Trà và bánh tăng thêm hương vị cho ngày Tết Trung thu |
Những loại bánh Trung thu ngoại nhập này từ nhân bánh, vỏ bánh, hộp bánh rất phong phú, đa dạng. Chất lượng thì chưa biết thế nào, dù rằng được quảng cáo là bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm, nguyên vật liệu quý hiếm như bào ngư, vi cá, chocolate, phô mai, vi cá sò điệp… cách trang trí bao bì, nhãn mãn rất cầu kỳ, màu sắc sặc sở, bắt mắt.
Tất nhiên, bánh Trung thu ngoại nhập giá cũng cao ngất nhưỡng, thấp nhất vài trăm ngàn đồng cho đến tiền triệu, thậm chí 5-7 triệu đồng/hộp. Một hộp bánh/4 cái nếu kèm theo chai rượu “Tây”, hộp trà, vài thứ phụ tùng linh tinh thì giá lên đến chục triệu là chuyện bình thường. Và ai cũng biết rằng bánh Trung thu giá tiền triệu là chỉ dành riêng cho “đại gia” hoặc người khá giả mua để làm quà biếu, tặng… thắt chặt quan hệ tình cảm, ngoại giao hơn là mang ý nghĩa của ngày Tết Nhi đồng truyền thống.
Bên cạnh các loại bánh Trung thu ngoại nhập chiếm số lượng không nhỏ, đặc điểm mùa bánh Trung thu năm nay, các thương hiệu bánh Trung thu uy tín, nổi tiếng trong nước, đặc biệt tại TP. Hồ Chí Minh cũng tung ra thị trường nhiều loại bánh được cho là “chất lượng cao” do nhân bánh được làm bằng nguyên vật liệu đắt tiền như vi cá, gà quay thập cẩm, hạt sen, khoai môn, lá dứa, xoài, thanh long… tùy theo loại nhân, kích cỡ bánh, thương hiệu nhà sản xuất mà giá cao, thấp khác nhau nhưng không dưới 500.000 đồng/hộp. Tuy không phải là bánh Trung thu “đại gia”, nhưng nhà nghèo, người có thu nhập thấp chắc cũng phải rất đắn đo trước việc mua hộp bánh giá cao hơn một ngày lương của mình cho con vui Trung thu.
Bánh Trung thu ngoại nhập giá tiền triệu |
Theo kinh tế thị trường, năm nào cũng luôn có sự cạnh tranh khốc liệt nên bánh Trung thu đã được các nhà sản xuất dựng quầy, sạp tung ra bán trên các nẻo đường cách đây khoảng… 2 tháng. Nhưng thời gian đầu chủ yếu là tiếp thị, người mua cũng chỉ đi tham quan, dọ giá để chọn lựa, sức mua chậm. Trong khi bánh Trung thu về nguyên tắc không để quá tuần lễ hoặc mười ngày vì như thế bánh sẽ bị hư, mốc. Nhưng việc các quầy, sập trưng bày bánh Trung thu trước cả 2 tháng ròng rã như vậy mà bảo đám bánh không hư thì ai cũng biết từ nhân bánh đến cái bánh đã được nhà sản xuất “phù phép” bằng chất bảo quản “kỹ” như thế nào. Người tiêu dùng mua những loại bánh Trung thu mà từ trong ra ngoài đều “tẩm, ướp” hóa chất bảo quản về ăn thì dứt khoát sức khỏe không bảo đảm. Có khi bị đau bụng, rối loạn tiêu hóa, “vui” Trung thu đâu chưa thấy mà thấy “buồn” thê thảm vì bị… “Tào Tháo rượt” chạy mệt phờ người.
Nhưng điều buồn hơn, bánh Trung thu cho ngày Tết Nhi đồng ngày càng xa rời truyền thống bản sắc văn hóa dân tộc mà biến tướng thành một thứ văn hóa ngoại lai, không phải chỉ dành riêng cho trẻ con ăn mà người lớn “ké” vào với đủ mục đích từ việc chứng tỏ phong cách “đại gia”, đến biếu, tặng… tạo ra mối quan hệ ngoại giao hữu hảo. Có cầu ắt có cung, bởi thế nên người ta mới nhập bánh Trung thu của nước ngoài, hoặc sản xuất theo văn hóa ẩm thực, phong cách nước ngoài từ nguyên vật liệu đến nhãn mác khiến bánh Trung thu có giá cao ngất ngưỡng thành một thứ sản phẩm mà người mua muốn chứng tỏ đẳng cấp hơn là một loại bánh mang tính đặc trưng của ngày Tết Trung thu dành cho trẻ em.
Và như vậy, đa số trẻ em nghèo thuộc nhiều gia đình nghèo sẽ chọn lựa niềm vui mùa Trung thu ra sao? Chắc sẽ không có sự chọn lựa nào khác mà đành phải theo túi tiền nhà nghèo để mua bánh thôi... chọn bánh Trung thu giá rẻ bày bán tràn lan ngoài thị trường mà sự kiểm soát của các cơ quan chức năng xem ra hãy còn quá lơi lỏng.
Tình trạng chất lượng bánh Trung thu không kiểm soát được, bánh giả, bánh nhái thương hiệu thậm chí bánh Trung thu sản xuất theo dạng thủ công, mất vệ sinh, chẳng ai biết được nó sẽ mang đến tai họa gì cho người mua đang là một thực tế đáng buồn và đáng lo ngại. Đáng lo ngại là về vấn đề sức khỏe, còn đáng buồn là sự phân chia thành phần, đẳng cấp xã hội, chênh lệch giàu nghèo giữa cộng đồng ngày càng xa, càng rõ rệt chỉ qua… cái bánh Trung thu.
Từ Kế Tường