Thứ ba, 19/09/2017, 06:35 AM

Tiến sĩ âm nhạc người Mỹ say mê Bolero

(NTD) - Thời gian gần đây, dòng nhạc Bolero hồi sinh khá mạnh mẽ lôi kéo được sự chú ý về thị hiếu âm nhạc của công chúng, đồng thời cũng làm dậy lên nhiều ý kiến trái chiều… Ở đây, chúng tôi xin giới thiệu một trí thức, một chuyên gia về âm nhạc Việt Nam, cũng như góc nhìn của ông về dòng nhạc Bolero…

Cách đây 12 năm, một người đàn ông quốc tịch Mỹ từ Hà Nội vào Sài Gòn tìm tôi chỉ để bàn luận về âm nhạc miền Nam trước năm 1975 (vì anh này có theo dõi các bài viết của tôi đăng trên một số báo, tạp chí - và anh cho rằng tôi cũng có chút hiểu biết về lĩnh vực này). Từ đó, chúng tôi thành bạn thân…

JG-2
Jason Gibbs làm việc bằng máy điện thoại và những cuốn từ điển.

Anh tên là Jason Gibbs, sinh năm 1960 tại bang Tennessee, lớn lên và đi học ở Virginia. Jason học nhạc từ năm 8 tuổi, từng tốt nghiệp khoa sáng tác ở các trường Đại học William & Mary và trường Pittburgh với học vị Tiến sĩ Âm nhạc. Hiện nay Jason Gibbs là quản thủ thư viện ở San Francisco. Anh từng là nhà soạn nhạc (có khoảng 50 nhạc phẩm thính phòng và giao hưởng), nghệ sĩ trình tấu…Ngoài ra, Jason còn là tác giả của các công trình nghiên cứu về âm nhạc đã đăng tải trên các phương tiện truyền thông…

Tác phẩm đáng chú ý nhất của Jason Gibbs là cuốn sách “Rock Hà Nội và Rumba Cửu Long - Câu chuyện âm nhạc” (Nguyễn Trương Quý dịch, NXB Tri Thức 2008). Không cần đọc kỹ tác phẩm, chỉ lướt qua phần mục lục, chúng ta cũng thấy được Jason say mê và am hiểu nền âm nhạc Việt Nam như thế nào: Bài Tây, bài ta: Khúc dạo đầu và chuyển thể của ca khúc phổ thông Tây phương của Việt Nam trước 1940; Nhạc tiền chiến: Khởi đầu của ca khúc phổ thông Việt Nam; Cải cách và truyền thống trong ca khúc phổ thông Việt Nam thời kỳ đầu; Kịch nói, La Scène Tonkioise (Hội kịch Bắc kỳ), và những bài hát tân nhạc Việt Nam đầu tiên cùng nhiều tác phẩm khác.

JG-3
Jason Gibbs và cuốn sách do người viết tặng.

Hỏi Jason, vì sao anh yêu nhạc Việt Nam như thế? Anh kể: “Năm 1985, khi đang ăn món canh chua và gà kho sả ớt trong một nhà hàng Việt Nam ở thành phố Pittburgh (nơi anh đang theo học) thì được nghe những bài hát mà người Việt ở hải ngoại lúc đó rất thích. Tò mò, anh mua một vài đĩa nhạc về nhà nghe, thấy lòng dâng lên một cảm xúc khó tả. Sau này, anh nhờ một phụ nữ Việt Nam dạy tiếng Việt cho mình và trau dồi thêm vốn liếng tiếng Việt trong cộng đồng người Việt ở Mỹ, anh mới biết cái cảm xúc ban đầu ấy chính do loại âm nhạc chịu ảnh hưởng tiếng Việt - một ngôn ngữ giàu âm tiết, nhạc điệu… Từ đó, anh chuyên tâm nghiên cứu âm nhạc Việt Nam và ngày càng khám phá ra nhiều điều lý thú…

