Số tiền cụ thể được các ngân hàng cam kết như sau VietinBank là 3.300 tỉ đồng, BIDV là 1.500 tỉ đồng, Agribank là 1.000 tỉ đồng và VPBank là 886 tỉ đồng. Hợp đồng tín dụng được ký kết này được thay thế bằng hợp đồng tín dụng đã ký giữa Công ty cổ phần Trung Lương - Mỹ Thuận chủ đầu tư dự án và bốn ngân hàng từ năm 2018 để phù hợp với tình hình thực tế.
Được cấp vốn, cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận dự kiến về đích cuối năm 2020. |
Đại diện Công ty BOT Trung Lương - Mỹ Thuận cho biết, vốn vay từ ngân hàng là nút thắt cuối cùng và quan trọng nhất của công trình trọng điểm này. Trước đó, dự án bị "tắc" do các ngân hàng phải soát xét lại các điều kiện giải ngân và khả năng đáp ứng của doanh nghiệp so với yêu cầu của ngân hàng.
Cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận khởi công năm 2009, dài hơn 51 km, đi qua 5 huyện của tỉnh Tiền Giang. Đây là dự án trọng điểm giảm tải cho quốc lộ 1A. Cao tốc là một trong những tuyến đường huyết mạch, kết nối vùng Tây Nam Bộ với TP.HCM và khu vực kinh tế trọng điểm phía Nam.
Dự án có tổng đầu tư 12.668 tỷ đồng, trong đó, nguồn vốn ngân sách ngân sách hỗ trợ trực tiếp 2.186 tỷ đồng, vốn chủ sở hữu cam kết 3.400 tỷ đồng, vốn vay tín dụng 6.686 tỷ đồng. Sau 10 năm liên tục đình trệ, từ đầu năm 2019, dự án được giao cho nhà đầu tư mới và được điều chỉnh tổng mức đầu tư.
Vũ Sơn