Văn hóa và Đời sống
Thứ bảy, 09/03/2024, 13:57 PM

Vị tướng xuất thân nông dân được đích thân Bác Hồ đặt tên: Nhận phong hàm Đại tướng khi mới 45 tuổi, con trai cũng là Thượng tướng lỗi lạc

Ông là vị tướng có những cống hiến đặc biệt quan trọng trong những quyết định có tính chất bước ngoặt của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước.

Người được ví như "con đại bàng, có tầm nhìn xa trông rộng"

Đại tướng Nguyễn Chí Thanh tên khai sinh là Nguyễn Vịnh, sinh ngày 1/1/1914 trong một gia đình nông dân yêu nước ở thôn Niêm Phò, xã Quảng Thọ, huyện Quảng Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế. Sớm nhận thức được lẽ sống, lý tưởng, trách nhiệm của mình đối với nhân dân, ông đã tham gia những cuộc đấu tranh chống áp bức, cường hào khi mới 14 tuổi và tham gia hoạt động cách mạng dưới ngọn cờ lãnh đạo của Ðảng Cộng sản Ðông Dương trong phong trào Mặt trận Dân chủ bằng bầu nhiệt huyết của tuổi trẻ.

Chân dung Đại tướng Nguyễn Chí Thanh. Ảnh: Thế Hoàng/Tạp chí Tuyên giáo

Chân dung Đại tướng Nguyễn Chí Thanh. Ảnh: Thế Hoàng/Tạp chí Tuyên giáo

Tại Quốc dân Đại hội Tân Trào tháng 8/1945, khi nghe có tên Nguyễn Chí Thanh trong danh sách Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Nguyễn Vịnh quay sang hỏi Đại tướng Võ Nguyên Giáp ngồi bên cạnh: "Nguyễn Chí Thanh là ai mà nghe lạ thế?"

Đại tướng Võ Nguyên Giáp mỉm cười trả lời: "Là anh chứ ai nữa, chính Bác đặt tên cho anh đấy". Nguyễn Vịnh vừa ngỡ ngàng, vừa sung sướng. Từ đây cái tên Nguyễn Chí Thanh trở thành một phần lịch sử của quân đội ta, của Cách mạng Việt Nam.

Tiểu sử và quá trình hoạt động cách mạng về ông được Từ điển Bách khoa Quân sự Việt Nam khái quát: "Tháng 7/1937, ông được kết nạp vào Đảng Cộng sản Đông Dương; được cử làm Bí thư Chi bộ Niêm Phò, tổ chức Đảng đầu tiên của huyện Quảng Điền, được chỉ định tham gia Tỉnh uỷ lâm thời.

Đầu năm 1938, ông làm Bí thư Tỉnh uỷ Thừa Thiên Huế. Cuối năm 1938, ông bị Pháp bắt giam ở nhà lao Thừa Phủ, kết án hai năm tù. Trong tù, ông được bầu làm Bí thư Chi bộ, lãnh đạo cuộc đấu tranh chống lại chế độ hà khắc trong nhà tù giành thắng lợi, nhưng Nguyễn Vịnh và một số lãnh đạo bị Pháp trả thù, tuyên thêm 6 tháng, giam tại nhà tù Lao Bảo.

Đến tháng 10/1940, Nguyễn Vịnh, Tố Hữu bị chuyển đến nhà tù Buôn Ma Thuột. Năm 1941, ông cùng một số người khác tổ chức vượt ngục thành công và trở về thành lập Tỉnh uỷ lâm thời Thừa Thiên; tổ chức xây dựng, phát triển hệ thống cơ sở cách mạng, các đoàn thể Việt Minh, lực lượng tự vệ..."

Năm 1950, cuộc kháng chiến chống Pháp bước vào giai đoạn quyết liệt, Nguyễn Chí Thanh được giao làm Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam, Phó Bí thư Tổng Quân uỷ. Dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của ông, công tác Đảng, công tác chính trị có bước tiến vượt bậc; trở thành “linh hồn, mạch sống” của quân đội.

Tại Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ II năm 1951, ông được bầu vào Ban Chấp hành Trung ương và được cử vào Bộ Chính trị. Năm 1959, ông được phong quân hàm Đại tướng khi mới 45 tuổi.

Vợ chồng Đại tướng Nguyễn Chí Thanh năm 1957

Vợ chồng Đại tướng Nguyễn Chí Thanh năm 1957

Giữa năm 1964, khi cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của nhân dân miền Nam bước vào thời điểm bước ngoặt của cuộc chiến tranh, Đại tướng Nguyễn Chí Thanh được điều vào miền Nam giữ chức Bí thư Trung ương Cục miền Nam, Chính uỷ Quân Giải phóng miền Nam, tham gia lãnh đạo, chỉ đạo Cách mạng miền Nam trong kháng chiến chống Mỹ.

Bên cạnh đó, ông còn từng công tác ở nhiều lĩnh vực chính trị khác nhau và đều có khả năng phát triển lĩnh vực đó nên còn được gọi là "vị tướng phong trào".

