Vượt mốc 1.000 điểm, VN-Index còn tăng nữa được không?

(NTD) - Sau khi vượt mốc 1.000 điểm trong ngày 20/9, VN-Index giảm nhẹ nhưng vẫn giữ được mốc này trong phiên cuối tuần 21/9. Liệu xu hướng này có thể tiếp tục kéo dài?

Chốt phiên giao dịch ngày 20/9/2018, chỉ số VN-Index đạt mức 1.004,74 điểm. Dòng tiền đổ mạnh vào thị trường chứng khoán khiến nhà đầu tư hào hứng. Trong phiên cuối tuần ngày 21/9, giá trị giao dịch tại Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM (HOSE) vẫn duy trì trên mốc 5.000 tỷ đồng. Hầu hết các công ty chứng khoán đều dự báo VN-Index sẽ còn tăng tiếp.

Đây là lần thứ 3 từ đầu năm 2018 đến nay, VN-Index vượt mốc 1.000 điểm, sau thời điểm tháng 1 và tháng 6. Tuy nhiên, lần tăng điểm này có nhiều điểm khác biệt so với những lần tăng trước. Trước hết, giá trị giao dịch hai sàn HOSE và Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) đạt gần 9.000 tỷ đồng phiên ngày 21/9, cao nhất trong 7 tháng gần đây.

Ông Huỳnh Anh Tuấn, Phó Tổng Giám đốc CTCP Chứng khoán Everest nhận định, nhịp tăng của thị trường lần này rất hay. “Thị trường không tăng đồng loạt mà phân hóa vào từng nhóm cổ phiếu. Số điểm tăng cũng ít, vài điểm mỗi phiên, không như những đợt trước tăng mỗi lần vài chục điểm”, ông Tuấn nhận xét. Chẳng hạn, ngay trong nhóm VN30, trong khi một số mã tăng như REE hay GMD thì những cổ phiếu khác (NVL, SBT, VNM…) vẫn giảm.

Mốc 1.000 điểm là ngưỡng kháng cự quan trọng của thị trường, khi qua mốc này thì tâm lý nhà đầu tư thoải mái, giúp VN-Index có khả năng tăng tiếp những phiên sau. Theo ông Tuấn, chính nhờ nhịp tăng đan xen giữa những nhóm cổ phiếu với nhau giúp cho thị trường không tăng nóng. Bởi nếu tăng đồng loạt thì cũng rất dễ xảy ra chuyện chốt lời đồng loạt, khiến thị trường giảm sâu trong thời gian ngắn. Chuyện nhóm giảm, nhóm tăng này cũng giúp nhà đầu tư mới không sốt ruột mà mua cho bằng được với giá cao, đẩy giá cổ phiếu tăng nóng.

Tram Phu My
Dầu khí là nhóm cổ phiếu được dự báo sẽ dẫn dắt thị trường, cùng với cổ phiếu ngân hàng và thủy sản.

Trong ngắn hạn, ông Tuấn dự báo thị trường sẽ kiểm tra lại mức 1.040 và sẽ biến động trên mốc 1.000 điểm. Về dài hạn, giả định chiến tranh thương mại Mỹ-Trung hạ nhiệt, VN-Index có thể tiến dần về mức 1.200 điểm. Tuy nhiên, mốc này không dễ đạt được và có thể kéo dài đến quý 1/2019.

Đồng quan điểm trên, ông Lê Đức Khánh, Trưởng phòng Phân tích CTCP Chứng khoán Dầu khí (PSI) cho rằng, thị trường đang trong trạng thái tích cực và còn tăng điểm. “Trong tháng 10/2018, VN-index có thể biến động trong khoảng 1.040-1.100 điểm”, ông Khánh đưa ra dự báo.

So với những đợt tăng điểm cuối năm 2017 và đầu năm 2018, đợt tăng này không chỉ tập trung vào nhóm bluechip mà hướng nhiều hơn vào các cổ phiếu vừa và nhỏ. Đại diện PSI cho rằng, trong thời gian tới, những ngành như dầu khí, ngân hàng, vật liệu xây dựng và chứng khoán sẽ hút dòng tiền đầu tư nhiều nhất. Riêng ngành ngân hàng dù không biến động nhiều nhưng vẫn có những khởi sắc nhất định.