Năm 1993, Jason Gibbs quyết định sang Việt Nam để tìm hiểu “ngọn nguồn”. Lang thang trên đường phố Hà Nội, do chưa rành tiếng Việt nên trên tay anh luôn cầm cây bút và cuốn sổ để “bút đàm” về những thắc mắc của mình với mọi người trên phố. Có một cô gái quê gốc Vĩnh Phúc đã rất tích cực trả lời anh và ít lâu sau đó họ trở thành vợ chồng (đến nay con gái của họ đã 12 tuổi, và anh đã viết tiếng Việt bằng tay trái còn nhanh hơn nói). Trở thành “chú rể Việt”, Jason càng tích cực “về quê vợ”…

Năm 1995, Jason đã có 6 tháng đi khắp Việt Nam để nghiên cứu từ nhạc tiền chiến, nhạc trong chiến tranh ở cả hai miền Bắc - Nam, nhạc Bolero, nhạc hậu chiến và cả dân ca, hát ả đào, chèo, nhã nhạc cung đình Huế, cải lương Nam bộ. Theo Tạp chí Văn (số 69 tháng 9/2002): “Jason Gibbs là người có những khảo cứu và tư liệu đầy đủ nhất về nhạc Việt Nam từ thời tiền chiến đến nay”.

JG-1
NS Lã Văn Cường, người viết và Jason Gibbs.

Đặc biệt, Jason rất ưa thích các ca khúc thể loại Bolero. Ở Hội nghị quốc tế nghiên cứu về nhạc phổ thông (International association for the study of popular music, 2005), Jason đã trình bày chuyên đề “Vai trò đặc biệt của nhịp điệu Bolero trong âm nhạc Việt Nam”. Lý giải về điều này, anh nói; “Tôi yêu Bolero Việt vì trong ca từ có những đồng lúa xôn xao, có cây đa bến nước, có bờ đê lũy tre, có cây mít cây ổi, đứa bé chăn trâu, bà già nhai trầu…nó mang tâm cảnh rất riêng của người Việt, là đất nước Việt Nam, là… “quê vợ của tôi!”.

Mỗi lần Jason Gibbs từ Hà Nội vào TP.HCM, anh đều gọi điện hẹn gặp tôi và nhờ tôi đưa đến gặp gỡ những nhạc sĩ xưa (trước 1975) như Hàn Châu, Lê Hoàng Long, Đài Phương Trang… Tôi đóng vai “xe ôm” đưa anh đến những quán bia, là “điểm hẹn” của các văn nghệ sĩ Sài Gòn. Trên đường đi, tôi “điểm danh” lại những nhạc sĩ xưa cũ…Không ngờ, anh bảo: Những nhạc sĩ Thanh Sơn, Hoàng Trang, Mặc Thế Nhân, Trương Hoàng Xuân… anh đã từng gặp gỡ, phỏng vấn họ từ mười mấy năm về trước nhờ nhạc sĩ Lê Mộng Bảo giới thiệu.

