Áp dụng công nghệ 4.0 trong quản lý, tiêu thụ và xuất khẩu nông sản Việt Nam

(NTD) - Hội thảo "Ứng dụng khoa học và công nghệ trong truy xuất nguồn gốc nông sản phục vụ xuất khẩu và phát triển nền nông nghiệp bền vững ở Việt Nam" do Liên hiệp các hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam phối hợp cùng Ủy ban khoa học công nghệ và môi trường đã được tổ chức vào sáng ngày 3/7 tại Nhà khách Quốc Hội (Hà Nội).

TS. Phùng Đức Tiến, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội

Buổi hội thảo có sự góp mặt của khoảng 70 đại biểu đến từ Ủy ban KHCN&MT của Quốc hội, Bộ Nông nghiệp, Bộ Công thương, Bộ Khoa học và Công nghệ; Liên hiệp các hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam: các hội khoa học và kỹ thuật ngành toàn quốc, các tổ chức KH&CN hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, đại diện một số liên hiệp hội địa phương phía bắc và ĐBSCL, đại diện doanh nghiệp và một số tổ chức quốc tế hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp có mặt ở Việt Nam.

Các đại biểu tham dự Hội thảo

Trong hai phiên: Truy xuất nguồn gốc nông sản ở Việt Nam và Giải pháp công nghệ phục vụ xuất khẩu nông sản và phát triển nông nghiệp bền vững ở Việt Nam, đại diện các đơn vị đã lần lượt trình bày tham luận về các vấn đề xung quanh việc xây dựng hệ thống truy xuất nguồn gốc cho nông sản sạch ở Việt Nam hiện nay.

 

Phát biểu tại hội nghị, GS. VS Trần Đình Long cho biết: Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Quý I/2018, GDP lĩnh vực nông, lâm, thủy sản tăng trưởng 4,05%, mức tăng trưởng cao nhất trong 13 năm gần đây. Bức tranh xuất khẩu nông sản năm nay, Việt Nam sẽ hướng đến mục tiêu 40 tỷ USD. Tuy nhiên, bên cạnh những thành tựu, nông sản Việt Nam vẫn đứng trước nhiều thách thức tại các thị trường xuất khẩu, đặc biệt là hàng rào kỹ thuật; trong đó khâu quảng bá, xây dựng thương hiệu cho nông sản Việt Nam tại thị trường quốc tế còn nhiều hạn chế, các tiêu chuẩn về quản lý chất lượng (truy xuất nguồn gốc) và an toàn thực phẩm của các nước ngày càng thắt chặt hơn.

Giải pháp được đặt ra chính là việc sản xuất theo chuỗi và đảm bảo chất lượng nông sản, đặc biệt là quy hoạch và sản xuất cây trồng vật nuôi phù hợp với các vùng sinh thái khác nhau trong cả nước, kiểm soát chặt chẽ các giống cây con của các ngành hàng chủ lực, đồng thời ứng dụng kỹ thuật phục tráng các giống cây trồng bản địa như là Nếp cái hoa vàng, Tám thơm Hải Hậu, Nàng thơm,…; sử dụng công nghệ sinh học, đột biến, lao tạo các giống cây trồng mới có chất lượng và giá trị thương mại cao,…

ThS. Nguyễn Kim Ngân, Giám đốc Trung tâm Phát triển Nông thôn bền vững (SRD) đang trình bày tham luận

Để làm rõ tính cấp thiết của ứng dụng khoa học và công nghệ trong truy xuất nguồn gốc nông sản phục vụ xuất khẩu và phát triển nền nông nghiệp bền vững ở Việt Nam, bản tham luận của Đại diện Liên hiệp hội Bắc Giang đã chỉ ra những thành tựu, khó khăn, thách thức và giải pháp của địa phương trong việc xuất khẩu, xây dựng và bảo vệ thương hiệu cho các sản phẩm nông sản. Đồng thời Đại diện Liên hiệp hội Bắc Giang cũng đề nghị các bộ, ngành liên quan nhanh chóng, kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc đang tồn tại; đàm phán mở rộng thị trường xuất khẩu nông sản sang những thị trường mới.

Bên cạnh tham luận của đại diện các liên hiệp hội, tổ chức còn có sự góp phần của một số đại diện doanh nghiệp trong việc chia sẻ kinh nghiệm thành công và áp dụng công nghệ 4.0 trong quản lý, tiêu thụ và xuất khẩu nông sản Việt Nam.

Bảo  Linh