Thị trường bán lẻ nội địa ngày càng bị xâm lấn

(NTD) - Theo cam kết lộ trình gia nhập của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), từ ngày 01/01/2009, các nhà bán lẻ nước ngoài đã được phép thành lập doanh nghiệp 100% vốn tại Việt Nam. Do đó, không phải đến lúc này thị trường bán lẻ Việt mới phải đối mặt với những thách thức của làn sóng nước ngoài ồ ạt đầu tư vào. Tuy nhiên, từ đó cho đến nay, sự nỗ lực của các nhà bán lẻ nội vẫn chưa cải thiện được là bao mà nguy cơ bị xâm lấn thị phần trên thị trường vẫn luôn bị đe dọa.

Thách thức lớn về năng lực cạnh tranh

Mới đây, tại Hà Nội, Tổng cục Môi trường (VEA) và Hiệp hội Các Nhà bán lẻ Việt Nam (AVR) phối hợp tổ chức Diễn đàn “Trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp với niềm tin người tiêu dùng”.

Phát biểu tại Diễn đàn, bà Đinh Thị Mỹ Loan, Chủ tịch Hiệp hội các nhà bán lẻ Việt Nam (AVR) cho biết, các doanh nghiệp (DN) Việt Nam hiện đang đứng trước những thách thức lớn về năng lực cạnh tranh. Điều này thể hiện rõ nhất khi thời  gian gần đây, bên cạnh các DN lớn đã ở Việt Nam nhiều năm trước như Metro, BigC, Parkson thì thị trường phân phối, bán lẻ Việt Nam đã chứng kiến sự có mặt của các nhà bán lẻ lớn như Lotte (Hàn Quốc), AEON (Nhật Bản); hoặc đang chuẩn bị thâm nhập thị trường như E-Mart (Hàn Quốc), Takashimaya (Nhật Bản), Auchan (Pháp)…

Bà Đinh Thị Mỹ Loan – Chủ tịch hiệp hội bán lẻ Việt Nam.
Bà Đinh Thị Mỹ Loan – Chủ tịch hiệp hội bán lẻ Việt Nam.

Sự xuất hiện của hàng loạt nhà bán lẻ ngoại với vốn lớn, có kinh nghiệm trong việc kinh doanh và tầm nhìn chiến lược, công với sự PR tốt và nhận được nhiều ưu tiên đầu tư khiến các nhà bán lẻ nội đang chịu nhiều áp lực, thách thức.

Theo chuyên gia kinh tế Vũ Vinh Phú, các nhà bán lẻ Việt Nam đang đứng trước những thách thức lớn như: quy mô kinh doanh nhỏ, hạ tầng phục vụ còn thấp, tính chuyên nghiệp chưa cao, văn hóa phục vụ còn nhiều điều cần khắc phục, hợp tác giữa các doanh nghiệp bán lẻ với nhau, giữa bán lẻ với sản xuất còn chưa cao. Đặc biệt là khó khăn trong việc phát triển kênh phân phối hàng hóa. Đồng thời, nhiều chính sách dành cho ngành bán lẻ trong nước cũng không được thuận lợi, ưu tiên như dành cho các nhà bán lẻ ngoại.

Ông Nguyễn Vinh Phú – Chủ tịch hiệp hội siêu thị Hà Nội.
Ông Nguyễn Vinh Phú – Chủ tịch hiệp hội siêu thị Hà Nội.

Tại Việt Nam cũng thường xuyên xảy ra tình trạng nhiều mặt hàng chăn nuôi, sản xuất, nông sản đang bị rớt giá mạnh, nhưng tại các siêu thị giá bán vẫn cao gấp hàng chục lần. Hay việc hàng loạt siêu thị trong nước đã bị phát hiện bán hàng không đảm bảo, rau trôi nổi trà trộn thành rau sạch, nấm không rõ nguồn gốc… Tình trạng này có thể khiến người tiêu dùng mất niềm tin và “quay lưng” với siêu thị.

“Đây không chỉ là thách thức của ngành bán lẻ mà còn là thách thức chung với ngành sản xuất và phân phối của Việt Nam. Từ nhiều năm nay bài toán tìm đầu ra cho nông sản, sản phẩm chăn nuôi… vẫn chưa có lời giải dẫn đến việc người tiêu dùng Việt vẫn chưa được hưởng những lợi thế của một đất nước nông nghiệp như Việt Nam, và cũng ảnh hưởng lây đến dịch vụ và giá cả của các sản phẩm trong siêu thị”, ông Phú nhận định.

Cần phải đề cao chữ “Tín”

Trong bối cảnh thực phẩm thật giả lẫn lộn, giá cả bát nháo, khiến niềm tin của người tiêu dùng (NTD) dần sụt giảm. Điều này càng tạo cơ hội cho các mặt hàng nhập khẩu, vốn được coi là chất lượng tốt được dịp lấn át doanh nghiệp nội. Để thị trường nội địa trở nên tin cậy cho NTD, theo bà Đinh Thị Mỹ Loan cần phải đề cao chữ Tín của các DN đối với NTD.

