Quặng thiếc là khoáng chất cassiterite (SnO2) là nguồn thiếc thương mại chính. Nó chủ yếu được khai thác từ sa khoáng, các mỏ thứ cấp được tìm thấy ở hạ lưu từ các mỏ chính trong đá granit hoặc đá liên quan.
Thiếc là một kim loại màu trắng-vàng, mềm, dẻo và khá bền. Thiếc là khoáng sản có giá trị kinh tế cao, được khai thác và sử dụng từ thời kỳ đồ đồng, 3000 năm trước Công nguyên. Khi mới được phát hiện và sử dụng, thiếc được trộn với đồng để làm ra đồng thau. Sau đó, do có tính độc thấp, thiếc được dùng để sản xuất đồ dùng gia đình như đĩa, bát.
Thiếc còn được dùng để tráng lên bề mặt các vật bằng thép, vỏ hộp thực phẩm, nước giải khát, có tác dụng chống ăn mòn, tạo vẻ đẹp không độc hại. Ngoài ra, thiếc còn được dùng trong trong hợp kim như chất hàn chì, thiếc bột; hộp thiếc, đồng thiếc, áp dụng chế tạo đèn trang trí và nhiều đồ gia dụng khác.
Hiện nay, hợp kim từ thiếc được dùng trong nhiều ứng dụng khác nhau, như hàn, hay làm nam châm và dây siêu dẫn. Thiếc còn được dùng trong công nghiệp sản xuất thủy tinh và lớp tráng chống mưa gió cho cửa sổ và kính chắn gió. Do có ứng dụng cao trong nhiều ngành nghề nên thiếc cũng được khai thác rộng rãi ở khắp nơi. Tuy nhiên do trong hàm lượng quặng thiếc có lẫn tạp chất hay sắt làm ảnh hưởng tới quá trình sản xuất nên việc xác định hàm lượng sắt bằng phương pháp chuẩn độ tạo phức theo tiêu chuẩn sẽ giúp quặng thiếc đảm bảo độ tinh khiết, sản phẩm đạt chất lượng.
Thiếc là khoáng sản có giá trị kinh tế cao. Ảnh minh họa
Theo hướng dẫn tại Tiêu chuẩn quốc gia TCVN 14152:2024 Quặng tinh thiếc- Xác định hàm lượng sắt- Phương pháp chuẩn độ tạo phức do Bộ Khoa học và Công Nghệ công bố áp dụng cho quặng tinh thiếc có hàm lượng sắt ≥ 1 % (theo khối lượng). Phương pháp chỉ áp dụng với các mẫu thử có khoảng hàm lượng các nguyên tố hóa học đồng Cu ≤ 0,5% (theo khối lượng); nguyên tố hóa học Bi thuộc nhóm nitơ ≤ 1% (theo khối lượng) và Pb,Sb < 4% (theo khối lượng).
Theo đó phương pháp chuẩn độ tạo phức là một trong những phương pháp lâu đời nhất để xác định nồng độ chất phân tích hóa chất. Cho đến nay, chuẩn độ vẫn được sử dụng rộng rãi trong hóa phân tích và phương pháp đã được phát triển rất hiện đại, dễ dàng và tinh vi. Chuẩn độ liên quan đến phản ứng hóa học giữa chất phân tích và dung dịch chuẩn độ khi xét theo khía cạnh nhận được kết quả là nồng độ chất phân tích. Dung dịch chuẩn độ được dùng là một dung dịch chuẩn có nồng độ cụ thể biết trước.
Về nguyên tắc tiêu chuẩn này nêu rõ, mẫu thử được phân hủy bằng các dung dịch axit HNO3, H2SO4 và HCl, lượng sắt có trong mẫu được chuyển toàn bộ vào dung dịch sau đó được ôxy hóa hoàn toàn về Fe3+.
Khi thử nghiệm chỉ sử dụng hóa chất có cấp tinh khiết phân tích, trừ khi có quy định khác, nước dùng trong tiêu chuẩn là nước cất loại 3 theo TCVN 4851 (ISO 3696)...Lưu ý chỉ sử dụng thiết bị, dụng cụ thông thường trong phòng thử nghiệm và các dụng cụ thiết bị như pipet, cân, tủ sấy, bếp điện, bình hút ẩm...
Mẫu thử được nghiền mịn qua rây, sấy khô mẫu trong tủ sấy ở nhiệt độ 105 °C ± 5 °C đến khối lượng không đổi. Lấy mẫu ra và làm nguội trong bình hút ẩm đến nhiệt độ phòng trước khi tiến hành cân để thử nghiệm. Thực hiện phân tích lặp lại ít nhất hai lần trên cùng một mẫu thử, ở cùng một điều kiện.
Nên thực hiện phép thử mẫu trắng song song với phép phân tích mẫu thử, sử dụng cùng một lượng với tất cả các thuốc thử nhưng không có mẫu thử. Sai lệch tuyệt đối giữa hai kết quả xác định song song hoặc đối song không được vượt quá các giá trị quy định nếu vượt giới hạn cho phép phải tiến hành phân tích lại.
Lưu ý, vệc báo cáo thử nghiệm cần bao gồm những thông tin: Viện dẫn tiêu chuẩn này; Đặc điểm nhận dạng mẫu; Kết quả thử nghiệm; Mọi thao tác không quy định trong tiêu chuẩn này hoặc được coi là tùy chọn và các yếu tố có thể ảnh hưởng đến kết quả thử nghiệm; Ngày thử nghiệm.