Theo khảo sát, cũng như các loại bánh kẹo có nguồn gốc rõ ràng, bánh kẹo cân có đầy đủ các loại từ bánh quy, bánh xốp, kẹo cứng, kẹo mềm, kẹo dẻo, kẹo trái cây, kẹo sữa, socola… với nhiều hương vị. Các loại bánh kẹo này thường được bọc bằng những loại giấy có màu sắc bắt mắt, bày la liệt và hoàn toàn công khai.
Các sản phẩm này được đóng gói sơ sài trong bao nilon hay được bày bán trong các rổ, khay nhựa. Người mua có thể thử vị, nếu thấy ưng ý và vừa giá thì mua. Sau đó, người bán sẽ cân và tự đóng gói. Phần lớn các loại này đều không được đóng thành từng gói, không có nhãn mác, phụ đề tiếng Việt, ngày sản xuất, hạn dùng, mà chỉ toàn chữ Trung Quốc.
Loại kẹo gôm truyền thống có giá 45.000-50.000 đồng/kg; loại kẹo hương vị hoa quả có giá từ 70.000-80.000 đồng/kg; bánh quy, bánh xốp từ 50.000-55.000 đồng/kg; socola đồng tiền 80.000 đồng/kg; mứt ki-wi 65.000 đồng/kg… rẻ hơn nhiều mà hương vị, mẫu mã cũng bắt mắt không kém hàng “xịn”.
Các loại bánh kẹo '3 không' được bày bán nhiều sắp Tết |
So với Tết năm ngoái, giá bánh kẹo cân năm nay đã tăng khoảng 10%. Hình thức các loại bánh kẹo “3 không” năm nay cũng khá bắt mắt. Socola được làm theo hình các con giống, ô tô, đồng tiền vàng… khiến mặt hàng này bán rất chạy.
Khi được hỏi về chất lượng cũng như nguồn gốc các loại bánh kẹo này, đa số các tiểu thương đầu lấp liếm rằng đó là bánh kẹo của Thái Lan, Singgapo, do không mất chi phí đóng gói, đóng hộp nên giá rẻ. Tuy nhiên, khi được hỏi, tại sao loại bánh kẹo này nhập khẩu lại không có nhãn mác tiếng Việt về thông tin sản phẩm hoặc hạn sử dụng thì tất cả những người bán hàng tại chợ Đồng Xuân đều không trả lời được.
Những loại bánh kẹo này đã được đóng gói, để trong các bịch nilon hay rổ nhựa trước mắt nên người mua có thể nhận thấy chúng không bị nhiễm bẩn và bụi. Nhưng bên cạnh là những loại mứt tết, ô mai… được để trong những chiếc thau, khay không hề che đậy này và đương nhiên rất dễ bám bụi, hư hỏng do thường xuyên phải tiếp xúc với môi trường.
Thậm chí, những quả ô mai này được đặt dưới mặt đất và khi được mua chúng sẽ được người bán bốc từng nắm bỏ vào bao. Tất cả không hề có bao bì nhãn mác, và điều tất nhiên người mua chỉ có thể mua bằng hai sự tin cậy: một là tự an ủi chính mình trước khi bỏ tiền ra rằng chắc là sản phẩm họ làm ổn, hai là hy vọng người bán hàng nói đúng. Vậy là những sản phẩm không hạn sử dụng, không nguồn gốc, không bao bì nhãn mác đã được tiêu thụ.
Những túi bánh kẹo không bao bì, nhãn mác được bày bán dưới đất |
Không hề biết thông tin gì về sản phẩm, đặc biệt là về hạn sử dụng của các loại bánh kẹo này nhưng nhiều người tiêu dùng vẫn không hề e ngại khi mua. Theo chủ các cửa hàng, loại bánh kẹo này được bán khá chạy vì có mức giá tương đối rẻ.
Nhân viên bán hàng tại chợ Lớn, Thị xã Phú Thọ tiết lộ: bánh kẹo tại ki ốt này và hầu hết các cửa hàng khác tại Phú Thọ, nếu bán cân thì nhập chủ yếu từ biên giới phía Bắc. Các chủ hàng thường đích thân lên cửa khẩu chọn hàng rồi đánh về.
Các loại bánh kẹo cân đều được phá ra từ các túi to loại 2,5kg, nếu mua cả túi thì sẽ rẻ từ 5-10.000 đồng. Tuy nhiên, khách mua chủ yếu là xé lẻ mua theo cân. Khách mua bánh kẹo cân chủ yếu là các đại lý ngoại thành đem về nông thôn bán hoặc bán tại cổng trường học.