Ngày 6/7/1967, đúng vào ngày lên đường trở lại chiến trường miền Nam, Đại tướng Nguyễn Chí Thanh đột ngột qua đời sau một cơn đau tim nặng. Đột ngột ra đi ở tuổi 53, Đại tướng còn nhiều việc lớn đang dang dở, để lại nỗi đau xót, tiếc thương tột cùng cho gia đình, đồng chí, đồng bào cả nước và bạn bè thế giới.

Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã nói vào ngày Đại tướng Nguyễn Chí Thanh ra đi rằng: “Chúng ta mất một con đại bàng trên trời cao, có tầm nhìn xa trông rộng, lại thấy được cái rất cụ thể trên mặt đất”.

Học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh

Với bản lĩnh kiên cường, trí tuệ mẫn tiệp và nhãn quan chính trị sắc sảo, Đại tướng Nguyễn Chí Thanh đã dành hết tâm huyết cho sự nghiệp xây dựng quân đội, củng cố quốc phòng, bảo vệ Tổ quốc.

Đại tướng đã lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức xây dựng quân đội vững mạnh toàn diện về chính trị, tư tưởng, tổ chức, hoạt động. Trong đó, xây dựng nền móng chính trị vững chắc cho Quân đội Nhân dân Việt Nam là quan điểm nhất quán, xuyên suốt của Đại tướng Nguyễn Chí Thanh.

Bác Hồ với Đại tướng Nguyễn Chí Thanh

Bác Hồ với Đại tướng Nguyễn Chí Thanh

Là học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đại tướng Nguyễn Chí Thanh đã quán triệt sâu sắc và thực hiện sáng tạo tư tưởng của Người là quân sự phục tùng chính trị, chính trị là gốc; xây dựng lực lượng vũ trang phải trên cơ sở xây dựng lực lượng chính trị quần chúng; trong xây dựng quân đội, phải lấy xây dựng chính trị làm cơ sở để nâng cao chất lượng tổng hợp và sức mạnh chiến đấu.

Luôn quán triệt sâu sắc nguyên tắc Đảng lãnh đạo tuyệt đối quân đội. Đại tướng Nguyễn Chí Thanh khẳng định: “Quân đội ta là quân đội của Đảng. Đảng lãnh đạo tuyệt đối quân đội. Chúng ta cần kiên quyết đấu tranh chống lại tất cả những khuynh hướng cho rằng quân đội là phi đảng, phi chính trị, phi giai cấp và đòi làm giảm nhẹ sự lãnh đạo của Đảng trong quân đội."

Đại tướng Nguyễn Chí Thanh được Đảng, Nhà nước tặng thưởng nhiều Huân chương cao quý như Huân chương Sao Vàng (truy tặng), Huân chương Hồ Chí Minh, Huân chương Quân công hạng Nhất, Huân chương Chiến thắng hạng Nhất... Để ghi nhớ công lao của ông, nhiều đường phố, trường học trong cả nước mang tên Nguyễn Chí Thanh.

Ngoài ra, con trai của cố Đại tướng Nguyễn Chí Thanh - Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh cũng là một vị tướng lỗi lạc, lừng danh của quân đội. Cuộc đời hơn 40 năm quân ngũ của Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh để lại nhiều di sản quan trọng trong lĩnh vực tình báo quốc phòng, đối ngoại quốc phòng và xây dựng Quân đội nhân dân Việt Nam chính quy, hiện đại.

Quỳnh Như

Bình luận

Nổi bật

Người Anh hùng đào đường hầm trên đồi A1, góp phần làm nên kỳ tích vận chuyển các khối bộc phá gần 1 tấn trong chiến dịch Điện Biên Phủ

Người Anh hùng đào đường hầm trên đồi A1, góp phần làm nên kỳ tích vận chuyển các khối bộc phá gần 1 tấn trong chiến dịch Điện Biên Phủ

sự kiện🞄Thứ bảy, 04/05/2024, 12:48

Khối bộc phá 960kg trên đồi A1 à một minh chứng rõ ràng cho sự can đảm, tinh thần hy sinh của quân và dân ta trong chiến dịch Điện Biên Phủ vĩ đại.

Cụ ông 100 tuổi vẫn chơi trống trong sinh nhật, sống thọ nhờ 3 ‘gạch đầu dòng’ ai cũng biết nhưng lười làm

Cụ ông 100 tuổi vẫn chơi trống trong sinh nhật, sống thọ nhờ 3 ‘gạch đầu dòng’ ai cũng biết nhưng lười làm

sự kiện🞄Thứ bảy, 04/05/2024, 12:47

Cụ ông Roger Wonson đã bước sang tuổi 100, vẫn khỏe mạnh nhờ duy trì những bí quyết sống thọ thú vị.

Siêu du thuyền khỏa thân lớn nhất thế giới chuẩn bị ra khơi: Hơn 2.300 hành khách không mặc gì trong cả chuyến đi!

Siêu du thuyền khỏa thân lớn nhất thế giới chuẩn bị ra khơi: Hơn 2.300 hành khách không mặc gì trong cả chuyến đi!

sự kiện🞄Thứ bảy, 04/05/2024, 09:45

Chuyến tham quan kéo dài 11 ngày, được gọi với tên gọi "Con thuyền khỏa thân lớn năm 2025" trên con tàu Norwegian Pear với sức chứa hơn 2.300 người.