Bất động sản có thể là kênh có nguy cơ rửa tiền cao

(NTD) - Để rửa tiền, các đối tượng phạm tội thường nhờ người thân trong gia đình mua, chuyển nhượng, cho tặng bất động sản.

Thanh tra Chính phủ vừa có Quyết định ban hành kế hoạch hành động giải quyết những rủi ro rửa tiền, tài trợ khủng bố giai đoạn 2019-2020 và kế hoạch tổng thể cho đánh giá đa phương của Việt Nam về chống rửa tiền, chống tài trợ khủng bố. Đồng thời, Thanh tra Chính phủ cũng công khai Báo cáo tóm tắt đánh giá rủi ro quốc gia về rửa tiền và tài trợ khủng bố giai đoạn 2012-2017.

Các giao dịch mua bán, chuyển nhượng bất động sản có thể thực hiện bằng tiền mặt hoặc chuyển khoản và không thông qua sàn giao dịch bất động sản nên rất khó cho các cơ quan chức năng kiểm tra, xác định nguồn gốc của tiền. Ảnh: Tấn Lợi

Đây là lần đầu tiên Việt Nam thực hiện đánh giá rủi ro quốc gia. Với sự hỗ trợ kỹ thuật của Ngân hàng Thế giới (WB), Việt Nam sử dụng bộ công cụ đánh giá rủi ro về rửa tiền và tài trợ khủng bố do WB xây dựng để thực hiện.

Theo báo cáo, 3 lĩnh vực có nguy cơ rửa tiền thuộc nhóm cao là ngân hàng, bất động sản và kênh chuyển tiền phi chính thức. Đáng chú ý, nguy cơ rửa tiền trong lĩnh vực ngân hàng có thể liên quan đến nguồn gốc từ tội tham ô tài sản, đánh bạc và trốn thuế ở mức "cao", chiếm gần 90% tổng số báo cáo giao dịch đáng ngờ (STR). Bọn tội phạm lựa chọn hệ thống ngân hàng nhằm hợp thức hóa các khoản thu bất chính để biến những đồng “tiền bẩn” trên thành “tiền sạch”.

Bởi căn cứ vào những vụ đại án đã và đang bị điều tra về tội rửa tiền thời gian qua và các số liệu về STR của Cục phòng, chống rửa tiền có thấy nguy cơ rửa tiền trong lĩnh vực ngân hàng có thể liên quan chủ yếu đến việc rửa tiền có nguồn gốc từ tội phạm tham ô tài sản, đánh bạc và trốn thuế. Để che giấu nguồn tiền thu được, tội phạm thường sử dụng tài khoản ngân hàng dưới tên người khác để nhận và chuyển các khoản tiền có nguồn gốc bất hợp pháp.

Ngoài lĩnh vực ngân hàng, bất động sản cũng nằm trong nhóm có nguy cơ rửa tiền cao. Bất động sản thu hút nhiều nguồn tiền đầu tư giá trị lớn, các giao dịch mua bán, chuyển nhượng bất động sản có thể thực hiện bằng tiền mặt hoặc chuyển khoản và không thông qua sàn giao dịch bất động sản nên rất khó cho các cơ quan chức năng kiểm tra, xác định nguồn gốc của tiền.

Bên cạnh đó, báo cáo cũng cho rằng, với các vụ đại án về tham ô, cũng như vụ đánh bạc ngàn tỷ đồng đang bị điều tra về rửa tiền, các tài sản thu được từ các vụ án đều liên quan đến các bất động sản. Để rửa tiền, các đối tượng phạm tội thường nhờ người thân trong gia đình mua, chuyển nhượng, cho tặng bất động sản. Đây là những căn cứ để khẳng định bất động sản có thể là kênh có nguy cơ rửa tiền cao.

Các lĩnh vực còn lại như chứng khoán, casino, kiều hối, bảo hiểm, kế toán - kiểm toán... được xếp ở nhóm có nguy cơ rửa tiền trung bình hoặc thấp.

Tấn Lợi

Nên đọc