giới đẩy lên quá cao nên giờ đây dự án đang nằm chờ khách hàng, có muốn bán cũng không biết bán cho ai và ai sẽ đổ tiền vào khi giá tăng lên kịch trần.

Giá đất nông nghiệp tại Cần Giuộc bị đẩy cao chót vót. Thời điểm năm 2016, đất nông nghiệp tại đây có giá khoảng 0,3-1 triệu đồng/m2, nhưng hiện nay đang giao dịch từ 2-5 triệu đồng/m2. Các lô đất thổ cư tại một số khu vực giáp ranh với TP.HCM như Đức Hòa, Cần Giuộc, Cần Đước, khoảng 2 năm trước có giá 3-4 triệu đồng/m2 thì hiện nay đang được rao bán ở mức 8-15 triệu đồng/m2. Thậm chí những khu vực có hạ tầng giao thông tốt còn bị cò hét giá lên đến 40 triệu đồng/m2.

Nhiều dự án chưa hoàn thiện pháp lý đã bán cho khách hàng, tiềm ẩn nhiều rủi ro.

Giữ chân nhà đầu tư bằng cách nào?

Bà Đặng Thị Thúy Hà, Phó Giám đốc Sở Xây dựng Long An thừa nhận, mặc dù thị trường bất động sản Long An phát triển mạnh trong thời gian gần đây nhưng đã nảy sinh những vấn đề tiêu cực trong quá trình phát triển như hình thành nhiều khu dân cư nhỏ lẻ, ảnh hưởng đến quá trình quy hoạch phát triển chung của tỉnh.

Từ cuối năm 2017 đến nay, thị trường đất nền Long An liên tục tăng giá, tạo thành những cơn sốt tại các khu vực giáp ranh TP.HCM như Đức Hòa, Bến Lức, Cần Đước và Cần Giuộc.

Thị trường phát triển nhanh đi kèm với hệ lụy như tình trạng làm ăn chụp giật, lách luật hay dự án “ma” của một số doanh nghiệp khiến cho thị trường nhiễu loạn thông tin. Đã có rất nhiều dự án nhà ở mở bán, nhưng theo công bố của Sở Xây dựng hồi tháng 4, chỉ có 2 dự án đủ điều kiện bán nhà hình thành trong tương lai là Trần Anh Riverside và khu nhà phố thương mại TP. Tân An của Vincom Retail.

Cũng theo bà Đặng Thị Thúy Hà, vừa qua Sở Xây dựng đã phải cảnh báo khẩn cấp hiện tượng núp bóng chủ đầu tư giao dịch bất động sản qua phương thức đặt cọc, giữ chỗ. Sở đang tham mưu cho UBND tỉnh Long An giảm tiếp nhận các dự án đầu tư bất động sản nhỏ lẻ, manh mún, không đáp ứng các điều kiện về hạ tầng xã hội.

Theo TS. Sử Ngọc Khương, nếu không được quy hoạch, kiểm soát tốt, tình trạng khu đô thị, chung cư mọc lên chủ yếu để đầu cơ, không người ở sẽ xuất hiện. Chẳng hạn như thành phố mới Bình Dương dù được đầu tư bài bản về hạ tầng từ nhiều năm trước nhưng hiện có ít người ở.

Để Long An không rơi vào tình trạng tương tự, ông Sử Ngọc Khương cho rằng tỉnh này phải kết nối được với nhóm kinh tế đô thị, trở thành “gạch nối” giữa TP.HCM và Đồng bằng sông Cửu Long.

Còn theo ông Phạm Lâm, Tổng Giám đốc DKRA Việt Nam, thời gian qua đã có nhiều dự án bất động sản chào bán ra tại thị trường Long An, trong đó năm 2017 là 12.000 sản phẩm, năm 2018 là 11.000 sản phẩm và trong nửa đầu năm 2019, số lượng giảm còn chưa bằng một nửa năm trước.

Ông Phạm Lâm cho rằng, giá bất động sản Long An đã tăng mạnh trong thời gian gần đây nhưng phần lớn các dự án bất động sản tập trung vào phân lô bán nền, ít đầu tư cho dịch vụ tiện ích nên không thu hút được dân về sinh sống.

Long An cần cải thiện và phát triển hạ tầng hơn nữa, khi hạ tầng giao thông được cải thiện sẽ góp phần thúc đẩy kinh tế và nâng cao thu nhập, đồng thời có những dự án khu đô thị đầy đủ tiện ích thì Long An mới giữ chân được những chủ đầu tư dự án, những nhà đầu tư bất động sản. Nếu không, họ sẽ chỉ đề xuất dự án trên giấy hoặc lấy dự án để bán lại.

  TẤN LỢI

 
Nên đọc