Dữ liệu cũ
Thứ ba, 22/07/2014, 08:48 AM

Việc làm của người chuyển giới: Chỉ đi hát đám ma, hoặc làm gái…

“Bọn em đi xin việc khó lắm. Vô làm trang điểm, người ta cũng thử tay nghề nhưng mà người ta không chấp nhận vì thấy là người chuyển giới”.

Về hành trình đi xin việc, J., 28 tuổi, một người chuyển giới nữ đã nói lên một thực tế vô cùng đau xót, “Người ta còn nói này nói nọ như là coi rẻ, khinh bỉ vậy. Pê đê vô làm chỉ ăn cắp hay là cái gì thôi. Rồi, em là nửa này nửa kia làm sao em thay đồ cô dâu được. Rồi phải đi xin bán hàng, bán tại các shop, bán đồ ăn. Có thời gian đi rửa chén, phụ bếp cho người ta…  Pê đê bọn em chỉ có hai cách để kiếm tiền thôi, một là đi hát đám ma, hai là làm gái, chứ còn biết làm gì bây giờ ?”.

Ảnh minh họa

Bị đuổi việc

Đây là một trong những câu chuyện được đưa ra tại hội thảo về việc làm của người chuyển giới nữ do Viện nghiên cứu Xã hội, Kinh tế và Môi trường (ISee) tổ chức. TS Văn hóa Phạm Quỳnh Phương cho biết, thời gian qua ISee tiến hành khảo sát về thực trạng cũng như những thách thức trong vấn đề tìm việc của người chuyển giới nữ. Nghiên cứu được tiến hành trên 223 người chuyển giới nữ, độ tuổi chiếm phần lớn là từ 18-24 tuổi. Địa bàn sinh sống tại Tp.Hồ Chí Minh chiếm 50,7% và Hà Nội chiếm 9,4%.

Trình độ của nhóm này chủ yếu là tốt nghiệp cấp 2 và 3. Trong đó, 21,8% đã từng có việc làm và hiện không có việc. Với nhóm tuổi từ 18-24, tỉ lệ này là hơn 24%. Kênh tìm việc của họ đa số là tự tìm việc làm qua tuyển dụng công khai (43,9%); có 37,4% do gia đình, người quen giới thiệu; chỉ có 3,3% là qua trung tâm giới thiệu việc làm. Điều đặc biệt là số người làm tại cơ quan Nhà nước chỉ chiếm số nhỏ (11,3%) còn lại là làm mại dâm, làm gái (2,5%), hoặc đi hát nhà đám, hội chợ (6,3%) và tự kinh doanh riêng, phụ giúp gia đình. Vì thế, có khoảng 8% không có thu nhập; chỉ có hơn 20% có thu nhập từ 2 đến dưới 4 triệu đồng/tháng.

V., 26 tuổi cho biết, hiện việc phục vụ cafe là thu nhập chính, khoảng 2 triệu. Còn trang điểm, cả tháng có khi chỉ có được 1 lần, cũng có khi phải 2 tháng mới có được 1 lần.

Hay như Y., 20 tuổi chia sẻ, mấy người khách quen trong xóm thấy em gội đầu được, người ta kêu đến làm tại nhà, được trả 30 ngàn đồng. Nhưng 1 tuần chỉ được 2-3 ngày thôi. Nhiều khi 1 tháng không ai gội đầu luôn.

TS Phạm Quỳnh Phương cho biết, trải nghiệm của người chuyển giới nữ khi đi xin việc thường bị loại, vì thể hiện mình ra bên ngoài (chiếm 35%); có gần 32% bị loại vì không đủ bằng cấp, kinh nghiệm; 8,1% bị loại vì không có giấy tờ tùy thân như chứng minh thư nhân dân. Đặc biệt, có khoảng 5% bị cấp trên và đồng nghiệp quấy rối tình dục; 13% bị đuổi việc vì bộc lộ hoặc bị phát hiện là người chuyển giới; 14,6% bị trêu chọc dè bỉu, xa lánh. Thậm chí, họ còn bị đối xử không công bằng (lương thấp hơn, điều kiện lao động tồi hơn) so với đồng nghiệp 16,3%.

Học cũng không xin được việc!

