Dự án Asiana Capella có tên chính thức là Dự án Chung cư kết hợp Thương mại – Dịch vụ Saigon Asina do Công ty TNHH Gotec Việt Nam (Gotec Land) làm chủ đầu tư. Dự án có địa chỉ tại 184 Trần Văn Kiểu, P.10, Q.6, TP.HCM. Asiana Capella được xây dựng trên khu đất có diện tích 4,275.1 m2, gồm 1 tháp cao 19 tầng nổi, 2 tầng hầm và tầng kỹ thuật mái với 373 căn hộ.
Mặc dù chỉ ép cọc, thử tải và chưa có dấu hiệu xây dựng nhưng chủ đầu tư dự án Gotec Land đã tổ chức mở bán, huy động vốn và đẩy rủi ro cho khách hàng. Ảnh:CTV. |
Gần đây, thông qua các trang mạng và các kênh thông tin hình ảnh dự án Asiana Capella đã được quảng bá tràn lan với những mỹ từ mật ngọt như dự án đẳng cấp nhất nằm tại vị trí đất vàng TP.HCM, “nhất cận thị, nhị cận giang, tam cận lộ”, …
Trong vai khách hàng, PV liên hệ với nhân viên bán hàng của dự án và được nhân viên này cho biết, hiện dự án Asiana Capella là dự án rất “hot” và được rất nhiều nhà đầu tư quan tâm, đã có nhiều khách hàng đặt cọc tiền để mua từ nhiều tháng trước.
“Dự án có khoảng 300 căn hộ nhưng hiện nay đã có đến 460 khách hàng đặt cọc, giữ chỗ. Anh chỉ cần đóng trước 50 triệu tiền giữ chỗ, sau 7 ngày kể từ ngày mở bán anh phải đóng đủ 15% giá trị tiền của căn hộ, nếu chần chừ anh sẽ mất cơ hội đầu tư”, nhân viên này thuyết phục.
Tuy nhiên, ghi nhận thực tế khu vực công trình thì hiện dự án đang được bao quanh bằng những tấm biển quảng cáo. Bên trong chưa có dấu hiệu xây dựng tại dự án Asiana Capella
Thời gian qua, trên thị trường bất động sản TP.HCM xuất hiện nhiều chủ đầu tư đã lách luật để “bán lúa non”, tổ chức rao bán sản phẩm và huy động vốn từ khách hàng trái với quy định của pháp luật. Khi bị các cơ quan chức năng phát hiện và xử phạt thì nhiều dự án rơi vào tình trạng “chết lâm sàng” do không đủ điều kiện hoặc năng lực để hoàn thành dự án. Điều này khiến nhiều khách hàng “ăn không ngon ngủ không yên” khi đã trót rót tiền vào dự án.
Theo quy định tại Điều 55, Luật Kinh doanh bất động sản 2014, đối với nhà chung cư, tòa nhà hỗn hợp có mục đích để ở hình thành trong tương lai, chủ đầu tư muốn đưa vào kinh doanh phải có các loại giấy tờ về quyền sử dụng đất, hồ sơ dự án, thiết kế bản vẽ thi công đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt, giấy phép xây dựng, biên bản nghiệm thu đã hoàn thành phần móng của tòa nhà.
Hiện nay, Chính phủ đã nghiêm cấm các hành vi phân lô, bán nền tại các dự án khi chưa hoàn thiện cơ sở hạ tầng kỹ thuật và bắt buộc dự án phải được xây thô mới đủ điều kiện mở bán. Theo quy định hiện hành, các thể loại hợp đồng giữ chỗ, hợp đồng góp vốn, hợp đồng nguyên tắc đều không có giá trị pháp lý và khi xảy ra sự cố như dự án không thể triển khai được thì người chịu thiệt hại là khách hàng.
Có một thực tế là hiện nay, có nhiều chủ đầu tư yếu về năng lực tài chính, cố tình lách luật để huy động vốn bất chấp pháp luật. Đây chính là nguyên nhân khiến hàng loạt dự án thời gian qua dù thu tiền đến 95% giá trị căn hộ nhưng không giao được nhà cho khách hàng. Thậm chí nhiều chủ đầu tư còn đem dự án đã bán cho khách hàng mang cầm cố ngân hàng, khiến người mua nhà lâm vào cảnh khó khăn.
Theo Luật sư Trương Thành Thiện, Đoàn luật sư TP.HCM, Luật Kinh doanh bất động sản đã quy định khá rõ, chỉ khi nào dự án làm xong móng, xong hạ tầng và được sự chấp thuận đủ điều kiện bán hàng của Sở Xây dựng, chủ đầu tư mới được bán hàng, huy động vốn. Điều này nhằm bảo vệ khách hàng tránh những rủi ro đáng tiếc khi các doanh nghiệp bất động sản kinh doanh theo kiểu “tay không bắt giặc”, đẩy rủi ro về phía khách hàng.
Chi Lê