Đây là chặng dừng chân thứ hai trong chuyến công du nước ngoài đầu tiên của ông Trump trên cương vị tổng thống. Trong chuyến thăm 2 ngày tới Israel và khu vực Bờ Tây, ông Trump lần lượt hội đàm với Tổng thống nước chủ nhà Reuven Rivlin và Thủ tướng Benjamin Netanyahu.
Trong ngày 23/5, ông sẽ có cuộc gặp với Tổng thống Palestine Mahmoud Abbas ở Bethlehem. Các cuộc thảo luận tập trung vào những nỗ lực nhằm nối lại các cuộc hòa đàm giữa Israel và Palestine vốn đã đình trệ từ tháng 4/2014. Cùng ngày 23/5, ông có bài phát biểu tại Bảo tàng Israel ở Jerusalem, kết thúc chuyến thăm khu vực này trước khi tới châu Âu.
Tổng thống Donald Trump và Đệ nhất Phu nhân Melania lên Không lực Một ở Saudi Arabia để tới Israel (Ảnh: AP) |
Trước đó, Israel thông báo đã thông qua các biện pháp kinh tế bao gồm xây dựng hai khu công nghiệp ở Jalameh ở khu vực Bắc Bờ Tây và ở Tarqumiyeh - miền Nam Bờ Tây, đồng thời sẽ mở cửa cây cầu Allenby nối khu Bờ Tây với Jordan trong 24/24 giờ. Israel cũng sẽ nới lỏng hạn chế đối với hoạt động xây dựng của người Palestine ở các khu vực mà Israel kiểm soát giáp các khu vực thành thị của Palestine.
Phát biểu trước thềm chuyến thăm của Tổng thống Mỹ, Thủ tướng Israel Netanyahu vẫn tuyên bố rằng “Jerusalem sẽ luôn là thủ đô của Israel”. Được biết, Israel đã chiếm Đông Jerusalem trong cuộc chiến tranh năm 1967 và sau đó sáp nhập vùng đất này, một động thái không được quốc tế công nhận. Trong khi đó, người Palestine coi Đông Jerusalem là thủ đô của Nhà nước Palestine tương lai.
Các tín đồ cầu nguyện dưới chân Bức tường phía Tây ở thành cổ Jerusalem (Ảnh: Getty)
Theo các phân tích gia, ông Trump trong thời gian tranh cử đã bộc lộ chính sách ủng hộ Israel và việc ông đắc cử cũng được nước đồng minh Trung Đông này hoan nghênh. Việc ông bổ nhiệm ba nhân vật là người Do thái chính thống vào nội các của mình - Đại sứ Mỹ tại Israel David Friedman, con rể Jared Kushner làm trợ lý cấp cao Nhà Trắng và cố vấn Jason Greenblatt về quan hệ Israel – cũng nhằm củng cố sự ưu ái đối với Israel.
“Chúng tôi không có người bạn nào tuyệt vời hơn ông Donald Trump”, Thủ tướng Netanyahu chia sẻ với phóng viên sau cuộc gặp với ông Trump tại Nhà Trắng hồi tháng 2. Tuy nhiên hiện tại, sau một số khúc mắc giữa hai bên như việc đặt trụ sở Đại sứ quán Mỹ hay tranh cãi ngoại giao về Bức tường phía Tây, có lẽ cũng bị biến động đôi chút.
Sau Saudi Arabia, nước tiếp theo ông Trump đến là đồng minh thân cận Israel (Ảnh: Reuters) |
Về 5 điểm nan giải giữa hai bên, giới phân tích tuần tự đưa ra như sau:
-Lộ tin tình báo: Tuần trước, ba quan chức chính phủ Mỹ đã “tố” với kênh NBC News rằng thông tin tình báo tuyệt mật của Israel đã được ông Trump hé lộ với Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov trong buổi họp kín tại Nhà Trắng ngày 10/5. Song chính quyền Mỹ đã bác bỏ cáo buộc này.
- Bức tường phía Tây: Tọa lạc tại thành cổ Jerusalem, hay còn gọi là Bức tường Than khóc, là địa điểm cầu nguyện linh thiêng nhất của người Do Thái. Nhà Trắng thông báo ông Trump sẽ là Tổng thống Mỹ tại nhiệm đầu tiên tới thăm khu di tích lịch sử này.
-Chuyển Đại sứ quán: Một vấn đề khác thêm phần căng thẳng vào mối quan hệ Mỹ - Israel chính là việc Washington băn khoăn chưa biết đặt trụ sở Đại sứ quán tại đâu, Jerusalem hay Tel Aviv. Tháng 9/2016, ứng cử viên đảng Cộng hòa Trump trong chiến dịch vận động tranh cử đã cam kết với chính quyền Netanyahu rằng: “Nước Mỹ, dưới chính quyền Trump, cuối cùng sẽ đảm nhận nhiệm vụ của Quốc hội đã tồn tại lâu nay để công nhận Jerusalem là một thủ đô không chia cắt được của nhà nước Israel”. Liên quan đến sự đảm bảo của ông Trump là lời hứa chuyển Đại sứ quán Mỹ từ Tel Aviv đến Jerusalem.
Trụ sở Đại sứ quán Mỹ tại Tel Aviv (Ảnh: Reuters) |
-"Thỏa thuận sau cùng”: Bất chấp tất cả những căng thẳng hiện nay, nhà lãnh đạo Mỹ tin rằng ông có thể dàn xếp “thỏa thuận cuối cùng” giữa Israel và Pallestine.
-Xây dựng một liên minh mới: Một cơ hội mới để lập ra một liên minh giữa Mỹ, Israel và các nhà lãnh đạo Arab dòng Sunni đã trở nên mạnh mẽ hơn khi các bên cùng chung quan điểm nhìn nhận Iran là một mối đe dọa với an ninh quốc gia. Các quan chức cấp cao Saudi Arabia đã bày tỏ sự lạc quan về sự thành công từ cách tiếp cận độc đáo của ông Trump và chỉ ra Sáng kiến Hòa bình Arab năm 2002 chính là sự khởi đầu của giải pháp.
Ngày 21/5, Thủ tướng Netanyahu phát biểu trước nội các: “Ngài Tổng thống, chúng tôi đang chờ chuyến thăm của ngài. Người dân Israel sẽ chào đón ông với vòng tay rộng mở”.
Và Tổng thống Trump đã đến. Một bầu không khí lạc quan về hòa bình Israel – Palestine đang dần hé lộ?
Lê Miên Tường (Theo CNN, Reuters, 5/2017)