6 nội dung trọng tâm đẩy lùi hàng lậu, hàng giả

(NTD) - Bộ Công thương vừa có báo cáo gửi Quốc hội và xác định 6 nội dung trọng tâm cần thực hiện nhằm xử lý có hiệu quả hơn tình trạng buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, hàng kém chất lượng, vi phạm an toàn thực phẩm trong thời gian tới.

Ảnh minh họa

Theo Bộ Công thương, tình hình buôn lậu, hàng cấm, hàng giả, gian lận thương mại và vi phạm an toàn thực phẩm vẫn tiếp tục diễn biến phức tạp, đặc biệt đối với lĩnh vực nông sản và an toàn thực phẩm. Trong thời gian tới, các lực lượng chức năng sẽ tăng cường việc kiểm tra, kiểm soát, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm, trong đó xác định 6 nội dung trọng tâm.

Thứ nhất, thực hiện khẩn trương, nghiêm túc, triệt để các chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo 389 quốc gia về công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, hàng kém chất lượng, vi phạm an toàn thực phẩm.

Thứ hai, chủ động phối hợp xây dựng, triển khai đồng bộ các phương án, chuyên đề, kế hoạch tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường, đặc biệt là Bộ đội Biên phòng, Hải quan tăng cường kiểm tra, kiểm soát, ngăn chặn hàng lậu, hàng giả, hàng kém chất lượng, gian lận thương mại, vi phạm an toàn thực phẩm ngay từ tuyến biên giới đường bộ và đường biển; kiên quyết xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân vi phạm…

Thứ ba, rà soát, nghiên cứu sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật, cơ chế chính sách liên quan đến công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả và an toàn vệ sinh thực phẩm, bảo đảm tính khả thi và theo sát với tình hình thực tế; tạo thuận lợi cho các lực lượng chức năng trong thực thi nhiệm vụ.

Thứ tư, tăng cường kỷ cương, kỷ luật công vụ, phòng chống các biểu hiện tiêu cực, tham nhũng của công chức thực thi; khen thưởng, động viên, nêu gương kịp thời đối với tập thể, cá nhân có thành tích, kiên quyết xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm, bao che, tiếp tay cho buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả.

Thứ năm, đề cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu; xem xét, xử lý trách nhiệm người đứng đầu, lãnh đạo, cơ quan chức năng và công chức trực tiếp quản lý địa bàn nếu để xảy ra buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, vi phạm an toàn vệ sinh thực phẩm phức tạp, nghiêm trọng kéo dài, gây bức xúc trong nhân dân mà không có giải pháp khắc phục kiên quyết, hiệu quả.

Thứ sáu, đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền, giáo dục chính sách pháp luật cho mọi đối tượng, biến nhận thức về chống buôn lậu, hàng giả và gian lận thương mại thành ý thức tự giác thường trực và hành động cụ thể của mỗi cấp, mỗi ngành, mỗi doanh nghiệp, mỗi người dân; đồng thời, công khai kết quả xử lý vi phạm trên phương tiện thông tin đại chúng cho người dân biết.

Theo báo cáo của Bộ Công thương vừa gửi Quốc hội, từ năm 2016 đến nay, lực lượng Quản lý thị trường cả nước đã kiểm tra trên 580.000 vụ; phát hiện, xử lý trên 352.500 vụ vi phạm; thu nộp ngân sách nhà nước gần 1.900 tỷ đồng (chưa tính giá trị hàng tịch thu chờ bán).

Lý Trường

Nên đọc