Khi được hỏi về hạn sử dụng của các loại bánh kẹo này, chị MH, chủ đại lý bánh kẹo tại chợ Gia Lâm trấn an: “bánh kẹo vừa rẻ vừa ngon nên không bao giờ bị ế. Ra hàng đến đâu hết đến đấy, làm gì có hàng tồn mà sợ hạn dùng”.
Chị M, cửa hàng bánh kẹo tại chợ Gia Lâm cho biết, thường xuyên lên chợ Đồng Xuân lấy hàng. “Khoảng 2 tuần trở lại đây, mỗi ngày trung bình cửa hàng chị bán được 15kg bánh kẹo cân, không như bánh kẹo của Việt Nam, người mua rất ít”.
Trong khi các loại bánh kẹo Trung Quốc được phủ sóng rộng rãi thì những loại bánh kẹo có thương hiệu “made in Việt Nam” chỉ được đặt ở những góc khuất bởi mẫu mã không đẹp, rắn và lại nặng cân nên không thu hút khách.
Thực trạng bánh kẹo không rõ nguồn gốc bày bán tại các chợ là không thể phủ nhận, tuy nhiên, một số người tiêu dùng vẫn bỏ qua vấn đề quan trọng này vô tư mua, không quan tâm đến lợi hại.
Theo các chuyên gia về Vệ sinh an toàn thực phẩm, các loại bánh kẹo này chủ yếu là hàng nhập tiểu ngạch từ Trung Quốc hoặc sản xuất gia công tại Việt Nam nên không được các cơ quan chức năng kiểm soát về chất lượng.
Các nguyên liệu sản xuất thường không đảm bảo yêu cầu về an toàn vệ sinh thực phẩm, sử dụng phẩm màu công nghiệp, đường hóa học, chất bảo quản không được phép sử dụng… Vì thế, ăn những loại bánh, kẹo cân không rõ nguồn gốc có thể ảnh hưởng đến sức khỏe, ngộ độc cho người sử dụng. Nếu để ý, nhiều loại bánh, kẹo có khi để đến vài năm vẫn tươi màu, tươi mùi vị, và theo các chuyên gia đó chính là nhờ vào chất bảo quản.
Theo lời khuyên của các chuyên gia, để tránh tình trạng này, khi mua hàng, đặc biệt là thực phẩm, người tiêu dùng nên tìm hiểu các thông tin về sản phẩm như: ngày sản xuất, hạn sử dụng, nhà sản xuất, thành phần sản phẩm, số đăng ký do cơ quan y tế cấp…
Hơn nữa, các loại kẹo đa số đều chỉ được gói đơn giản bằng các loại giấy màu khá bắt mắt nhưng khi bóc túi ra để bán lẻ, không được bảo quản đảm bảo nên khi bóc ra bên trong hầu hết đều bị dính giấy hoặc chảy nước, tạo điều kiện cho vi khuẩn độc hại xâm nhập.
Theo ông Nguyễn Mạnh Hùng – Chủ tịch Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ Người tiêu dùng Việt Nam nhận định: "Chúng ta biết rằng chính phủ đã ban hành nghị định 89 về ghi nhãn hàng hóa. Trừ một số trường hợp thì hàng hóa lưu thông trên thị trường phải có nhãn hàng hóa. Theo quy định có 3 nội dung bắt buộc phải ghi trên nhãn".
Ông Đỗ Thanh Lam – Phó Cục Trưởng Cục Quản lý thị trường cho biết, thời điểm giáp Tết là lúc nhu cầu về các mặt hàng thực phẩm trong đó có bánh mứt kẹo tăng cao. Bên cạnh các công ty, các nhà sản xuất có uy tín luôn chấp hành đúng các quy định, thì vẫn còn không ít các cơ sở sản xuất kinh doanh nhỏ lẻ chưa chú trọng đến việc đảm bảo các tiêu chuẩn về nhãn mác và vệ sinh an toàn thực phẩm. Ông nói:"Như các bạn đã biết thì dịp tết là thời điểm nhu cầu về các mặt hàng thực phẩm của người dân tăng cao. tại một số cửa hàng người ta vẫn còn thực hiện chưa đúng các quy định luật pháp về quy nhãn hàng hóa. Cá biệt vẫn có vi phạm mà các ngành chức năng phải kiểm tra và xử lý".
Thông tin chi tiết về người tiêu dùng, độc giả có thể tham khảo tại đây
Quỳnh Chi