So với thời điểm mới phát sinh, dư nợ của nhóm công ty này đã giảm hơn 8.500 tỷ đồng. Cách đây hai năm, ACB cũng không còn ghi nhận khoản mục "Dư nợ nhóm 6 công ty" trên báo cáo tài chính.
Chia sẻ tại đại hội đồng cổ đông thường niên 2020 ACB, Tổng Giám đốc ACB Đỗ Minh Toàn cho biết: Nỗ lực của ban điều hành với việc xử lý nợ 6 công ty này rất tích cực. Ngân hàng đã trích lập dự phòng toàn bộ 806 tỷ đồng nên giờ thu hồi được bao nhiêu, lợi nhuận tăng bấy nhiêu. Tuy vậy, nếu muốn bán tài sản này phải có người mua phù hợp, mất nhiều thời gian và còn phụ thuộc sự hợp tác của các bên liên quan. Vì thế, có thể mất 2 năm để ACB thu hồi các khoản nợ này.
Đại hội đồng cổ đông thường niên 2020 ACB được tổ chức vào 16/6 tại TP.HCM với sự tham gia của 440 cổ đông, đại diện cho 1.195.659.947 cổ phần, tương ứng với 72,18% tổng số cổ phần có quyền biểu quyết. |
Năm 2019, Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB) đạt 6.010 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế. Sau khi trích lập quỹ dự trữ bổ sung vốn điều lệ, quỹ dự phòng tài chính, quỹ của các công ty con, quỹ khen thưởng phúc lợi, lợi nhuận còn lại là 5.007 tỷ đồng và 1.263 tỷ đồng lợi nhuận năm trước còn lại chưa chia, ACB sẽ chia cổ tức 30% bằng cổ phiếu (tương đương 498.821.183 cổ phiếu) cho cổ đông.
Năm 2020, ACB đặt kế hoạch tăng trưởng tín dụng 11,75% theo công văn số 932//NHNN-CSTT ngày 20/2/2020. Với mức tăng trưởng tín dụng này, ACB đặt chỉ tiêu tổng tài sản tăng 12%, tiền gửi khách hàng tăng 12%, tỷ lệ nợ xấu dưới 2%, lợi nhuận trước thuế hợp nhất tăng 1,6% và đạt 7.636 tỷ đồng.
Tổng giám đốc ACB Đỗ Minh Toàn cho biết, tính đến 31/5/2020, ACB đã đạt 3.450 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế. Đến hết tháng 6/2020, ACB có khả năng thực hiện được tối thiểu 50% kế hoạch năm 2020. Chỉ tiêu lợi nhuận của cả năm có khả năng hoàn thành với tiến độ như hiện tại.
Hạn mức tín dụng được NHNN giao 11,75% trong năm 2020 nhưng đến nay ngân hàng mới tăng 4%. Con số này thấp hơn nhiều so cùng kỳ với các năm trước như năm ngoái là 8%, năm 2018 là 10%.
Đại hội cũng thông qua mức thù lao và ngân sách hoạt động của HĐQT và BKS năm 2020 là 0,6% lợi nhuận sau thuế hợp nhất năm 2020. Trong năm 2019, ACB thực hiện theo tỷ lệ này, tương đương 36,06 tỷ đồng nhưng thực tế thực hiện chỉ đạt 90%, tương đương 32,49%.
Nhằm bổ sung nguồn vốn cấp II, bổ sung nguồn vốn kinh doanh, cho vay trung dài hạn, ACB sẽ phát hành trái phiếu quốc tế theo USD với tổng khối lượng phát hành tối đa 10% tổng huy động tiền gửi khách hàng. Các trái phiếu này có kỳ hạn trung, dài hạn, lãi suất theo thị trường tại thời điểm phát hành. Tại thời điểm cuối quý 1/2020, ACB có 312.654 tỷ đồng tiền gửi của khách hàng, như vậy ngân hàng có thể phát hành trái phiếu với tổng trị giá tối đa 1,33 tỷ USD.
Đối với nhà đầu tư đã nhiều năm gắn bó với ACB thì đại hội thông qua việc cổ phiếu chuyển sàn niêm yết từ HNX sang HOSE được mong chờ nhất. Cổ phiếu ACB đã có 14 năm niêm yết tại HNX, tuy nhiên, việc chuyển sàn niêm yết có thể đem lại một số lợi ích như: Cổ phiếu ACB nhiều khả năng sẽ được lot vào các rổ chỉ số của HOSE với tỷ trọng đáng kể như VN30 (tỷ trọng 4%), VNDIAMOND (10%), VNFINSELECT (12%), VNFINLEAD (12%)… Từ đó có thể làm tăng giá trị thị trường của cổ phiếu ACB và đem lại lợi ích cho các cổ đông. Các chỉ số này mang tính đại diện cao cho thị trường chứng khoán và thường được các quỹ đầu tư sử dụng làm tham chiếu để do lường hiệu quả đầu tư.
Nguyễn Như