Cụ thể, Dự án bao gồm một số hạng mục chính, như 6 cầu vượt tại các nút giao lớn trên đường Mỹ Phước - Tân Vạn (là tuyến đường chính nối Bình Dương - TPHCM). Đồng thời, dự án sẽ triển khai tuyến buýt nhanh (BRT) kết nối giữa thành phố mới Bình Dương và bến xe Suối Tiên (bến xe Miền Đông mới), dài hơn 30km. Dự án do Ban Quản lý Dự án Đầu tư Xây dựng tỉnh làm chủ đầu tư. Dự kiến, dự án sẽ được triển khai trong giai đoạn 2019-2025.
Nâng cấp hạ tầng giao thông ở Bình Dương để kết nối tốt hơn với TP.HCM. |
Dự án không có yếu tố giải tỏa đền bù mặt bằng mà sẽ xây dựng ngay trên nền mặt đường tuyến Mỹ Phước - Tân Vạn. Do đó, đây là điều kiện thuận lợi để khi triển khai thực hiện dự án sẽ được đẩy nhanh tiến độ theo kế hoạch đề ra.
Theo Sở Giao thông Vận tải tỉnh Bình Dương, dự án này sau khi hoàn thành sẽ góp phần tăng năng lực thông hành của đường Mỹ Phước - Tân Vạn nói riêng cũng như các tuyến giao thông huyết mạch của tỉnh nói chung. Đồng thời, dự án hoàn thành sẽ khắc phục tình trạng ùn tắc giao thông trên tuyến đường Mỹ Phước - Tân Vạn, thu hút người dân sử dụng giao thông công cộng; tăng cường giao thông kết nối, giao thông đối ngoại của tỉnh với TP.HCM, các tỉnh trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam; tạo điều kiện thuận lợi thúc đẩy phát triển công nghiệp - đô thị - dịch vụ cũng như nhu cầu đi lại, đời sống của người dân.
Dự án cải tạo hạ tầng giao thông công cộng tỉnh Bình Dương thuộc dự án nhóm A có tổng vốn đầu tư 2.077,6 tỷ đồng, trong đó dự kiến nguồn vốn vay hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) Nhật Bản là 1.353,2 tỷ đồng, nguồn vốn đối ứng UBND tỉnh Bình Dương tự thu xếp là 724,4 tỷ đồng.
Hiện dự án đang được tỉnh Bình Dương nghiên cứu để triển khai.
Vũ Sơn