Theo TS Phương, kết quả khảo sát chỉ ra rằng những người có học vấn cao thì cơ hội làm cơ quan Nhà nước nhiều hơn (19%), hoặc làm công ty tư nhân, khách sạn, nhà hàng (30%). Còn những người học vấn từ cấp 3 trở xuống có xu hướng phụ giúp kinh doanh gia đình nhiều hơn, đi hát đám ma, hát hội hoặc biểu diễn, và cũng có xu hướng làm kết hợp từ 2 nghề trở lên nhiều hơn. Tuy nhiên, học vấn cao không quyết định việc họ không làm mại dâm.

H., một người chuyển giới nữ bày tỏ, học cũng đâu xin được việc! Đi học thì học nghề thôi chứ không bao giờ đi học chữ nữa… Bây giờ em học qua lớp 12 rồi lấy bằng tốt nghiệp, rốt cuộc giới tính của em như vậy, cầm cái bằng ra xin việc cũng có ai nhận đâu. Bây giờ chỉ có cầm cái bằng nghề trong tay thôi, chứ không cầm bằng học… Nói chung, bộ dạng con trai xin việc làm thì được, nhưng bộ dạng con gái không xin được đâu.

Chính từ những kỳ thị của xã hội, cộng đồng nên những người chuyển giới nữ buộc phải chọn con đường bán dâm hoặc hát đám ma. TS Phương đánh giá, những người thể hiện bản dạng giới nữ phải kết hợp nhiều nghề để sinh sống… Họ cũng có thu nhập thấp hơn. Nguyên nhân do sự kỳ thị của xã hội dẫn đến học vấn thấp, không có bằng cấp, không có việc làm và dẫn đến làm những việc bị xã hội dè bỉu, khiến sự kỳ thị càng gia tăng. Và đây là con đường khiến họ rơi vào cảnh nghèo đói. Bên cạnh đó, sự mâu thuẫn giữa thể hiện giới và giới tính ghi trong lý lịch. Họ phải làm những việc dành cho nam giới nhưng không đủ sức, dẫn đến mất việc, bỏ việc và cũng trở nên nghèo đói.

Theo TS Phương, các rào cản đối với cơ hội việc làm của người chuyển giới nữ khá phức tạp, là hệ quả của nhau, nhưng chủ yếu được bắt nguồn từ sự kỳ thị của xã hội. Để tháo gỡ những vướng mắc này, họ cần được cấp giấy phép cho biểu diễn; đào tạo nghề phù hợp, hoặc đúng sở thích như làm tóc, trang điểm, biểu diễn…; xây dựng và thử nghiệm các dự án thí điểm về tạo công ăn việc làm cho người chuyển giới, đầu tư mở rộng các cơ sở có tiềm năng.

Phương An

Bình luận

Nổi bật

Những phi cơ già cỗi nhất thế giới, bay trên bầu trời nửa thế kỷ vẫn còn hoạt động

Những phi cơ già cỗi nhất thế giới, bay trên bầu trời nửa thế kỷ vẫn còn hoạt động

sự kiện🞄Thứ ba, 20/02/2024, 10:09

Trên thế giới còn rất nhiều những chiếc phi cơ 'lão thành' ngót nghét 50 tuổi vẫn đang bay trên bầu trời.

Người phụ nữ mắc ung thư gan giai đoạn cuối vì 1 loại thực phẩm quen thuộc, chuyên gia cảnh báo thói quen này nhiều người mắc phải

Người phụ nữ mắc ung thư gan giai đoạn cuối vì 1 loại thực phẩm quen thuộc, chuyên gia cảnh báo thói quen này nhiều người mắc phải

sự kiện🞄Thứ bảy, 14/10/2023, 05:57

Loại thực phẩm nhiều người xem như vô hại này lại là nguyên nhân dẫn đến bệnh tật, thậm chí nguy hiểm tới tính mạng, chúng thường được gọi là "sát thủ thầm lặng" tàn phá sức khoẻ con người.

Cảng Chu Lai đón tàu lớn và nâng cao hiệu suất khai thác hàng rời

Cảng Chu Lai đón tàu lớn và nâng cao hiệu suất khai thác hàng rời

sự kiện🞄Thứ năm, 29/06/2023, 15:00

(CL&CS) - Cảng Chu Lai thuộc Công ty Giao nhận - vận chuyển quốc tế Trường Hải (THILOGI) đang dần khẳng định năng lực tiếp nhận tàu lớn, khai thác đa dạng hàng hóa, đáp ứng nhu cầu xuất nhập khẩu của các doanh nghiệp, góp phần thúc đẩy giao thương tại khu vực miền Trung, Tây Nguyên.