Hiện nay, vốn điều lệ của ACB đạt 27.020 tỷ đồng, xếp sau các ngân hàng BIDV, VietinBank, Vietcombank, VPBank, MB và Techcombank.
ACB vừa công bố tài liệu đại hội đồng cổ đông thường niên 2022. Trong đó, ngân hàng sẽ phát hành 675.487.019 cổ phiếu để trả cổ tức năm 2021, tỷ lệ 25%, tăng vốn điều lệ lên 33.774 tỷ đồng.
Trong năm vừa qua, ngân hàng đạt 11.998 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, 9.603 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, tăng 25% so với năm trước. Lãi cơ bản trên cổ phiếu đạt 3.498 đồng, chỉ xếp sau Vietcombank, Techcombank, VIB.
Trong năm 2021, tiền gửi của khách hàng tăng 7,6%, đạt 379.921 tỷ đồng; cho vay khách hàng tăng 16,2%, đạt 361.913 tỷ đồng; tổng tài sản tăng 18,7%, đạt 527.770 tỷ đồng.
Ngân hàng Nhà nước cho biết, huy động vốn của các tổ chức tín dụng trong năm vừa qua tăng 9,24%, thấp hơn mức tăng 12,87% của năm 2020 và tăng trưởng tín dụng của nền kinh tế đạt 13,61%, cao hơn mức tăng 12,17% của năm 2020.
Kế hoạch năm 2022, Ngân hàng Nhà nước chỉ rõ: “Định hướng tín dụng tăng khoảng 14%, có điều chỉnh phù hợp với diễn biến, tình hình thực tế”. Dựa trên định hướng đó, ACB dự báo hoạt động ngành ngân hàng năm nay sẽ khó khăn hơn nhưng vẫn có những cơ hội xuất phát từ kinh tế thế giới tiếp tục đà phục hồi và kinh tế trong nước đã xuống đáy nên sẽ đi lên nhanh hơn. Nhu cầu tín dụng sẽ tăng cao, nhất là từ khoảng quý 2/2022 và đòi hỏi ngành ngân hàng một sự chuẩn bị dài hạn hơn về nguồn vốn.
Do đó, ACB đặt mục tiêu tổng tài sản tăng 11%, tiền gửi khách hàng tăng 11%, cho vay khách hàng tăng 10% và lợi nhuận trước thuế tăng 25% lên mức 15.018 tỷ đồng. Cổ tức dự kiến tiếp tục duy trì ở mức 25% nhưng có sự thay đổi với 15% bằng cổ phiếu và 10% bằng tiền mặt.