Virus gây bệnh quả cà chua nâu nhăn nheo (ToBRFV) là loại Tobamovirus thực vật ảnh hưởng đến cà chua, ớt chuông và ớt. Đây là loài gây hại thực vật, gây ra rủi ro an toàn sinh học nghiêm trọng cho ngành rau quả ở nhiều quốc gia.
Virus gây ra các đốm nâu hoặc vàng xuất hiện trên lá, quả và thân cây chủ. Quả bị nhiễm ToBRFV có thể bị biến dạng hoặc chín không đều. Ở lá có sự đổi màu, hoa văn khảm và loang lổ, giảm kích thước. Ở quả vùng chuyển sang màu vàng hoặc nâu, da nhăn nheo (xù xì). Thân cây có thể bị đổi màu.
Cây bị nhiễm ToBRFV không thể chữa khỏi và không có phương pháp điều trị hiệu quả nào để loại bỏ bệnh khỏi hạt giống hoặc vật liệu thực vật. Nó có thể dẫn đến tổn thất kinh tế đáng kể do năng suất và chất lượng sản phẩm giảm. Do đó việc giám định vi khuẩn gây hại ở quả cà chua kịp thời theo tiêu chuẩn là điều cần thiết giúp hạn chế sự lây lan và thiệt hại mà virus gây ra.
Cây cà chua nhiễm virus nhăn nâu ToBRFV gây ra không ít thiệt hại cho người trồng trọt. Ảnh minh họa
Căn cứ tại Tiêu chuẩn TCVN 12371-2-15:2024 quy trình giám định vi khuẩn gây hại thực vật - Phần 2-15: Yêu cầu cụ thể đối với quy trình giám định virus nhăn nâu quả cà chua do Bộ Khoa học và Công nghệ công bố, khi giám định vi khuẩn nên sử dụng các thiết bị, dụng cụ thông thường của phòng giám định (theo điều 3 của TCVN 12371-1:2019) bao gồm: Bể ủ nhiệt, máy chu trình nhiệt, máy đảo mẫu, máy điện di, máy ly tâm lạnh...
Lưu ý chỉ sử dụng các hóa chất loại tinh khiết phân tích trừ khi có quy định khác. Lấy mẫu theo TCVN 12371-1:2019. Các bộ phận có thể lấy mẫu để giám định ToBRFV gồm hạt, lá và quả. Mẫu được bảo quản và vận chuyển về phòng giám định theo TCVN 12371-1:2019.
Yêu cầu về giám định virus gây bệnh bằng phương pháp RT-PCR (máy chu trình nhiệt). Đọc kết quả điện di bằng hệ thống đọc bản gel UV. Các loại đối chứng được sử dụng trong mỗi lần thực hiện giám định đáp ứng các điều kiện: Mẫu đối chứng dương xuất hiện một vạch duy nhất có kích thước ~ 475 bp trên bản gel. Mẫu đối chứng âm và mẫu blank không xuất hiện vạch trên bản gel.
Khi đó, mẫu giám định sẽ cho kết quả dương tính (nhiễm virus) khi xuất hiện một vạch duy nhất có kích thước ~ 475 bp trên bản gel. Mẫu kiểm tra cho kết quả âm tính (không nhiễm virus) khi không xuất hiện vạch nào trên bản gel. Cần thực hiện giám định lại nếu mẫu cho kết quả PCR không rõ ràng.
Giám định bằng phương pháp Real-time RT-PCR. Các loại đối chứng được sử dụng trong mỗi lần thực hiện giám định đáp ứng các điều kiện: Mẫu đối chứng dương xuất hiện đường chuẩn khuếch đại. Mẫu đối chứng âm không xuất hiện đường chuẩn khuếch đại theo hàm số mũ (giá trị chu kỳ ngưỡng Ct).
Khi đó, mẫu giám định sẽ được đọc kết quả như: Mẫu kiểm tra cho kết quả dương tính (nhiễm virus) khi xuất hiện đường chuẩn khuếch đại theo hàm số mũ (giá trị chu kỳ ngưỡng Ct). Giá trị Ct ≤ 35. Mẫu kiểm tra cho kết quả âm tính (không nhiễm virus) khi không xuất hiện đường chuẩn khuếch đại theo hàm số mũ (giá trị chu kỳ ngưỡng Ct). Giá trị Ct = 0. Mẫu kiểm tra có giá trị chu kỳ ngưỡng 35 < Ct ≤ 40 được coi là nghi ngờ nhiễm virus. Những mẫu nghi ngờ này cần được thực hiện giám định lại để khẳng định kết quả.
Mẫu giám định được kết luận là nhiễm virus nhăn nâu quả cà chua (ToBRFV) khi có kết quả dương tính với phương pháp giám định bằng RT-PCR. Hoặc có kết quả dương tính với phương pháp giám định bằng real-time RT-PCR.