Thời mở cửa, nguyên vật liệu sẵn hơn, bánh được tiêu thụ quanh năm, quy mô các gia đình nhỏ lại, không gian đô thị chật hẹp không thuận tiện cho những bếp bánh chưng (thường đun củi gộc) đỏ lửa bập bùng suốt đêm. Thế là những cơ sở sản xuất bánh chưng chuyên nghiệp ra đời, thường gắn với không gian làng xã.
Được coi là “cái nôi” của chiếc bánh chưng thuở Lang Liêu dâng bánh cho vua cha, xã Hùng Lô (thành phố Việt Trì, Phú Thọ) là một “địa chỉ đỏ” của bánh chưng. Tuy nhiên, quy mô sản xuất còn nhỏ nên những chiếc bánh Hùng Lô chủ yếu được tiêu thụ trên địa bàn tỉnh nhà.
Người Hà Nội cố cựu khi được hỏi chắc chắn sẽ nhắc đến bánh chưng Làng Bạc (phường Phú Thượng, quận Tây Hồ). Bánh Làng Bạc có khi được gọi đùa là “bánh chưng vàng bạc” bởi giá khá đắt. Nhưng xắt ra miếng. Cắt chiếc bánh chưng Làng Bạc, các bà nội trợ sẽ rất hài lòng, vì “thịt nằm kín trong đỗ, đỗ nằm kín trong gạo”. Đỗ xanh được đem đồ chín, giã nhuyễn, bọc gọn gàng miếng thịt bên trong chứ không để nguyên hạt như nhiều làng khác. Làng không có nhiều hộ làm nghề bánh chưng, sản phẩm được cung cấp chủ yếu cho các chợ nội thành như Đồng Xuân, Hàng Da, Chợ Hôm. Hà Nội còn sở hữu các thương hiệu bánh chưng Tranh Khúc (Thanh Trì), Lỗ Khê (Đông Anh) nổi tiếng không kém, sản xuất với số lượng lớn hơn và đã ngược xuôi Nam Bắc.
Tất nhiên, nhiều địa phương khác cũng có niềm tự hào riêng về chiếc bánh không bao giờ vắng mặt trên mâm cỗ Tết này: Hải Phòng có bánh chưng Thủy Đường (huyện Thủy Nguyên); Hà Nam có bánh chưng Làng Đầm (huyện Thanh Liêm)… Thái Nguyên có bánh chưng Bờ Đậu (huyện Phú Lương) cũng đã chinh phục thị trường cả nước với “bí quyết” là loại nếp nương đặc sản vùng an toàn khu Định Hóa. Người dân ở đây nói bánh có hương vị riêng còn vì nước luộc bánh nhất thiết được lấy từ suối trên núi đá phía sau làng Bờ Đậu. Đặc biệt người làng còn làm rất nhiều bánh chưng dài (bánh tét)…
Do sản lượng tiêu thụ lớn, nhiều làng bánh chưng truyền thống giờ đây đã đầu tư hàng trăm triệu đồng làm hệ thống nồi hơi, công suất lớn để luộc bánh chưng. Các hộ sản xuất cũng sử dụng máy hút ép chân không, dán nhãn, ghi rõ nguồn gốc xuất xứ, ngày gói và hạn sử dụng. Công nghệ sản xuất bánh chưng đã tạo nên chuỗi giá trị, mang lại sự trù phú cho nhiều làng nghề truyền thống.
Mặc dù vậy, vắng đi ánh lửa bập bùng đêm đông và tiếng ríu rít của trẻ nhỏ khi được trao chiếc bánh chưng cua nhỏ xíu xiu còn nóng hổi cũng khiến người hoài cổ đôi khi xao xuyến.