Chính vì thế, sau buổi làm việc của anh với các nhạc sĩ, người viết đã “chiêu đãi” Jason một bữa nhạc Bolero với những giọng ca “cây nhà lá vườn”. Jason cũng đáp lễ bằng cách hát những ca khúc Bolero. Vốn liếng tiếng Việt của anh rất phong phú, nhưng để hát cho “tròn vành, rõ chữ” thì còn lâu Jason mới diễn đạt tốt bằng người bản địa. Không sao, nghe anh hát Bolero rất đúng nhịp ai cũng phấn khích, vỗ tay tưng bừng… Jason cũng bảo rằng trong đời anh, mấy khi được các nhạc sĩ dòng nhạc Bolero Việt Nam “chính hiệu” đệm đàn cho mình hát, nên… hát tới bến! Cuối chiều, tôi lại đèo anh về nơi anh ở trọ - nhà của bà chị vợ của anh - một chung cư ở sát rạch Thị Nghè. Nhìn anh xách chiếc cặp cũ sờn đi vào cổng chung cư, tôi cứ bần thần: Điều gì đã khiến một người Mỹ phải lang thang khắp nẻo đường Việt Nam trong một hoàn cảnh khá là khó khăn để tìm hiểu và thể hiện niềm đam mê tột cùng của mình với một nền âm nhạc - mà nền âm nhạc đó ngay từ khi hình thành đã vay mượn, thừa hưởng những tinh hoa âm nhạc từ nước ngoài - điều đó chỉ có thể là dù thoát thai từ vay mượn, nhưng âm nhạc Việt Nam (trong đó có dòng nhạc Bolero) đã có một sự “thay máu” để làm nên một bản sắc riêng, không lẫn vào các nền âm nhạc và văn hóa của các nước khác. Còn riêng “Ông Tây bụi” thì khẳng định: “Dòng nhạc Bolero chính là đặc sản của âm nhạc miền Nam Việt Nam - một dòng nhạc chỉ có ở Việt Nam”.

Hoạt động gần đây nhất của Jason Gibbs gắn với nhạc Bolero là tham dự một hội thảo về Việt Nam có tên là “Engaging with Vietnam” (Đối thoại với Việt Nam) diễn ra tại Đại học Hawaii (Honululu, Mỹ) từ ngày 4-10/2016, trong hội nghị này Jason Gibbs trình bày tham luận “Songs of Night’s intimacy: The Bolero Vietnam” (Bài ca của đêm tâm sự: Nhạc Bolero Việt Nam), nói về sự hình thành và phát triển cũng như nội dung thường thấy ở những bài hát Bolero…

Nick name trên facebook của Jason là Tạ Son, một cái tên Việt khá lạ, tôi thắc mắc, Jason đáp: “Vì bà mẹ vợ phát âm không được tên Jason, nên cứ gọi là… Tạ Son (một tạ son), cho chắc ăn và… dễ hiểu!

 Bài và ảnh: Hà Đình Nguyên

 

_NTD_So 108_49
 

Bình luận

Nổi bật

Tây Ninh: Phát triển khoa học và công nghệ, nâng cao chất lượng cuộc sống người dân

Tây Ninh: Phát triển khoa học và công nghệ, nâng cao chất lượng cuộc sống người dân

sự kiện🞄Thứ ba, 21/05/2024, 14:47

(CL&CS) - Những năm gần đây, ngành khoa học và công nghệ (KH&CN) của tỉnh Tây Ninh đã hoàn thành tốt các nhiệm vụ được giao, đóng góp thiết thực cho phát triển kinh tế xã hội, bảo đảm quốc phòng an ninh, an sinh xã hội và nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân.

Học sinh Việt Nam giành giải nhì tại Hội thi Khoa học kỹ thuật quốc tế

Học sinh Việt Nam giành giải nhì tại Hội thi Khoa học kỹ thuật quốc tế

sự kiện🞄Thứ ba, 21/05/2024, 13:50

(CL&CS) - Vừa qua, tại Hội thi Khoa học kỹ thuật quốc tế 2024 (Regeneron ISEF 2024), đoàn Việt Nam năm nay đoạt 1 giải Nhì thuộc lĩnh vực Phần mềm hệ thống.

Hà Nội: Hỗ trợ nông dân mua thiết bị bay không người lái ứng dụng trong nông nghiệp

Hà Nội: Hỗ trợ nông dân mua thiết bị bay không người lái ứng dụng trong nông nghiệp

sự kiện🞄Thứ ba, 21/05/2024, 13:49

(CL&CS) - Theo đó, UBND TP Hà Nội sẽ bố trí khoảng 11 tỷ đồng để thực hiện chính sách hỗ trợ kinh phí phun thuốc bảo vệ thực vật bằng thiết bị bay không người lái (Drone/UAV) cho các tổ chức, cá nhân.