Giải pháp nào để ngành thủy sản phục hồi sau dịch Covid-19?

(CL&CS) - Dính “combo” dịch Covid-19 đi kèm biến đổi khí hậu, ngành thủy sản trong nước đã có một quý đầu năm ảm đạm cả về sản xuất lẫn xuất khẩu. Vì vậy, các giải pháp khôi phục thị trường, khôi phục sản xuất đang được các bộ, ngành tích cực triển khai nhằm lấy lại vị thế của ngành thủy sản Việt trên trường quốc tế...

Tính đến hết tháng 4/2020, tình hình phát triển vùng nguyên liệu tôm, cá tra ở khu vực ĐBSCL bị thu hẹp đáng kể do hạn mặn, nắng nóng... Thêm vào đó, thị trường xuất khẩu các mặt hàng này cũng sụt giảm mạnh do dịch Covid-19.

2

Dính “combo” dịch Covid-19 đi kèm biến đổi khí hậu, ngành thủy sản trong nước đã có một quý đầu năm ảm đạm cả về sản xuất lẫn xuất khẩu.

Tôm, cá tra Việt... khốn đốn

Với ngành hàng cá tra, tính hết tháng 4, diện tích nuôi mới cá tra cả nước là 777ha, giảm 5,7% so với cùng kỳ năm 2019; diện tích thu hoạch là 602ha, giảm 20,8% so với cùng kỳ 2019; sản lượng đạt gần 180.000 tấn, giảm 23,6% so với cùng kỳ năm 2019. Nguyên nhân khiến sản lượng cá tra sụt giảm mạnh so với cùng kỳ, được lý giải là do tình hình hạn mặn kéo dài những tháng đầu năm khiến sản lượng nuôi trồng sụt giảm, thêm vào đó là giá cá tra nguyên liệu chỉ dao động ở mức 18.500-19.000 đồng/kg (thấp hơn nhiều so với chi phí giá thành) nhưng doanh nghiệp chỉ ưu tiên thu mua cá trong chuỗi liên kết hoặc cá của các doanh nghiệp, khiến người nông dân nuôi cá tra gặp nhiều khó khăn, dẫn đến tình trạng... “treo ao”.

Trong khi đó, ở lĩnh vực xuất khẩu, các thị trường lớn và trọng điểm của con cá tra Việt Nam đều sụt giảm mạnh, chẳng hạn kim ngạch xuất khẩu sang Trung Quốc giảm 48%, sang EU giảm 47,3%, sang Mỹ giảm 19,8%... Tất cả những thị trường này sụt giảm khiến kim ngạch xuất khẩu cá tra của Việt Nam trong 3 tháng đầu năm chỉ đạt 334 triệu USD, giảm 29,3% so với cùng kỳ năm 2019.

Ông Dương Nghĩa Quốc, Chủ tịch Hiệp hội Cá tra Việt Nam, lo lắng: “Giá cá tra nguyên liệu đã sụt giảm từ giữa năm 2019 đến nay, khiến người nuôi lỗ 3.000-5.000 đồng/kg, vì vậy việc nông dân “treo ao” không lạ bởi họ không còn khả năng cầm cự. Điều đáng lo là tình hình dịch Covid-19 ở nhiều nước còn phức tạp nên việc xuất khẩu ỳ ạch. Nhiều doanh nghiệp xuất khẩu đang tồn kho khá lớn nên càng thêm khó khăn về dòng tiền, nguồn vốn duy trì sản xuất cũng thiếu hụt...”.

Trong khi đó, ông Trần Đình Luân, Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản, thì kỳ vọng: Hiện tại nhiều thị trường xuất khẩu chủ lực của con cá tra Việt Nam đang bắt đầu kiểm soát được dịch và hoạt động giao thương đang bắt đầu hồi phục. Hơn nữa, hàng tồn kho ở một số quốc gia nhập khẩu chính hiện ở mức thấp, nên kỳ vọng bắt đầu từ quý 3/2020, ngành cá tra Việt có thể hồi phục hoàn toàn.

