Văn hóa và Đời sống
Chủ nhật, 23/06/2024, 21:32 PM

Xẩm chợ - Nét đẹp bình dị của Hà Nội

(CL&CS) - Nhắc đến Hà Nội, người ta thường nghĩ đến những gánh hàng rong ở những con phố cổ, những quán trà ven Hồ Gươm hay những gánh phở nghi ngút khói. Nhưng ở đó, còn có một nét đẹp bình dị và độc đáo khác, âm vang từ những câu hát Xẩm chợ vang lên giữa lòng phố thị.

Thanh âm Xẩm giữa lòng phố thị

Hát Xẩm là một dòng dân ca truyền thống của Việt Nam, phát triển mạnh tại đồng bằng Bắc Bộ và trung du miền núi phía Bắc. Hát Xẩm xưa là hình thức mưu sinh của những người dân có hoàn cảnh khó khăn,  đặc biệt là người khiếm thị, được biểu diễn tại các chợ, đường phố và nơi đông người qua lại. Hát Xẩm có tính ngẫu hứng, người biểu diễn có thể tạo ra những câu hát ngay khi thể hiện.

Hát Xẩm - nét đẹp trong văn hóa của người dân đồng bằng Bắc Bộ.

Hát Xẩm - nét đẹp trong văn hóa của người dân đồng bằng Bắc Bộ.

Nội dung và ca từ trong Hát Xẩm thường là hình thức hát nói, vừa hát vừa kể chuyện. Những câu hát ấy kể về cuộc sống thường ngày của người dân lao động, về những niềm vui nỗi buồn, những mong ước bình dị của họ về một cuộc sống tốt đẹp hơn. Âm thanh của đàn bầu, đàn nhị, tiếng gõ mõ và những câu hát xẩm trầm buồn, ai oán hòa quyện vào nhau, tạo nên một bầu không khí đầy da diết, đượm tình cảm. Không chỉ là âm nhạc, Xẩm còn là tấm gương phản chiếu đời sống xã hội, thể hiện tính nhân văn sâu sắc và làm phong phú đời sống tinh thần của người dân.

Hát Xẩm, tiếng hát ai oán, buồn bã nhưng ẩn chứa sức sống mãnh liệt, là một loại hình nghệ thuật dân gian độc đáo của Việt Nam, được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể cần được bảo tồn khẩn cấp vào năm 2012.

Nhà nghiên cứu Trần Việt Ngữ, người có nhiều năm nghiên cứu nghệ thuật Xẩm, cho biết, hát Xẩm có 8 làn điệu chính: Xẩm chợ, Xẩm xoan (chênh bong), Huê tình (riềm huê); Xẩm nhà trò (ba bậc), Nữ oán (phồn huê), Hò bốn mùa, Hát ai, Thập ân.

Đa dạng về làn điệu, nhưng đại diện cho đất kinh kỳ, thì phải nói đến Xẩm chợ.

Xẩm chợ là một loại hình nghệ thuật dân gian truyền thống lâu đời của Việt Nam, có nguồn gốc từ thời nhà Trần. Xẩm xuất hiện ở Hà Nội vào cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX, khi những người khiếm thị “ê a” trước cửa chợ Đồng Xuân. Trải qua bao thăng trầm của lịch sử, Xẩm chợ vẫn giữ được vị trí đặc biệt trong lòng người dân Hà Nội với những giai điệu quen thuộc: “Vui nhất có chợ Đồng Xuân/Mùa nào thức nấy, xa gần xem mua/Cổng chợ có chị hàng dừa/Hàng cau, hàng quýt, hàng dưa, hàng hồng…”

Hát Xẩm với những giai điệu và câu chuyện quen thuộc gắn liền với cuộc sống của người dân Hà thành.

Hát Xẩm với những giai điệu và câu chuyện quen thuộc gắn liền với cuộc sống của người dân Hà thành.

Theo nhà văn Nguyễn Ngọc Tiến, do người hát hầu hết đều bị khiếm thị nên họ lấy những bài thơ lục bát, hay những câu ca dao có nội dung buồn, hay những cảnh đời éo le để ca. Sau một ngày mưu sinh vất vả, chiều xuống, những gia đình hát Xẩm tay chiếu tay nhị dắt díu nhau về bãi An Dương (nay thuộc quận Ba Đình) tạo thành nhiều nhóm, nên gọi chung khu vực này là “xóm Xẩm”.

Xẩm chợ không chỉ là một loại hình giải trí đơn thuần, mà còn là một phần quan trọng trong đời sống văn hóa tinh thần của người dân Hà thành. Xẩm chợ là tiếng nói của người lao động, là tiếng lòng của Hà Nội, là một phần không thể thiếu trong bức tranh văn hóa đa sắc màu của thủ đô.

Gìn giữ trọn vẹn giá trị của Hát Xẩm

Xẩm trong quá khứ đã từng phát triển đến đỉnh cao, đi đâu người ta cũng có thể nghe thấy vài ba điệu Xẩm, trở thành một giá trị tinh thần không thể thiếu đối với người dân thành thị.

Tuy nhiên, đến ngày nay, do sự ảnh hưởng của các loại hình nghệ thuật hiện đại, Xẩm chợ đang dần mai một. Tuy nhiên, Xẩm vẫn khẳng định giá trị văn hóa bền vững của mình khi những người yêu Xẩm Hà Nội đã đưa loại hình âm nhạc này đến gần hơn với công chúng.

