Tại thời điểm kiểm tra, cơ quan chức năng xác định cơ sở sản xuất bánh cốm Nguyên Ninh có 5 nhân công lao động sản xuất, 1 chủ cơ sở. Qua kiểm tra thực tế, khu vực sản xuất của cơ sở được tận dụng trong gian bếp sinh hoạt của gia đình, không phân khu riêng biệt, sắp xếp lộn xộn và xuống cấp nghiêm trọng. Nền nhà khu vực bếp bong tróc, ẩm mốc, cống rãnh hở, ứ đọng rác. Dụng cụ sơ chế, chế biến dùng trong sản xuất cáu bẩn do không có chế độ vệ sinh định kỳ.
Khu vực sản xuất chật chội và kém vệ sinh của cơ sở sản xuất bánh cốm
Đặc biệt, nhà vệ sinh nằm ngay trong khu vực sơ chế, chế biến. Trong khu vực sản xuất còn phát hiện có côn trùng và phân của động vật. Vì cơ sở chật hẹp không có kho chứa nên các bao tải đựng nguyên liệu cốm khô được xếp ngay lối ra vào khu bếp, gần khu vực tường ẩm mốc…
Kiểm tra hồ sơ pháp lý, cơ sở chưa xuất trình được giấy khám sức khỏe và xác nhận tập huấn kiến thức ATTP của chủ cơ sở và 5 nhân viên; chưa xuất trình được hồ sơ chứng minh nguồn gốc xuất xứ của tất cả các nguyên liệu, phụ gia thực phẩm, bao bì tiếp xúc trực tiếp với thực phẩm. Đoàn kiểm tra cũng phát hiện nhãn sản phẩm bánh cốm chưa phù hợp với bản công bố sản phẩm và chưa phù hợp về quy định ghi nhãn hàng hóa.
Đoàn kiểm tra cơ sở sản xuất bánh cốm Nguyên Ninh (11 Hàng Than, Ba Đình)
Từ những vi phạm nêu trên, đoàn kiểm tra số 1 đã yêu cầu cơ sở tạm dừng hoạt động để khắc phục ngay những tồn tại và giao cho Ban chỉ đạo công tác ATTP quận Ba Đình tiếp tục làm việc để xử lý.
Cùng ngày, đoàn đã kiểm tra đột xuất thực tế tại Công ty TNHH chế biến thực phẩm Thanh Hương – cơ sở chế biến sản xuất bánh jambon (số 50 An Dương, quận Tây Hồ). Tại thời điểm kiểm tra, cơ sở có 13 nhân công lao động sản xuất.
Đoàn kiểm tra liên ngành ATTP số 1 của Thành phố kiểm tra tại Công ty TNHH chế biến thực phẩm Thanh Hương – cơ sở chế biến sản xuất bánh Jambon (số 50 An Dương, quận Tây Hồ)
Kiểm tra hồ sơ pháp lý cho thấy, cơ sở chưa xuất trình được giấy chứng nhận đủ điều kiện ATTP và hợp đồng, hồ sơ chứng minh nguồn gốc của hạt điều, ruốc thịt. Về điều kiện vệ sinh thực tế, khu vực sản xuất không bố trí theo nguyên tắc một chiều, không phân khu riêng biệt; Tường trần nền khu vực sản xuất xuống cấp. Khu vực sản xuất sắp xếp lộn xộn, thiếu chế độ vệ sinh thường xuyên. Qua kiểm tra cơ sở không có bàn để đóng gói thành phẩm.
Tại thời điểm kiểm tra, sản phẩm đang được đóng gói trên mặt sàn. Khu vực cửa sổ không có lưới chống côn trùng, bám nhiều bụi bẩn; có gián trong khu vực sản xuất; thiếu chế độ vệ sinh thường xuyên đối với trang thiết bị dụng cụ... Đoàn kiểm tra yêu cầu Công ty TNHH chế biến thực phẩm Thanh Hương – cơ sở chế biến sản xuất bánh jambon tạm dừng hoạt động để khắc phục.
Chi cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Hà Nội Đặng Thanh Phong nhấn mạnh, năm nay, thực hiện chỉ đạo của Ban chỉ đạo Thành phố, Ủy ban nhân dân Thành phố, các đoàn kiểm tra không báo trước, không để quận, huyện chọn cơ sở đi kiểm tra. Sau kiểm tra, đoàn báo cáo lại với lãnh đạo Thành phố để Thành phố nắm được và tiếp tục chỉ đạo.
Còn với cơ sở đoàn đến kiểm tra nhưng thông báo đóng cửa không tiếp đoàn, cho công nhân nghỉ, đề nghị Phòng Y tế quận Tây Hồ kiểm tra lại (kiểm tra đột xuất), nếu cơ sở có lỗi vi phạm, xử lý thật nặng. Đến khi cơ sở khắc phục được các nội dung, Ban Chỉ đạo quận xuống kiểm tra thực tế đúng với báo cáo, sẽ cho hoạt động trở lại. Còn cơ sở chưa khắc phục được tồn tại vẫn tiếp tục dừng hoạt động.
Ngoài ra, lãnh đạo Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Hà Nội cũng yêu cầu các đoàn kiểm tra chặt về nguồn gốc, lấy mẫu các sản phẩm thực phẩm dịp Tết, nhất là rượu (xét nghiệm dư lượng hóa chất, hóa chất bảo quản, vi sinh…). Thành phố Hà Nội sẽ xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm, đảm bảo cung cấp nguồn thực phẩm an toàn và chất lượng cho người dân.