7 lý do khiến bất động sản công nghiệp trở thành thỏi nam châm thu hút giới đầu tư

(NTD) - Căng thẳng thương mại Mỹ - Trung cùng với chi phí thấp, môi trường đầu tư dễ hòa nhập, tăng trưởng GDP hàng đầu ASEAN… là một trong những yếu tố khiến bất động sản công nghiệp Việt Nam trở thành thỏi nam châm thu hút mạnh giới đầu tư trong thời gian qua.

Theo báo cáo chuyên đề Bất động sản công nghiệp những tháng đầu năm 2019 của Savills Việt Nam vừa công bố, có 7 lý do giải mã vì sao bất động sản công nghiệp Việt Nam trở thành thỏi nam châm thu hút sự quan tâm của giới đầu tư trong hơn 6 tháng qua.

Bất động sản công nghiệp Việt Nam trở thành thỏi nam châm thu hút sự quan tâm của giới đầu tư trong hơn 6 tháng qua.

Thương chiến Mỹ - Trung

Với 25% thuế quan xuất khẩu áp trên tổng giá trị xuất khẩu 250 tỷ USD của Trung Quốc và vẫn có khả năng tăng thêm 10% trên tổng giá trị xuất khẩu hàng hoá 300 tỷ USD, căng thẳng thương mại Mỹ - Trung đang có tác động tích cực đến cơ hội của bất động sản công nghiệp Việt Nam. Nhiều nhà máy chuyển dời sang những khu vực ít rủi ro nhưng nhiều cơ hội hơn và Việt Nam đang trở thành đích đến của các nhà đầu tư.

Chi phí thấp

Lương của lao động ngành sản xuất tại Việt Nam năm 2018 ghi nhận 237 USD/tháng, con số này khá khiêm tốn so với 412 USD/tháng của Thái Lan, 866 USD/tháng của Trung Quốc và 924 USD/tháng của Malaysia. Trong khi đó, chi phí xây dựng nhà xưởng tại Việt Nam trung bình năm 2018 đang thấp hơn Trung Quốc, Ấn Độ, Malaysia. Chi phí thấp trở thành một yếu tố đáng để cân nhắc cho các nhà sản xuất có ý định dịch chuyển sang một thị trường mới.

Tăng trưởng GDP nhanh nhất ASEAN

Tăng trưởng GDP, 2019 của Việt Nam duy trì nền kinh tế phát triển nhanh nhất Đông Nam Á trong 2019 đạt 6,8% cao hơn Philippines (6,2%), Indonesia (5,8%), Malaysia (4,5%), Thái Lan (3,5%), Singapore (2,4%).

Là nền kinh tế dễ hòa nhập

Theo khảo sát và thống kê của Ngân hàng Thế giới, chỉ số hoạt động kinh doanh tại Việt Nam năm 2018 đứng thứ 69 trong 190 nền kinh tế dễ hoạt động kinh doanh.

Chỉ số thu mua lý tưởng

Chỉ số PMI (chỉ số quản lý thu mua) của Việt Nam trong tháng 6/2019 tăng lên 52,5, cao nhất trong quý 1/2019 và đạt trên mức 50 điểm. Theo Focus-Economics, chỉ số của quý 2/2019 cao hơn quý 1/2019, cho thấy phân khúc sản xuất tăng trưởng mạnh mẽ mặc dù căng thẳng thương mại Mỹ - Trung gia tăng. Đà tăng trưởng này dựa trên lượng đặt hàng mới, khôi phục tỷ lệ lao động, sản phẩm mới và gia tăng lượng khách hàng.

Cú hích từ các hiệp định thương mại

Các hiệp định thương mại tự do mới đã mang lại ảnh hưởng tích cực đến công nghiệp Việt Nam. Hiệp định cải cách toàn diện cho hiệp định đối tác kinh tế xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) chính thức thiết lập vào tháng 1/2019, trong khi Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA) đã được ký kết vào tháng 6/2019. Hiệp định này sẽ xoá bỏ 99% thuế hải quan và tăng thu hút vào lĩnh vực bất động sản công nghiệp.

Hiệp định đối tác kinh tế toàn diện (RCEP) được kỳ vọng sẽ hoàn tất cuối năm nay. Hiệp định thiết lập nhằm mục đích thắt chặt hợp tác kinh tế giữa các nước thành viên khối ASEAN và 6 quốc gia trong khu vực Châu Á - Thái Bình Dương đang ký kết hiệp định thương mại tự do.

Sản xuất công nghiệp tăng trưởng ấn tượng

Tăng trưởng sản xuất công nghiệp của Việt Nam trong quý 1/2019 tăng 9,1% theo năm. Theo Tổng cục thống kê (GSO), các sản phẩm công nghiệp chính bao gồm khai thác sắt và thép thô (60%), dầu mỏ (58%), sơn (15%), thức ăn thuỷ sản (14%) và điện tử viễn thông (14%).

Trong khi đó, tăng trưởng sản xuất công nghiệp tại Việt Nam tính đến tháng 7/2019 đạt 9,6%, cao hơn Indonesia (2,6%), Malaysia (3,9%), Trung Quốc (6,3%) và Thái Lan (đang giảm 5,5%).

Chi Lê

Nên đọc