Dữ liệu cũ
Thứ ba, 11/03/2014, 08:48 AM

Vụ việc 4 “ông lớn” đồng loạt tăng giá: Người tiêu dùng nên thể hiện quyền năng của mình

“Người tiêu dùng nên thể hiện quyền năng của mình, không nên phụ thuộc vào một dòng sữa nhất định nào, để nếu hãng này có tăng giá thì có thể chuyển sang dùng thương hiệu khác. Như vậy, sẽ tạo được áp lực với doanh nghiệp phân phối, nhằm đảm bảo mức giá cạnh tranh công bằng theo quy luật của thị trường”- Đây là biện pháp được ông Nguyễn Anh Tuấn – Cục trưởng Cục quản lý giá (Bộ Tài chính) đưa ra nhằm “tẩy chay” những hãng sữa tăng giá bất hợp lý mắc túi người tiêu dùng.

Sữa tăng giá vô tôi vạ, người tiêu dùng nên thể hiện quyền năng của mình.

Nếu phát hiện sai phạm sẽ xử lý… nghiêm

Trước sự việc 4 “ông lớn” trong kinh doanh và phân phối các mặt hàng sữa trẻ em dưới 6 tuổi trên thị trường Việt Nam, từ ngày 1/3 chính thức tăng giá sữa, Bộ Tài chính đã phối hợp với Bộ Công Thương thanh tra các doanh nghiệp sản xuất sữa chiếm thị phần lớn.

Theo đó, 5 doanh nghiệp nằm trong danh sách dự kiến sẽ thanh tra là: Công ty TNHH Mead Johnson Nutrition Việt Nam, Công ty Cổ phần sữa Việt Nam, Công ty TNHH Nestle Việt Nam, Công ty TNHH Friesland Campina Việt Nam và Công ty Dinh dưỡng 3A (phân phối sữa Abbott).

Về việc này, ông Nguyễn Anh Tuấn – Cục trưởng Cục quản lý giá (Bộ Tài chính) khẳng định: Liên bộ sẽ tiến hành thanh, kiểm tra các doanh nghiệp trong thời gian sớm nhất, nếu phát hiện vi phạm sẽ xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.

Theo thông tin Báo Người tiêu dùng có được nội dung trong đợt thanh tra này, đoàn làm công tác thanh tra sẽ tiến hành rà soát các quy định của pháp luật cũng như cơ cấu giá để làm rõ nghi vấn: Có hay không việc các doanh nghiệp sữa “bắt tay” nhau tăng giá?

Ngoài việc thành lập 5 đoàn thanh tra, Bộ Tài chính cũng đề nghị Bộ Công thương thu thập số liệu liên quan để xem xét các doanh nghiệp có dấu hiệu về hành vi vi phạm Luật Cạnh tranh hay không. Trong trường hợp có diễn biến xấu, liên bộ sẽ báo cáo cơ quan có thẩm quyền để công bố bình ổn giá, bên cạnh đó cũng không loại trừ khả năng áp dụng giá trần với mặt hàng sữa dành cho trẻ em dưới 6 tuổi.

Trước thực trạng dư luận bức xúc về việc các doanh nghiệp sữa đua nhau tăng giá, ông Tuấn cũng kiến nghị: Người tiêu dùng nên thể hiện quyền năng của mình, không nên phụ thuộc vào một dòng sữa nhất định nào, để nếu hãng này có tăng giá thì có thể chuyển sang dùng thương hiệu khác. Như vậy, sẽ tạo được áp lực với doanh nghiệp phân phối, nhằm đảm bảo mức giá cạnh tranh công bằng theo quy luật của thị trường.

Trước đó ngày 25/2, bốn “ông lớn” trong kinh doanh và phân phối các mặt hàng sữa trẻ em dưới 6 tuổi trên thị trường Việt Nam đã kê khai và điều chỉnh giá bán là Công ty TNHH Mead Johnson Nutrition Việt Nam (15 mặt hàng), Công ty Cổ phần Sữa Việt Nam (22 mặt hàng), Công ty TNHH Nestle Việt Nam (11 mặt hàng) và Công ty TNHH Frieslandcampina Việt Nam (16 mặt hàng)… Bên cạnh 4 doanh nghiệp này thì vẫn còn không ít các doanh nghiệp và mặt hàng sữa tự ý nâng giá khi chưa được Bộ Tài chính cho phép…

Cần áp trần giá sữa

Nguyên nhân dẫn đến giá sữa trong suốt một thời gian dài vẫn có đất để tăng giá vô tội vạ móc túi người tiêu dùng, theo các chuyên gia trong lĩnh vực kinh tế, và thị trường là do hiện nay sữa vẫn bị thả nổi, chưa được áp trần mứa trần về giá.

Ông Nguyễn Vinh Phú – Cần kiểm soát giá sữa từ cơ quan hải quan.

