Dữ liệu cũ
Thứ bảy, 30/05/2020, 06:12 AM

Việt Nam và cơ hội chuyển mình thành “điểm đến vàng” cho các nhà đầu tư

(CL&CS) - Trải qua nửa đầu năm 2020 với nhiều khó khăn do dịch bệnh Covid-19, nhưng vượt qua những thách thức này, Việt Nam vẫn đang có nhiều “cơ hội vàng” để đón những làn sóng đầu tư mới.

Những thuận lợi để Việt Nam trở thành “điểm đến vàng” thu hút các làn sóng đầu tư

Ngày 17/12/2019, Báo cáo của Ngân hàng thế giới đã đưa ra nhận định: “Mây đen tiếp tục kéo về nền kinh tế toàn cầu với tăng trưởng kinh tế và lưu lượng thương mại thấp hơn dự kiến cho năm 2019. Tuy nhiên mặt trời vẫn đang tỏa nắng ở nền kinh tế Việt Nam” – Việt Nam được IMF đánh giá có triển vọng tăng trưởng khả quan nhất khu vực ASEAN 5 trong giai đoạn khó khăn vì dịch bệnh như hiện tại.

Theo thống kê của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Việt Nam hiện có 335 khu công nghiệp đã được thành lập, trong số đó có 260 khu công nghiệp đã đi vào hoạt động và 75 khu công nghiệp đang xây dựng, 46 khu công nghiệp đã đạt tỷ lệ lấp đầy và đang mở rộng.

fdi
Hình minh họa.

 Ông Phan Hữu Thắng - nguyên Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) đưa ra khẳng định, uy tín của Việt Nam cũng tăng mạnh sau sự kiện kiểm soát được dịch bệnh Covid-19. Sự kiện này đã đưa Việt Nam trở thành “điểm đến an toàn”. Trong mắt các nhà đầu tư “sự an toàn” xuất phát từ việc không chỉ  người dân Việt Nam mà còn cả người nước ngoài đều được hưởng dịch vụ chữa bệnh tốt nhất trong điều kiện có thể.

Ngoài ra, ông Thắng cũng nhận định, các nhà đầu tư cũng nhìn thấy cơ hội vàng tại Việt Nam nhờ có sự phát triển kinh tế liên tục những năm vừa qua. Thêm đó, nhà đầu tư cũng nhìn thấy sự quyết liệt, đúng đắn trong sự chỉ đạo của Chính phủ trong công tác phòng chống dịch và khởi động lại nền kinh tế.

Cùng với đó, Việt Nam đang có rất nhiều thuận lợi khác để nhận được làn sóng thu hút đầu tư FDI:

Việt Nam là nước đầu tiên trong khối Châu Á ký được hiệp định thương mại tự do kiểu mới và hiệp định bảo hộ đầu tư với EU. Vì thế, đây không chỉ là cơ hội vàng với các nhà đầu tư trong nước mà còn là cơ hội vàng với các nước khu vực và Châu Á. Bởi bất cứ nhà đầu tư nào cũng muốn tận dụng những lợi thế “xuất xứ hàng hóa” Việt Nam.

Nghị định 82/2018/NĐ-CP quy định về Quản lý KCN và KTT cho phép hình thành khu công nghiệp – đô thị - dịch vụ, quy mô tối đa không vượt quá 1/3 diện tích khu công nghiệp.

Môi trường chính trị ổn định và các sự kiện chính trị trong năm 2019-2020 đã đưa vị thế, uy tín của Việt Nam ngày càng được nâng cao trên trường quốc tế.

Vị trí địa lý thuận lợi cũng giúp Việt Nam có nhiều lợi thế về logistics vận chuyển hàng hóa. Nguồn nhân công của Việt Nam đang trong độ tuổi vàng (trẻ), trong tổng hơn 96,3 triệu dân. Đây cũng là hai yếu tố rất thuận lợi để Việt Nam chuyển mình trở thành “điểm đến vàng” trong mắt các nhà đầu tư.

Những thay đổi trong chiến lược và định hướng chiến lược nhằm thu hút FDI thế hệ mới

Với những điều kiện thuận lợi Việt Nam đang có cùng bối cảnh nền kinh tế thế giới có không ít thay đổi do dịch bệnh Covid-19. Cùng với đó, làn sóng rời bỏ Trung Quốc của nhiều ông lớn cũng giúp Việt Nam có thêm cơ hội đón nhận các nguồn đầu tư FDI lớn. Bởi vậy, dự thảo về chiến lược và định hướng chiến lược nhằm thu hút FDI thế hệ mới 2018-2030 cũng chỉ ra, Việt Nam cần có nhiều thay đổi.

