10.000 căn hộ tái định cư bỏ trống ở TP HCM sẽ làm gì?

(CL&CS) - Ngoài việc để trống và rất lãng phí như vậy thì hàng năm, ngân sách TP HCM phải chi hàng chục tỷ đồng - như năm 2020 này phải bỏ ra hơn 70 tỷ đồng để bảo trì, quản lý khối bất động sản rất lớn này.

Theo Sở Xây dựng TP HCM, hiện Trung tâm Quản lý nhà và Giám định xây dựng, trực thuộc sở, đang được giao quản lý 9.434 căn hộ và hơn 2.500 nền đất tái định cư bỏ trống! Thông tin này không bất ngờ nhưng vẫn gây ngạc nhiên cho dư luận vì đã qua nhiều năm mà khối BĐS có giá trị hàng chục ngàn tỷ đồng này vẫn “bất động”!

Sở Xây dựng TP HCM cho biết, các dự án thuộc khu đô thị mới Thủ Thiêm hiện còn hơn 5.300 căn hộ tái định cư để trống thuộc các lô từ R1 đến R7 trong khu tái định cư 38,4ha Bình Khánh, gần 1.000 căn hộ tại dự án tái định cư Vĩnh Lộc (Bình Chánh), một chung cư ở quận 12 còn 320 căn, 220 căn hộ tại chung cư Tân Mỹ (Q.7), 470 căn hộ tái định cư tại Q. Bình Thạnh (chưa bàn giao thực tế)…

Ngoài việc để trống và rất lãng phí như vậy thì hàng năm, ngân sách TP HCM phải chi hàng chục tỷ - như năm 2020 này phải bỏ ra hơn 70 tỷ đồng để bảo trì, quản lý khối BĐS rất lớn này. Đây cũng là vấn đề được bàn đi tính lại và lãnh đạo TP HCM đã nhiều lần nỗ lực tìm cách giải quyết nhưng đến nay vẫn chưa có tín hiệu tích cực hay cách xử lý dứt điểm.

Ông Huỳnh Thanh Khiết, Phó giám đốc Sở Xây dựng thông tin, số lượng căn hộ tại khu đô thị mới Thủ Thiêm đã được bán đấu giá 2 lần nhưng chưa có người mua thành công. Ông Khiết cho hay "Có lẽ do số lượng căn hộ quá lớn. Vì vậy, UBND TP có chủ trương sẽ chia nhỏ số lượng căn hộ trong lần bán đấu giá sắp tới".

Theo thông tin chúng tôi hiện có, TP HCM ra giá khởi điểm 3.790 căn hộ ở Khu tái định cư Bình Khánh lên tới 8.800 tỷ đồng rồi 9.900 tỷ đồng! Một mức giá quá cao so với nhu cầu thị trường, chất lượng xây dựng và khả năng của doanh nghiệp, người mua cùng với số lượng hàng ngàn căn nên đã thất bại trong cả hai lần đấu giá.

Bà Phan Thị Thắng, Phó chủ tịch HĐND TP nói: "Tôi nhớ không nhầm thì có những căn hộ tái định cư để trống đến 20 năm chưa được bố trí. Bên cạnh đó, có những căn hộ tái định cư vị trí khá đẹp như ở Bình Thạnh vẫn bị trống nhiều năm chưa bố trí được".

Đây là sự lãng phí khá lớn trong khi hàng triệu người dân TP HCM vẫn có nhu cầu nhà ở bức thiết. Tuy nhiên do cách xây, bố trí tái định cư cũng nhu không phù hợp với nhiều người dân có nhu cầu tái định cư nên bỏ trống 5-7 năm qua.

Sắp tới, TP HCM dự định xin Chính phủ cho chuyển phần lớn sang nhà ở thương mại để có cơ chế dễ bán hơn. Bên cạnh đó sẽ có nhiều hình thức bán theo gói nhỏ, bán lẻ hoặc điều chỉnh giá bán, cho trả chậm, trả góp để phù hợp với nhu cầu, khả năng của thị trường, người mua nhà nhằm đẩy nhanh tiến độ xử lý, bán khối BĐS khổng lồ này để thu tiền về cho ngân sách, tránh lãng phí.

Ngoài việc giải quyết gần 10.000 căn hộ đang bỏ trống trên thì TP HCM cũng cần phải tính lại phương án tái định cư cho người dân. Hiện nay nhà ở thương mại trên thị trường cũng rất đa dạng, nhà tái định cư bán cho dân cũng nên tìm phương thức phù hợp bán theo giá thị trường. Nếu cần thiết, có thể thương lượng với các chủ đầu tư nhà thương mại để bán tái định cư cho người dân với những chính sách hài hòa.

Thực tế cứ giữ nhà tái định cư trong khi không biết khi nào bố trí được, nhu cầu của người dân ra sao ngày càng bộc lộ nhiều khiếm khuyết và chỉ tính theo giá khởi điểm mà TP HCM đưa ra thì hàng chục ngàn tỷ đồng trị giá khối BĐS trên đang bị lãng phí khá lớn, có nhiều khu nhà bỏ không, cỏ mọc, hoen gỉ và xuống cấp rất nhanh.

Đã đến lúc TP HCM cần rà soát, xem xét và tính toán lại việc bố trí, xây và giải quyết nhà tái định cư để đảm bảo cả lợi ích của người dân lẫn tài sản, nguồn lực của Nhà nước.

Phan Nguyễn

Nên đọc