Ông Nguyễn Vinh Phú – Nguyên phó GĐ Sở Công thương Hà Nội – Chủ tịch hiệp Hội Siêu thị Hà Nội cho rằng, thứ nhất là hiện nay các mặt hàng sữa nhập khẩu qua hải quan khi kê khai đều có giá rất thấp, tuy nhiên khi bán trên thị trường lại có giá cao hơn rất nhiều lần. Điều bất cập này, không chỉ khiến cho người tiêu dùng bị móc túi, mà còn khiến cho nhà nước không truy thu được thuế theo giá sữa thực tế. Thứ 2, hiện nay luật quy định các hãng sữa chỉ được phép chi 10% cho quảng cáo, nhưng khi kiểm tra thì hầu hết doanh nghiệp nào cũng có mức quảng cáo 20%, thậm chí 30%. Với chi phí quảng cáo cao như vậy mà các doanh nghiệp lại tính vào giá thành thì người tiêu dùng luôn phải mua giá cao hơn các nước trong khu vực là điều dễ hiểu.

“Việc đổi tên sữa, xếp mặt hàng này với tên gọi thực phẩm bổ sung cũng tạo cơ hội cho các doanh nghiệp dễ dàng lách luật. Với cách đổi tên này nghiễm nhiên doanh nghiệp khi tăng giá sẽ không cần báo cáo các cơ quan chức năng. Chúng ta còn nhớ cách đây 1 năm cũng với tên gọi thực phẩm chức năng: sữa dê Danlait với giá nhập khẩu từ Pháp về qua hải quan kê khai chỉ có 8 USD/hộp (tương đương 160.000đồng lúc đó). Tuy nhiên do không phải báo cáo giá với Bộ Tài chính mà doanh nghiệp này tung ra thị trường với giá 430.000 đồng/hộp” – Chuyên gia phân tích thị trường Nguyễn Mạnh Cường nêu ra nguyên nhân.

Để khắc phục, chặn đứng tình trạng tăng giá sữa phi mã gây ảnh hưởng đến hàng triệu người tiêu dùng, các chuyên gia cho rằng cần phải quản lý giá sữa ngay từ khâu hải quan, cũng như tiếp tục đưa sữa dành cho trẻ em dưới 6 tuổi vào danh mục mặt hàng bình ổn giá, thậm chí Bộ Tài chính cần tính đến việc áp mức giá trần cho mặt hàng sữa.

“Từ thực tế trên tôi đề nghị cơ quan quan lý nhà nước (ở đây là 3 Bộ Tài chính – Công thương – Y tế) cần phải phối hợp chặt chẽ với nhau để có thể quản lý được giá thành sản phẩm sữa ngay từ cơ quan hải quan cho đến khi vào thị trường. Đồng thời Bộ Tài chính cần sớm áp dụng trần giá sữa cho trẻ em dưới 6 tuổi” – ông Phú kiến nghị.

Đồng quan điểm với ông Nguyễn Vinh Phú, ông Nguyễn Mạnh Cường cũng cho rằng: “Sau đợt thanh tra 5 hãng sữa này, Liên bộ Tài Chính – Công thương cần phải công bố công khai giá sữa thành phẩm của các doanh nghiệp để người tiêu dùng biết để lựa chọn. Bên cạnh đó phải kiểm tra xử lý nghiêm những doanh nghiệp sữa có chi phí cho quảng cáo vượt quá 10%”.

Còn theo luật sư Phạm Thừa Tùng, ngoài việc áp dụng trần giá sữa, thì Bộ Tài chính cần điều chỉnh biên độ tăng hoặc giảm giá sữa. Cụ hiện nay biên độ tăng giá sữa khi có biến động về nguyên liệu trên thị trường thế giới được quy định tối thiểu là 15 ngày là không phù hợp, mà cần nới biên độ này nên tối thiểu 30 ngày.

Mai Phương

Bình luận

Nổi bật

Những phi cơ già cỗi nhất thế giới, bay trên bầu trời nửa thế kỷ vẫn còn hoạt động

Những phi cơ già cỗi nhất thế giới, bay trên bầu trời nửa thế kỷ vẫn còn hoạt động

sự kiện🞄Thứ ba, 20/02/2024, 10:09

Trên thế giới còn rất nhiều những chiếc phi cơ 'lão thành' ngót nghét 50 tuổi vẫn đang bay trên bầu trời.

Người phụ nữ mắc ung thư gan giai đoạn cuối vì 1 loại thực phẩm quen thuộc, chuyên gia cảnh báo thói quen này nhiều người mắc phải

Người phụ nữ mắc ung thư gan giai đoạn cuối vì 1 loại thực phẩm quen thuộc, chuyên gia cảnh báo thói quen này nhiều người mắc phải

sự kiện🞄Thứ bảy, 14/10/2023, 05:57

Loại thực phẩm nhiều người xem như vô hại này lại là nguyên nhân dẫn đến bệnh tật, thậm chí nguy hiểm tới tính mạng, chúng thường được gọi là "sát thủ thầm lặng" tàn phá sức khoẻ con người.

Cảng Chu Lai đón tàu lớn và nâng cao hiệu suất khai thác hàng rời

Cảng Chu Lai đón tàu lớn và nâng cao hiệu suất khai thác hàng rời

sự kiện🞄Thứ năm, 29/06/2023, 15:00

(CL&CS) - Cảng Chu Lai thuộc Công ty Giao nhận - vận chuyển quốc tế Trường Hải (THILOGI) đang dần khẳng định năng lực tiếp nhận tàu lớn, khai thác đa dạng hàng hóa, đáp ứng nhu cầu xuất nhập khẩu của các doanh nghiệp, góp phần thúc đẩy giao thương tại khu vực miền Trung, Tây Nguyên.