“Riêng thị trường Trung Quốc, có thể phục hồi vào cuối tháng 5/2020 nên ngành cá tra cần có kịch bản điều tiết sản xuất để tránh xảy ra tình trạng thiếu nguyên liệu phục vụ chế biến và xuất khẩu...” - ông Luân đề xuất.

Không chỉ ngành cá tra, ngành tôm thời gian qua cũng “chật vật” không kém. Thống kê từ Tổng cục Thủy sản cho thấy, từ đầu năm đến nay, các địa phương thả nuôi hơn 481.534ha tôm (bằng 84% so cùng kỳ). Trong những ngày qua, đã có hơn 15.950ha tôm bị thiệt hại do hạn mặn, thời tiết bất thường. Tỷ lệ thiệt hại này tăng gấp 3,3 lần so cùng kỳ 2019. Cùng với việc thả nuôi trở ngại, xuất khẩu tôm cũng lắm gian nan khi tính đến cuối tháng 3, xuất khẩu tôm của cả nước chỉ đạt 591 triệu USD, giảm 4,3% so cùng kỳ năm 2019.

Nguyên nhân khiến ngành tôm chật vật chủ yếu cũng là do dịch Covid-19 bùng phát ở nhiều nước trên thế giới khiến việc xuất khẩu trì trệ. Thêm vào đó, tình hình xuất khẩu chậm đã kéo giá tôm nguyên liệu trong quý 1/2020 cũng sụt giảm khoảng 20% so cùng kỳ khiến tình trạng “treo ao” diễn ra nhiều nơi, đặc biệt là khu vực ĐBSCL.

1

Tuy nhiên, các chuyên gia cũng đánh giá, ngành thủy sản sau dịch Covid-19 trong “nguy” cũng có “cơ” rất lớn.

Trong “nguy” có “cơ”

Mặc dù tình hình sản xuất, xuất khẩu thủy sản trong 4 tháng đầu năm còn nhiều ảm đạm, tuy nhiên, các chuyên gia cũng đánh giá, ngành thủy sản sau dịch Covid-19 trong “nguy” cũng có “cơ” rất lớn.

Cụ thể, với ngành tôm, Hiệp định EVFTA dự kiến có hiệu lực vào tháng 6/2020 sẽ là một cơ hội lớn để con tôm Việt “xâm nhập” vào các thị trường thuộc khối EU. Theo đó, khi EVFTA có hiệu lực, thuế nhập khẩu tôm nguyên liệu vào EU được giảm từ mức thuế cơ bản 12-20% xuống 0% ngay khi hiệp định có hiệu lực; thuế nhập khẩu tôm chế biến cũng về 0% sau 7 năm kể từ khi hiệp định có hiệu lực. Từ đó, dự báo xuất khẩu tôm sang EU tới đây sẽ khả quan nhờ ưu đãi thuế quan và Việt Nam có khả năng cạnh tranh tốt hơn so với Ấn Độ, Thái Lan và Indonesia.

Theo dự báo của Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), năm 2020, xuất khẩu tôm của Việt Nam vào EU tăng khoảng 15%, đạt 800 triệu USD.

Trong khi đó, với thị trường Mỹ, từ tháng 8/2019, Bộ Thương mại Mỹ công bố kết quả cuối cùng POR 13 về thuế chống bán phá giá tôm Việt Nam vào Mỹ với 31 doanh nghiệp được hưởng thuế 0%; điều này tạo thêm động lực cho các doanh nghiệp Việt Nam xuất khẩu tôm vào Mỹ. Riêng thị trường Nhật Bản nhập khẩu tôm lớn thứ 3 của Việt Nam, dự báo xuất khẩu tôm sang Nhật trong năm 2020 dao động khoảng 620 triệu USD, tương đương năm 2019.

Còn tại thị trường Trung Quốc, dù xuất khẩu tôm bị đình trệ trong những tháng đầu năm 2020, nhưng theo phân tích của các nhà chuyên môn, khả năng sẽ tăng trở lại từ quý 2 trở đi; nhiều khả năng cả năm duy trì mức tăng trưởng 10%, đạt kim ngạch khoảng 600 triệu USD.