Theo bà Loan nhận định, để thiết lập chữ Tín và niềm tin cho NTD hiện nay, DN cần có chiến lược và hành động thiết thực, thực hiện trách nhiệm xã hội, liên quan đến 7 vấn đề như marketing trung thực, bảo vệ sức khỏe NTD, tiêu dùng bền vững, giải quyết khiếu nại tranh chấp, bảo mật thông tin cá nhân NTD, bảo đảm quyền lợi của NTD và nâng cao nhận thức của NTD.

Điểm đầu tiên trong việc giúp doanh nghiệp có chữ Tín với khách hàng, bà Mỹ Loan cho rằng Marketing những thông tin về sản phẩm và doanh nghiệp phải trung thực, đồng thời thực hành kinh doanh cũng theo phương châm tương tự.

Ông Vũ Vinh Phú cho hay, hiện có 87% người dân Hà Nội vẫn mua hàng tại chợ cóc, chợ truyền thống, lương cơ bản của công nhân vẫn đang ở mức 2,7 triệu đồng/ tháng, nên chẳng ai dám đi siêu thị. Vì thế, muốn tạo lập niềm tin của NTD vào DN, thể hiện ở nơi cung cấp sản phẩm tại siêu thị cũng khó, bởi thu nhập người dân thấp, giá hàng hóa lại cao. Do đó, nếu có tiền, người ta lại dễ tin hàng nhập khẩu hơn.

Theo ông Phú, nên chọn 5 mặt hàng thiết yếu để làm thành chuỗi cung ứng cho tốt, gồm gạo, thịt cá, rau, hoa quả, thuốc chữa bệnh để làm thí điểm, nếu làm tốt có thể nhân rộng ra. Rồi sau đó phân định trong chuỗi cung ứng ai làm, làm gì, làm như thế nào? Có vậy mới bán được nhiều sản phẩm giá rẻ do chi phí thấp, đồng thời chính nhà bán lẻ cũng đặt được hàng và kiểm soát chất lượng, quá trình vận chuyển nhằm đảm bảo chất lượng sản phẩm và giá thành.

Với tất cả thực trạng đang diễn ra, quá trình củng cố chữ Tín, lấy lại niềm tin NTD của các doanh nghiệp hết sức gian nan, vất vả, vẫn là một con đường dài phía trước. Chỉ mình doanh nghiệp muốn cũng không được mà còn cần nhiều yếu tố về xã hội, môi trường, luật định. “Dù niềm tin của NTD hiện nay có bị sụt giảm tệ hại thế nào đi chăng nữa, nhưng khi các doanh nghiệp và những tổ chức xã hội đã nhìn ra vấn đề, đồng thời bắt tay tạo lập xây dựng lại lòng tin thì cây cũng sẽ lớn nữa là niềm tin của NTD, họ cũng rất dễ “xiêu lòng”, bà Loan khẳng định.

Lê Cao


Bình luận

Nổi bật

Dự án Diamond Lotus Riverside bị UBND P.8, Q.8 buộc tháo dỡ nhà mẫu

Dự án Diamond Lotus Riverside bị UBND P.8, Q.8 buộc tháo dỡ nhà mẫu

sự kiện🞄Thứ hai, 20/05/2024, 23:06

(CL&CS) - UBND P.8, (Q.8, TP.HCM) đề nghị chủ đầu tư của dự án Diamond Lotus Riverside tháo dỡ công trình nhà mẫu tại địa chỉ 49C Lê Quang Kim. Thời gian dự kiến vào tháng 6/2024.

Doanh nhân Nguyễn Bính: Gian nan đưa bún sạch ra thị trường

Doanh nhân Nguyễn Bính: Gian nan đưa bún sạch ra thị trường

sự kiện🞄Thứ hai, 20/05/2024, 22:41

(CL&CS) - Năm 2023 là một năm khá khó khăn với những doanh nghiệp sản xuất kinh doanh. Bún tươi Nguyễn Bính cũng không ngoại lệ bởi gánh rất nhiều áp lực không chỉ vì nhu cầu tiêu dùng giảm mà còn bị lấn át bởi các đơn vị sản xuất “bún bẩn”.

Gamuda Land công bố dự án Eaton Park với diện tích 3,77ha

Gamuda Land công bố dự án Eaton Park với diện tích 3,77ha

sự kiện🞄Thứ hai, 20/05/2024, 22:38

(CL&CS) - Chủ đầu tư đến từ Malaysia Gamuda Land vừa công bố dự án căn hộ cao cấp Eaton Park (Thủ Đức, TP.HCM) có tổng diện tích dự án khoảng 3,77ha cung cấp cho thị trường 2.052 sản phẩm. Dự án đã khởi công phần ngầm giai đoạn 1 vào ngày 26/3/2024.