Thịt bò là một nguồn cung cấp protein và các chất dinh dưỡng quan trọng. Tuy nhiên, chất lượng của thịt bò chỉ đạt chuẩn khi nguồn cung từ động vật được chăn nuôi một cách an toàn.
Gần đây, mạng xã hội truyền thông đưa ra thông tin về một loại thịt bò có tên là "bò Sal". Theo một số chia sẻ, "bò Sal" được mô tả là loại bò tươi 100%, được đặt hàng từ Thái Lan, Lào bởi các nhà buôn Việt Nam. Có thông tin cho rằng loại bò này được nuôi bằng Salbutamol, một trong ba chất tạo nạc bị cấm trong chăn nuôi.
Mặc dù thông tin này chưa được xác nhận nhưng câu chuyện về bò chứa chất tạo nạc Salbutamol không phải là mới và đã lâu trở thành vấn đề gây lo ngại.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã từng phát đi công văn yêu cầu các địa phương kiểm soát chặt chẽ việc sử dụng chất cấm trong chăn nuôi và quá trình giết mổ gia súc. Dư lượng chất Salbutamol trong gia súc có thể gây hậu quả nghiêm trọng đối với sức khỏe của người tiêu dùng.
Có nhiều bài báo đã đưa ra thông tin về việc cho bò ăn thức ăn chứa Salbutamol với hàm lượng vượt quá hàng trăm lần. Chất này được cho là có khả năng tăng trọng lượng của bò lên đến 100kg trong một tháng, nhưng cũng mang theo nguy cơ tiềm ẩn đối với sức khỏe con người.
Đầu năm 2023, cơ quan chức năng tại tỉnh Đồng Nai phát hiện 130 con lợn dương tính với chất cấm Salbutamol.
Vào cuối năm 2022, dư luận đã nhận được thông tin đầy lo lắng về việc nhập lậu trâu, bò từ nước ngoài vào Việt Nam.
Trước đó, vào năm 2015, cơ quan chức năng đã làm rõ 13 vụ việc sử dụng chất cấm Salbutamol trong ngành chăn nuôi.
Những năm trở lại đây, loại hình cửa hàng buffet thịt bò, lợn giá rẻ trở nên "nở rộ" và cũng thường xuyên bị đặt nghi vấn liệu có hay không việc sử dụng thịt kém chất lượng, gây tác hại xấu đến sức khỏe của người dùng.
Các sự kiện này lại một lần nữa gióng lên hồi chuông cảnh báo về tình trạng sử dụng chất cấm trong chăn nuôi. Nguy cơ lớn nhất là thịt bò và thịt lợn có chứa Salbutamol mà khó có thể nhận diện được.
Chất tạo nạc Salbutamol nguy hiểm như thế nào?
Từ lâu, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp của Liên hợp quốc đã xếp Salbutamol vào danh sách các chất cấm sử dụng trong chăn nuôi.
Mặc dù bị cấm sử dụng, nhưng nhiều nông dân và thương lái vẫn tùy tiện sử dụng Salbutamol trong việc chăn nuôi bò, lợn, với mục đích tăng tỷ lệ thịt nạc và giảm mỡ. Điều này không chỉ làm cho thịt có màu sắc đẹp mắt hơn mà còn làm tăng giá trị thương mại của sản phẩm.
Thường thì gia súc chỉ được sử dụng chất này trong không quá 15 ngày trước khi xuất chuồng vì Salbutamol có thể làm cho xương trở nên giòn, gây ra tình trạng gãy chân và xuất hiện vết lở nước.
Đáng lưu ý, Salbutamol vẫn có thể tồn dư trong thịt ngay cả sau quá trình chế biến, không bị phân hủy bởi nhiệt độ và mang theo nhiều nguy cơ đối với người tiêu dùng.
GS.TS Nguyễn Duy Thịnh từ Viện Công nghệ Sinh học - Công nghệ Thực phẩm, Đại học Bách khoa Hà Nội, khi nói về việc chăn nuôi động vật bằng thức ăn trộn Salbutamol, cho biết rằng Salbutamol là chất cấm trong chăn nuôi. Nếu con người tiêu thụ chất này, có thể gây nhiều vấn đề sức khỏe như chóng mặt, run tay chân, buồn nôn, tăng hoặc giảm huyết áp, có thể dẫn đến ngộ độc, tăng nguy cơ mắc bệnh ung thư, đau tim, và thậm chí có thể dẫn đến tử vong nếu tiếp tục tiêu thụ lâu dài.
3 dấu hiệu thịt bò, thịt lợn có chứa chất tạo nạc Salbutamol
Dù nhìn bằng mắt thường rất khó để nhận biết đâu là thịt chứa chất tạo nạc, đâu là thịt sạch... Song, PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh vẫn cảnh báo một số dấu hiệu thịt không đảm bảo:
Thịt không có độ đàn hồi
Các loại thịt lợn, bò tươi thường có độ đàn hồi cao. Nếu thịt khi ấn tay vào để lộ rõ vết lõm dính, độ đàn hồi kém thì có nghĩ đây là thịt để lâu hoặc sử dụng chất tạo nạc.
Thịt đỏ bất thường
Thịt sạch thường có lớp mỡ sáng bóng, màu đỏ tươi hoặc đỏ sẫm. Ngược lại, thịt được chăn nuôi bằng hóa chất tạo nạc thường có màu đỏ rực, bóng hơn so với trạng thái bình thường. Thậm chí, khi chế biến, phần mỡ và phần nạc có thể bị tách rời rõ ràng. Đặc biệt, sau khi nấu chín, không còn có vị thơm đặc trưng của thịt như thông thường.
Thịt có mùi lạ
Nếu ra chợ thấy thịt bò, thịt lợn có mùi lạ, ôi thiu hay có mùi thuốc kháng sinh thì tốt nhất không nên mua.