Nhiều nghệ sĩ trẻ đã dành tâm huyết để học hỏi và truyền bá Xẩm chợ đến với thế hệ trẻ với nỗ lực để bảo tồn và phát huy loại hình nghệ thuật truyền thống này.

Nhóm Xẩm Hà thành thành lập năm 2009, bởi nghệ sĩ hát xẩm Mai Tuyết Hoa – người học trò xuất sắc của nghệ nhân Hà Thị Cầu và nhà nghiên cứu lý luận âm nhạc Nguyễn Quang Long. Nhóm hoạt động với mục đích "Nỗ lực để Xẩm sống trong đời sống đương đại", đã làm sống lại nhiều bài Xẩm truyền thống, cũng như phục dựng dòng Xẩm Hà Nội, đặc biệt là Xẩm tàu điện.

Nhóm Xẩm Hà thành được thành lập năm 2009 bởi nghệ sĩ hát Xẩm Mai Tuyết Hoa. Ảnh: Nhóm Xẩm Hà Thành.

Nhóm Xẩm Hà thành được thành lập năm 2009 bởi nghệ sĩ hát Xẩm Mai Tuyết Hoa. Ảnh: Nhóm Xẩm Hà Thành.

Họ chú trọng vào việc kết hợp Xẩm với yếu tố đương đại, như trong “Xẩm trà đá” để phản ánh vấn đề xã hội hiện đại, “Xẩm bốn mùa hoa Hà Nội” nhằm ngợi ca vẻ đẹp văn hóa Hà Nội. Đặc biệt, nhóm đã sử dụng các kênh truyền thông như YouTube để đưa Xẩm đến gần hơn thế hệ trẻ. Năm 2015, trong liveshow “Xẩm và Đời”, nhóm đã kết hợp Xẩm với beatbox và hiphop, tạo nên một sự sáng tạo độc đáo trong nghệ thuật Xẩm.

Hay mới đây, nhóm sinh viên trường Khoa học liên ngành và Nghệ thuật (Đại học Quốc gia Hà Nội) đã tổ chức sự kiện “Say Xẩm” – là sự kiện văn hóa đa trải nghiệm về nghệ thuật Hát Xẩm với mong muốn gìn giữ và lan tỏa nghệ thuật hát Xẩm theo cách tiếp cận mới mẻ.

"Say Xẩm" - sự kiện đặc biệt của sinh viên ngành Giải trí và Sự kiện - Trường Khoa học liên ngành và Nghệ thuật (Đại học Quốc gia Hà Nội).

“Say Xẩm” được thiết kế giống như một chuyến tàu điện, mỗi chặng dừng là một trải nghiệm văn hóa Xẩm. Khu vực triển lãm giới thiệu những loại nhạc cụ độc đáo và trang phục biểu diễn của Xẩm, kết hợp chiếu các thước phim tư liệu quý về loại hình này. Cùng với đó là các hoạt động tương tác như tham gia các trò chơi dân gian xoay quanh chủ đề “Xẩm tàu điện” và thưởng thức đồ uống “Của ngon vật lạ” đậm nét văn hóa đường phố.

Không chỉ vậy, workshop “Xẩm Hà Nội: Từ truyền thống đến hiện đại” của nhóm sinh viên Trường Đại học Sư phạm Hà Nội tổ chức với sự tham gia của hai khách mời là nghệ sĩ Mai Tuyết Hoa và ca sĩ Hà Myo. Sự kiện này đã mang đến cho công chúng cái nhìn sâu sắc và đa dạng hơn về nghệ thuật Xẩm, từ đó tạo ra một không gian đối thoại giữa quá khứ và hiện tại, giữa truyền thống và hiện đại.

Có thể thấy, thế hệ trẻ bắt đầu tìm hiểu về văn hóa truyền thống, thể hiện tình yêu và sự kế thừa qua các dự án sáng tạo. Đây chính là một tín hiệu đáng mừng khi các bạn trẻ đóng vai trò quan trọng khi tiếp nối quá trình gìn giữ, phát huy nghệ thuật hát Xẩm nói riêng và những di sản văn hóa nói chung.

Ngọc Ánh

Bình luận

Nổi bật

Xẩm chợ - Nét đẹp bình dị của Hà Nội

Xẩm chợ - Nét đẹp bình dị của Hà Nội

sự kiện🞄Chủ nhật, 23/06/2024, 21:32

(CL&CS) - Nhắc đến Hà Nội, người ta thường nghĩ đến những gánh hàng rong ở những con phố cổ, những quán trà ven Hồ Gươm hay những gánh phở nghi ngút khói. Nhưng ở đó, còn có một nét đẹp bình dị và độc đáo khác, âm vang từ những câu hát Xẩm chợ vang lên giữa lòng phố thị.

Hằng Du Mục xuất hiện sau tin 'xô xát' với chồng, nói 1 câu sâu cay

Hằng Du Mục xuất hiện sau tin 'xô xát' với chồng, nói 1 câu sâu cay

sự kiện🞄Thứ bảy, 22/06/2024, 17:38

Sau tin đồn "xô xát", tranh cãi với chồng, nữ TikToker Hằng Du Mục có động thái mới trên mạng xã hội.

Cựu người mẫu từng là người mai mối cho Ngọc Trinh và bố chồng tỷ phú U80

Cựu người mẫu từng là người mai mối cho Ngọc Trinh và bố chồng tỷ phú U80

sự kiện🞄Thứ sáu, 21/06/2024, 16:36

Người đẹp từng là một trong những cái tên nổi bật trên các sàn diễn thời trang trong nước. Sau khi kết hôn cùng chồng thiếu gia, cô đã sang Mỹ định cư.