Theo đó, xúc tiến thu hút FDI cần thay đổi theo quy hoạch chung của các ngành, tập trung vào các lĩnh vực công nghệ cao, thân thiện với môi trường và tiêu thụ ít năng lượng tái tạo.

Phát triển FDI một cách bền vững với trọng tâm và chất lượng và hiệu quả phát triển kinh tế xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh, tăng cường liên kết với các doanh nghiệp trong nước.

Thay vì việc thu hút đầu tư ồ ạt, việc lựa chọn dòng vốn FDI phù hợp, chất lượng cũng chính là một thách thức không nhỏ. Dường như cũng đón đầu xu hướng này, nhiều chính sách của Việt Nam cũng đã thay đổi.

Theo Báo Đấu Thầu, trong cuộc họp thường trực Chính phủ diễn ra mới đây, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã đồng ý thành lập Tổ công tác đặc biệt “Hành động để thu hút FDI chất lượng cao” nhằm giúp các địa phương chủ động hơn trong việc thu hút vốn đầu tư từ nước ngoài.

TS.Trần Đình Thiên, thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng cho biết, FDI toàn cầu đang có sự dịch chuyển mạnh. Bởi thế, Việt Nam đứng trước những cơ hội và cả những thách thức rất lớn. Trong đó, thách thức chính là khả năng hấp thụ dòng vốn FDI chất lượng cao, trong khi dòng vốn FDI chất lượng thấp luôn sẵn sàng đổ vào Việt Nam với quy mô lớn. Theo đó, tổ tư vấn sẽ có nhiệm vụ để điều tiết, đưa ra những tiêu chí để lựa chọn các dự án FDI phù hợp.

Ngoài thay đổi về chính sách, Việt Nam cũng cần phải thay đổi thêm về cơ sở hạ tầng, đào tạo nguồn nhân lực mới có thể đáp ứng được các yêu cầu của những dự án FDI chất lượng cao – công nghệ cao.

Trật tự kinh tế thế giới đang có nhiều thay đổi, các làn sóng đầu tư FDI mới có nhiều biến động. Thay đổi chính sách thu hút FDI phù hợp sẽ giúp Việt Nam có những bước nhảy vọt về kinh tế trong giai đoạn mới.

 PV

Bình luận

Nổi bật

Những phi cơ già cỗi nhất thế giới, bay trên bầu trời nửa thế kỷ vẫn còn hoạt động

Những phi cơ già cỗi nhất thế giới, bay trên bầu trời nửa thế kỷ vẫn còn hoạt động

sự kiện🞄Thứ ba, 20/02/2024, 10:09

Trên thế giới còn rất nhiều những chiếc phi cơ 'lão thành' ngót nghét 50 tuổi vẫn đang bay trên bầu trời.

Người phụ nữ mắc ung thư gan giai đoạn cuối vì 1 loại thực phẩm quen thuộc, chuyên gia cảnh báo thói quen này nhiều người mắc phải

Người phụ nữ mắc ung thư gan giai đoạn cuối vì 1 loại thực phẩm quen thuộc, chuyên gia cảnh báo thói quen này nhiều người mắc phải

sự kiện🞄Thứ bảy, 14/10/2023, 05:57

Loại thực phẩm nhiều người xem như vô hại này lại là nguyên nhân dẫn đến bệnh tật, thậm chí nguy hiểm tới tính mạng, chúng thường được gọi là "sát thủ thầm lặng" tàn phá sức khoẻ con người.

Cảng Chu Lai đón tàu lớn và nâng cao hiệu suất khai thác hàng rời

Cảng Chu Lai đón tàu lớn và nâng cao hiệu suất khai thác hàng rời

sự kiện🞄Thứ năm, 29/06/2023, 15:00

(CL&CS) - Cảng Chu Lai thuộc Công ty Giao nhận - vận chuyển quốc tế Trường Hải (THILOGI) đang dần khẳng định năng lực tiếp nhận tàu lớn, khai thác đa dạng hàng hóa, đáp ứng nhu cầu xuất nhập khẩu của các doanh nghiệp, góp phần thúc đẩy giao thương tại khu vực miền Trung, Tây Nguyên.