Dự báo, dù có nhiều khó khăn nhưng mục tiêu phấn đấu đạt kim ngạch xuất khẩu tôm của Việt Nam năm 2020 đạt khoảng 3,5 tỷ USD, tăng 2-3% so năm 2019.

Trong khi đó, với ngành hàng cá tra, năm 2020, sản lượng nuôi cá tra cả nước dự kiến đạt 1,42 triệu tấn. Diện tích nuôi lũy kế dự kiến đạt 6.600ha. Ông Dương Nghĩa Quốc, Chủ tịch Hiệp hội Cá tra Việt Nam, cho hay: Hiệp hội Cá tra Việt Nam, VASEP cùng với Bộ NT-PTNT và các địa phương vùng ĐBSCL đang tích cực tập trung tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp xuất khẩu, nhất là vấn đề nguồn vốn; xúc tiến thương mại, đẩy mạnh xuất khẩu cá tra vào các thị trường bước đầu đã khống chế dịch Covid-19 như Trung Quốc, châu Âu, Nhật Bản, ASEAN...

“Giải pháp sắp tới là Hiệp hội Cá tra Việt Nam, VASEP cùng với Bộ NT-PTNT sẽ phối hợp với Bộ Công thương đẩy mạnh xúc tiến xuất khẩu cá tra vào thị trường tiềm năng như Nga, Brazil...; làm việc với các siêu thị, hệ thống phân phối trong nước đẩy mạnh tiêu thụ cá tra trong nước để không bị lệ thuộc, áp lực vào các thị trường xuất khẩu. Đồng thời, ngành cá tra Việt Nam cũng cần tập trung xây dựng dòng sản phẩm cá tra phi lê chất lượng cao; đa dạng hóa sản phẩm, phát triển dòng sản phẩm giá trị gia tăng; nâng cao chất lượng sản phẩm, xây dựng hình ảnh và thương hiệu cá tra Việt Nam; tập trung phát triển các thị trường có sẵn ở Mỹ, EU, Trung Quốc, Asean với thị phần chiếm từ 50-60%...” - ông Quốc nói thêm. 

An Nhiên

 

Bình luận

Nổi bật

Đầu tư gần 3.000 tỷ đồng xây dựng kết cấu hạ tầng Khu Công nghiệp Đồng Văn VI

Đầu tư gần 3.000 tỷ đồng xây dựng kết cấu hạ tầng Khu Công nghiệp Đồng Văn VI

sự kiện🞄Thứ năm, 21/11/2024, 15:42

(CL&CS) - Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà ký Quyết định số 1426/QĐ-TTg ngày 19/11 về chủ trương đầu tư Dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng Khu Công nghiệp Đồng Văn VI, tỉnh Hà Nam.

Thị trường đất nền: Sở hữu tiềm năng tăng giá, nhà đầu tư đồng loạt quay trở lại

Thị trường đất nền: Sở hữu tiềm năng tăng giá, nhà đầu tư đồng loạt quay trở lại

sự kiện🞄Thứ năm, 21/11/2024, 14:30

Theo các chuyên gia đánh giá, thị trường đất nền "hút khách" trở lại do chịu tác động mạnh từ hai yếu tố. Thứ nhất là xu hướng tăng giá mạnh của phân khúc căn hộ chung cư đã đẩy một bộ phần nhà đầu tư chuyển dịch sang đất nền. Thứ hai là quy định cấm phân lô bán nền sẽ làm khan hiếm nguồn cung.

Thị trường chung cư tại Hà Nội: Giá tăng nhanh nhưng chỉ là “cú sốc tạm thời”, bước đầu cho một chu kỳ mới?

Thị trường chung cư tại Hà Nội: Giá tăng nhanh nhưng chỉ là “cú sốc tạm thời”, bước đầu cho một chu kỳ mới?

sự kiện🞄Thứ năm, 21/11/2024, 14:30

Theo ông Trần Quang Trung - Giám đốc phát triển kinh doanh OneHousing, giá căn hộ tại Hà Nội tăng nhanh trong thời gian ngắn có thể gây ra phản ứng “sốc tạm thời” nhưng trong chặng đường tới năm 2030 thì đây mới chỉ là sự khởi đầu cho một chu kỳ tăng trưởng mới.