Theo quan sát của ông Khánh, những thông tin kinh tế tích cực vừa qua đã góp phần giúp thị trường chứng khoán tăng điểm. Tính đến giữa tháng 9/2018, Việt Nam xuất siêu gần 5,6 tỷ USD. Thông tin này cũng sẽ tiếp tục hỗ trợ một số ngành liên quan đến xuất khẩu như dệt may, da giày và thủy sản. Riêng ngành dầu khí, dù sản lượng xuất khẩu giảm nhưng giá dầu tăng là thông tin hỗ trợ tích cực.

Ông Tuấn cũng cho rằng, dầu khí và ngân hàng là những ngành có khả năng tăng giá vào thời điểm cuối năm. “Đây là những ngành trọng yếu của nền kinh tế, doanh nghiệp có quy mô lớn. Sự tăng điểm ở những cổ phiếu ngành này mới có khả năng dẫn dắt thị trường lên mức cao mới”, ông Tuấn lý giải. Một số ngành có tính thời vụ cuối năm như bánh kẹo hay sắt thép, vì những yếu tố trên, sẽ khó tạo ra hiệu ứng bất ngờ. Tuy nhiên, ngành bất động sản với đặc thù hạch toán lợi nhuận vào quý 1 hàng năm, có thể khiến nhà đầu tư săn mua để đón đầu.

Dù thị trường đang trong xu hướng tăng điểm với thanh khoản cao, nhưng nỗi lo ảnh hưởng từ chiến tranh thương mại Mỹ-Trung ám ảnh nhà đầu tư. Ông Khánh cho rằng, nhà đầu tư không cần quá lo. “Theo nghiên cứu của PSI và các nguồn thông tin quốc tế như Bloomberg, Việt Nam là nước chịu ảnh hưởng từ vấn đề này ít nhất trong khu vực ASEAN”, ông Khánh khẳng định.

Theo PSI, GDP (tổng sản phẩm quốc nội) của Việt Nam chủ yếu nhờ vào các ngành chế biến chế tạo. Sự ảnh hưởng đến từ hoạt động xuất nhập khẩu rất thấp, chỉ khoảng 1-2% của GDP. Trong khi đó, chiến tranh thương mại khiến đồng Nhân dân tệ mất giá, làm hàng hóa Trung Quốc rẻ hơn trước đây. Điều này tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp Việt Nam nhập được nguyên liệu sản xuất với giá rẻ mà xuất sang Mỹ với giá cao. Yếu tố này đã khiến cổ phiếu các doanh nghiệp dệt may và thủy sản tăng mạnh trong những phiên vừa qua. 

 Dương Nguyễn

Bình luận

Nổi bật

Dự án Diamond Lotus Riverside bị UBND P.8, Q.8 buộc tháo dỡ nhà mẫu

Dự án Diamond Lotus Riverside bị UBND P.8, Q.8 buộc tháo dỡ nhà mẫu

sự kiện🞄Thứ hai, 20/05/2024, 23:06

(CL&CS) - UBND P.8, (Q.8, TP.HCM) đề nghị chủ đầu tư của dự án Diamond Lotus Riverside tháo dỡ công trình nhà mẫu tại địa chỉ 49C Lê Quang Kim. Thời gian dự kiến vào tháng 6/2024.

Doanh nhân Nguyễn Bính: Gian nan đưa bún sạch ra thị trường

Doanh nhân Nguyễn Bính: Gian nan đưa bún sạch ra thị trường

sự kiện🞄Thứ hai, 20/05/2024, 22:41

(CL&CS) - Năm 2023 là một năm khá khó khăn với những doanh nghiệp sản xuất kinh doanh. Bún tươi Nguyễn Bính cũng không ngoại lệ bởi gánh rất nhiều áp lực không chỉ vì nhu cầu tiêu dùng giảm mà còn bị lấn át bởi các đơn vị sản xuất “bún bẩn”.

Gamuda Land công bố dự án Eaton Park với diện tích 3,77ha

Gamuda Land công bố dự án Eaton Park với diện tích 3,77ha

sự kiện🞄Thứ hai, 20/05/2024, 22:38

(CL&CS) - Chủ đầu tư đến từ Malaysia Gamuda Land vừa công bố dự án căn hộ cao cấp Eaton Park (Thủ Đức, TP.HCM) có tổng diện tích dự án khoảng 3,77ha cung cấp cho thị trường 2.052 sản phẩm. Dự án đã khởi công phần ngầm giai đoạn 1 vào ngày 26/3/2024.