Áp dụng hệ thống quản lý chất lượng, công cụ cải tiến: Vẫn còn doanh nghiệp chưa ‘mặn mà’

(CL&CS) - Áp dụng các hệ thống quản lý chất lượng, công cụ cải tiến năng suất được xem là yếu tố quan trọng giúp doanh nghiệp ổn định, nâng cao chất lượng sản phẩm, năng suất và năng lực cạnh tranh. Tuy nhiên, hiện nhiều doanh nghiệp vẫn chưa “mặn mà” với việc áp dụng các hệ thống và công cụ này.

Khi bước chân vào con đường kinh doanh, bất cứ doanh nghiệp nào cũng mong muốn tồn tại và phát triển lâu dài. Để đạt được mục tiêu đó, hiển nhiên doanh nghiệp phải làm ăn có hiệu quả, tạo ra những sản phẩm hàng hóa, dịch vụ chất lượng đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của khách hàng. Theo đó, áp dụng các hệ thống quản lý chất lượng, công cụ cải tiến năng suất được xem là yếu tố quan trọng bên cạnh giải pháp về đổi mới khoa học kỹ thuật giúp doanh nghiệp ổn định, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm và nâng cao năng lực cạnh tranh.

Áp dụng hệ thống quản lý chất lượng, công cụ cải tiến năng suất là yếu tố quan trọng giúp doanh nghiệp nâng cao chất lượng sản phẩm. Ảnh minh họa. 

Tuy nhiên, có thực tế rằng nhiều doanh nghiệp dường như vẫn chưa “mặn mà” với việc áp dụng các hệ thống quản lý chất lượng, công cụ cải tiến. Lý giải vấn đề trên, trao đổi với phóng viên Chất lượng Việt Nam (VietQ.vn), bà Bùi Kim Thùy - Đại diện Cấp cao tại Việt Nam - Hội đồng Kinh doanh Hoa Kỳ - ASEAN (USABC); Thành viên Hội đồng Cố vấn Harvard - Asia Pacific cho biết có 3 nguyên nhân chính.

Nguyên nhân thứ nhất là phần lớn doanh nghiệp Việt Nam trong vị thế là doanh nghiệp gia công, nghĩa là đơn hàng nước ngoài họ yêu cầu như thế nào ta làm thế. Doanh nghiệp nước ngoài họ đưa QC (Quality Control) - người kiểm soát, quản lý của nước ngoài - sang Việt Nam kiểm soát chất lượng của nhà máy cho những đơn hàng do chính họ đặt hàng. Vì vậy, không ít doanh nghiệp Việt Nam sẽ không có động lực cải tiến nếu đối tác nước ngoài không cưỡng ép họ cải tiến.

Ví dụ, một doanh nghiệp Việt nhận đơn hàng của thương hiệu nước ngoài, khi đội ngũ kiểm soát chất lượng (QC) của công ty mẹ sang Việt Nam sẽ yêu cầu nhà máy phải cải tiến quy trình theo đúng tiêu chuẩn của thương hiệu đó, có như vậy họ mới gia công sản phẩm tại Việt Nam. Vậy thì chủ của doanh nghiệp Việt chỉ làm đúng tiêu chí mà đơn hàng đó yêu từ cầu, họ không mặn mà với những lời đề nghị khác vì QC nước ngoài bảo làm thế nào thì nhà máy sẽ cải tiến như vậy và vì ông chủ thực sự nằm ở nước ngoài. Thực ra một số nhà máy tiêu chuẩn rất cao, nhưng động lực không phải tự họ mà là do đơn hàng yêu cầu như vậy nên họ mới cải tiến.

Nguyên nhân thứ hai là doanh nghiệp Việt Nam rất ít tập trung vào thương hiệu, bởi rất ít doanh nghiệp Việt Nam xuất khẩu hàng hóa bằng tên của mình. Có những doanh nghiệp Việt Nam nằm trong top đầu xuất khẩu, nhưng hàng hóa được dán nhãn thương hiệu khác chứ không phải nhãn thương hiệu Việt Nam, điển hình trong một số lĩnh vực như dệt may, da giày, cà phê, trà, thủ công mỹ nghệ, hạt điều... Có nhưng rất ít doanh nghiệp Việt Nam có khả năng xuất khẩu bằng thương hiệu của mình.

Việc áp dụng hệ thống quản lý chất lượng, công cụ cải tiến được ngành dệt may đẩy mạnh trong thời gian qua. Ảnh: Vietnam Plus.

Nguyên nhân thứ 3 là doanh nghiệp lớn và là niềm tự hào của Việt Nam đã có nhưng chưa nhiều, nếu đếm về số lượng thì rất ít, 95% doanh nghiệp Việt Nam là doanh nghiệp vừa, nhỏ và siêu nhỏ. Khi doanh nghiệp còn nhỏ chỉ muốn cắt chi phí, giảm yếu tố đầu vào, trong khi nếu cắt chi phí sẽ nguy hại đến chất lượng sản phẩm, hệ quả là nguy hại đến chất lượng của công ty. “Đừng sợ chi phí, cái đáng sợ là “lãng phí”. Lãng phí là vô ích, nhưng “chi phí” là có ích, rất tiếc là chưa có nhiều doanh nghiệp SME hiểu được điều này”, bà Thuỳ nêu quan điểm.

“Có những doanh nghiệp chỉ giữ lại đội sale, marketing vì họ bán được hàng, còn cắt các chi phí cho pháp lý, nhân viên phụ trách pháp lý, thậm chí nhiều công ty thuê chung 1 người làm đại lý khai thuê hải quan, giám đốc công ty có khi không hiểu về quy trình dịch vụ hải quan, thuế là bao nhiêu, cấp dưới trình lên thế nào thì biết thế... Đó là điều nguy hiểm. Do vậy, tôi cho rằng đó là những vấn đề lớn cần cải thiện. Bởi khi có cán bộ phụ trách pháp lý giỏi, họ sẽ nhanh chóng nhìn ra các điểm yếu, thiếu của công ty.

Ví dụ như doanh nghiệp muốn nâng cấp chất lượng sản phẩm, không phải chỉ nhìn sản phẩm có bao bì đẹp mà còn nằm ở yếu tố năng suất lao động. Khả năng một công nhân có thể sản xuất ra bao nhiêu sản phẩm trong một ngày và tối ưu hóa chuỗi cung ứng thông qua việc cắt giảm từng khâu.

Giả sử một chuỗi có 100 khâu, mỗi khâu tiết kiệm 1h thì 100 khâu tiết kiệm được 100h. Nếu tính trong điều kiện bình thường 1 công nhân trung bình 10 giờ làm việc sản xuất được 30 chiếc áo sơ mi thì trong 100h đã tạo ra giá trị thặng dư tương đương 300 chiếc áo sơ mi. Và giá trị gia tăng của doanh nghiệp nằm ở đó chứ không phải cắt giảm nhân sự cần thiết trong doanh nghiệp, đặc biệt là nhân sự phụ trách công tác pháp luật, pháp lý thể chế.

Hoặc với cả chuỗi như vậy, doanh nghiệp đưa ứng dụng khoa học công nghệ vào kiểm soát toàn chuỗi, để tính từ khâu đầu tiên đến khâu cuối cùng sẽ tiết kiệm được rất nhiều, nâng cao năng suất lao động. Doanh nghiệp lớn làm được việc này nhưng rất ít doanh nghiệp nhỏ làm được”, bà Bùi Kim Thùy nhấn mạnh.

TIN LIÊN QUAN