“Banh xác” vì cổ phiếu họ FLC

(NTD) - Nắm giữ AMD, HAI, ROS của họ FLC (Công ty Cổ phần Tập đoàn FLC) đã khiến không ít nhà đầu tư mất ăn, mất ngủ khi càng giữ càng lỗ, tài khoản bốc hơi 50-80% chỉ trong vòng 7-8 tháng. Nhiều nhà đầu tư than: "Không biết bao giờ cổ phiếu lên lại để hòa vốn!".

Các phương tiện truyền thông nói nhiều về thị trường chứng khoán nóng, tăng trưởng 50% nên tháng 12/2017, anh Tùng (Thủ Đức, TP.HCM) bỏ 100 triệu đồng mua cổ phiếu. Anh Tùng thấy HAI vừa huy động thành công 653 tỷ đồng từ cổ đông để xây cao ốc văn phòng và nhà ở tại 358 Kinh Dương Vương, Q.Bình Tân, TP.HCM.

Thua lỗ nặng

HAI đang giao dịch 7.500-8.000 đồng/CP nhưng nhiều cổ đông đã mua cổ phiếu phát hành thêm với giá 10.000 đồng/CP. Ngoài ra, còn 5 công ty đăng ký mua 38 triệu cổ phiếu không bán hết trong đợt chào bán này kèm theo điều kiện hạn chế chuyển nhượng trong vòng 1 năm. Anh Tùng nghĩ, sớm muộn gì cổ phiếu cũng về mệnh giá và anh sẽ lời hơn 20%. Anh Tùng quyết định “xuống tiền” mua hơn 12.000 cổ phiếu HAI ở giá 7.800 đồng/CP.

Mua xong, thị trường chứng khoán tăng điểm ầm ầm, hàng loạt cổ phiếu tăng 20-30% nhưng HAI càng ngày càng mất giá. Môi giới nơi anh Tùng mở tài khoản khuyên anh cắt lỗ, thoát hàng nhưng như vậy sẽ lỗ 30% nên anh quyết giữ, đầu tư lâu dài vì HAI từng đạt 22.500 đồng/CP vào tháng 8/2017. Đau lòng thay càng giữ, càng lỗ. Đóng cửa ngày 18/7, HAI còn 3.550 đồng/CP, trong vòng 7 tháng, tài khoản của anh Tùng “bốc hơi” gần 55%.

Trường hợp chị Thu Hồng (Q.5, TP.HCM) còn bi đát hơn. Chị mua 2.000 cổ phiếu AMD từ đầu tháng 6/2017 với giá 20.500 đồng/CP, đến nay, cổ phiếu AMD bốc hơi hơn 82%.

Cổ phiếu ROS từng “nổi đình, nổi đám” đã giúp ông Trịnh Văn Quyết trở thành người giàu nhất sàn chứng khoán từ tháng 11/2016 với tài sản hơn 33.000 tỷ đồng. Đến tháng 12/2017, tài sản ông Quyết “vọt” lên 60.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, cổ phiếu ROS đã giảm 75% kể từ khi lập đỉnh nên tài sản ông Quyết chỉ còn 15.700 tỷ đồng.

Nhà đầu tư nên thận trọng trước cơn sóng cổ phiếu của họ FLC.

Game tăng vốn

Anh Nguyễn Thanh (môi giới chứng khoán tại Q.3, TP.HCM) cho biết FLC, HAI, AMD, KLF, ART, ROS là cổ phiếu đầu cơ họ FLC. Trong 12 tháng vừa qua, giá cổ phiếu này có dạng biểu đồ parabol. Ba tháng đầu tiên, cổ phiếu tăng dựng đứng và đạt đỉnh, 9 tháng sau giá lao dốc không phanh. Việc nắm giữ cổ phiếu từ lúc đỉnh đến nay khiến nhiều nhà đầu tư lỗ nặng.

Giá các cổ phiếu này bị tác động bởi các nhà tạo lập thị trường quá nhiều, giá biến động lớn và thường xuyên, có hiện tượng đẩy giá để thu hút cầu mua vào rồi bán xả hàng. Đây không phải dạng cổ phiếu để nhà đầu tư tham gia trong thời điểm này. Dòng tiền từ bên ngoài không đẩy vào nên nhà đầu tư tham gia sẽ rất rủi ro.

Anh Nguyễn Thanh nhận định: Nhiều doanh nghiệp huy động vốn bằng việc bán cổ phiếu giá 10.000 đồng thành công dù giá thị trường chỉ 7.000-8.000 đồng, thậm chí thấp hơn là do nội bộ hoặc có liên quan đến nội bộ công ty mua vào. Sau khi hết thời gian hạn chế nhượng, họ bán những cổ phiếu này ra thị trường với giá nào cũng có lời khi giá vốn chỉ là 0 đồng.

Biến động giảm giá của cổ phiếu họ FLC trong vòng 52 tuần qua. (Giá lập đỉnh được lấy theo giá đóng cửa điều chỉnh).

Hoạt động tài chính là cứu cánh

Hoạt động kinh doanh của nhóm công ty này khá đa dạng từ bất động sản nghỉ dưỡng (FLC), xây dựng (ROS), vật liệu xây dựng (AMD), chứng khoán (ART), bảo vệ thực vật (HAI). Nhưng có điểm chung là hoạt động tài chính lớn, phần lớn sản phẩm dịch vụ cung cấp trong hệ sinh thái như: AMD cung cấp đá tự nhiên cho nhà thầu ROS, ROS thi công các công trình xây dựng của FLC, KLF mua bất động sản của FLC tại Sầm Sơn, Hạ Long, Quảng Ninh, HAI phát hành cổ phiếu tăng vốn để hợp tác cùng FLC xây dựng cao ốc.

Trong năm 2017, FLC bán hàng hóa và cung cấp dịch vụ cho ROS 1.551 tỷ đồng, theo chiều ngược lại là 2.132 tỷ đồng. Con số này thể hiện sự phụ thuộc lẫn nhau quá lớn giữa các công ty trong hệ sinh thái FLC.

Những năm gần đây, tất cả các công ty này đều có lãi nhưng không lớn, nếu có sự đột phá thì đến từ doanh thu tài chính, mua bán cổ phiếu.

Năm 2017, lãi trước thuế của FLC đạt 561 tỷ đồng nhưng doanh thu tài chính tới 590 tỷ đồng. Con số này ở ROS còn cao hơn khi lợi nhuận trước thuế đạt 1.057 tỷ đồng, doanh thu tài chính tới 924 tỷ đồng. Con số lợi nhuận trước thuế và doanh thu hoạt động tài chính tại KLF là 6 tỷ đồng/72 tỷ đồng, HAI là 57 tỷ đồng/52 tỷ đồng, AMD là 62 tỷ đồng/8 tỷ đồng.

Bản chất đằng sau những khoản lợi nhuận này thì chỉ có ban lãnh đạo mới là người rõ nhất và nhà đầu tư khôn ngoan nên tránh xa những cổ phiếu có độ rủi ro cao của họ FLC.

Nguyễn Như