Dữ liệu cũ
Thứ hai, 24/06/2019, 10:25 AM

Taxi truyền thống trở mình, nhưng có “đấu” được với taxi công nghệ?

(NTD) - Trước áp lực thu hút hành khách nhanh chóng và mạnh mẽ của taxi công nghệ, các hãng taxi truyền thống liên tục tái cấu trúc để đáp ứng yêu cầu cạnh tranh phát triển. Hiệu quả đầu tiên phải kể đến là lợi nhuận quý 1/2019 của hãng Vinasun tăng hơn 3 lần so với cùng kỳ. Nhưng các nỗ lực này liệu có giúp họ “đấu” lại taxi công nghệ như Grab và mới đây là Vato, Bee...?

1

Vào giờ cao điểm, với đoạn đường hơn 3km, giá taxi công nghệ cao hơn taxi truyền thống hơn 50%.

Mạnh mẽ tái cấu trúc

Sau ba năm bị sụt giảm lợi nhuận đáng kể, quý 1/2019, lợi nhuận sau thuế của CTCP Ánh Dương Việt Nam (Vinasun) bất ngờ tăng 3 lần so với cùng kỳ năm 2018. Con số này cho thấy dường như những nỗ lực tái cấu trúc trước áp lực của taxi công nghệ của Vinasun đã có hiệu quả.

Điểm nhấn tái cấu trúc mạnh mẽ nhất của Vinasun nằm ở năm 2017. Vào tháng 9/2017, Vinasun mở thêm tính năng giúp khách hàng có thể biết trước số tiền phải trả cho đoạn đường sẽ đi, dù app gọi xe đã có từ năm 2015. Trước đó, hãng này cũng cho 8.000 tài xế chuyển từ hình thức ăn chia doanh thu sang hình thức khoán 600.000-800.000 đồng/ngày để giảm bớt chi phí hoạt động.

Trao đổi với phóng viên Báo Người Tiêu Dùng về kết quả kinh doanh quý 1/2019, ông Tạ Long Hỷ, Phó Tổng Giám đốc Vinasun cho biết, lợi nhuận đến chủ yếu từ việc khách hàng tăng. Ngoài ra, nhờ việc thanh lý xe cũ và cân đối chi phí, Vinasun thu về một khoản lợi nhuận nhất định. Khoản quảng cáo trên xe dù có mang lại lợi nhuận nhưng không đáng kể, do công ty dùng nguồn tiền đó để đầu tư tiếp vào khâu truyền thông.

Các hãng taxi truyền thống khác cũng gấp rút tái cấu trúc. Cuối năm 2018, 17 hãng taxi truyền thống đã tham gia vào Liên minh taxi Việt (có 6 hãng của Hà Nội). Giữa năm 2018, hai hãng taxi tại TP.HCM là Vinataxi và ComfortDelgro Savico đã sáp nhập với nhau để cạnh tranh với Grab. Hãng taxi từng đứng thứ hai về thị phần ở TP.HCM là Mai Linh cũng hoàn tất sáp nhập hai đơn vị ở miền Bắc và miền Trung vào cuối tháng 3/2019, đồng thời đặt ra kế hoạch tăng trưởng mạnh mẽ.

2

Ông Tạ Long Hỷ cho biết, môi trường kinh doanh taxi hiện chưa bình đẳng nên taxi truyền thống khó cạnh tranh được với taxi công nghệ.

Sống còn nhờ giữ giá

Bị áp lực từ taxi công nghệ đè nặng, vì sao các hãng taxi truyền thống nói chung và Vinasun nói riêng vẫn có thể sống sót và tăng lợi nhuận? Khe cửa hẹp này chính là nhờ không tăng giá vào giờ cao điểm.

Về điểm này, hiện taxi truyền thống có lợi thế lớn so với taxi công nghệ. Vào giờ cao điểm, thường là khoảng 11h30-13h hoặc sau 17h, giá dịch vụ taxi công nghệ như Grab có thể tăng 2-3 lần. Trong khi đó, giá taxi truyền thống vẫn không đổi. Do đó, vào giờ này, nếu lựa chọn để tiết kiệm chi phí, taxi truyền thống vẫn được người tiêu dùng ưu tiên hơn.

Thử so sánh giá của hai dịch vụ trên vào giờ cao điểm, người viết thấy rằng, giá taxi công nghệ cao hơn taxi truyền thống ít nhất đến 50%. Mặt khác, gọi taxi truyền thống vào giờ cao điểm vẫn có phần dễ dàng hơn đặt xe công nghệ. Đặc biệt, nếu đặt xe công nghệ vào buổi tối, nhất là lúc trời mưa, người tiêu dùng sẽ phải chờ rất lâu mới có xe đến đón.

Cụ thể, với đoạn đường hơn 3km, người tiêu dùng nếu gọi xe qua ứng dụng của Vinasun là 60.000 đồng, trong khi nếu đặt Grab phải trả đến 96.000 đồng. Với khoảng cách tương đương (từ 160 Bùi Thị Xuân, Q.1 đến 161 Âu Dương Lân, Q.8, TP.HCM), ứng dụng gọi xe truyền thống tính 68.000-71.000 đồng, còn app công nghệ tính đến 107.000 đồng, tức chênh nhau trên 50% giá cước.

Theo ông Tạ Long Hỷ, từ trước đến nay, taxi truyền thống không phân biệt giờ cao điểm hay thấp điểm. Vả lại, giá taxi đã được đăng ký với các cơ quan Nhà nước (Sở Giao thông Vận tải, Cục Thuế, Sở Tài chính TP.HCM). Nếu muốn thay đổi giá buộc phải đăng ký lại. Vinasun vẫn trung thành với giá đã đăng ký, thậm chí ngày nghỉ hay lễ Tết cũng vậy. “Giá taxi hiện tại đã được Vinasun duy trì trong hơn 3 năm qua, dù giá xăng và giá điện tăng” - ông Tạ Long Hỷ cho biết.

Về chuyện tăng giá vào giờ cao điểm, có ý kiến cho rằng, taxi công nghệ cố tình tạo khoảng trống giúp taxi truyền thống còn “đường sống” và giúp các hãng taxi công nghệ tránh khỏi bẫy độc quyền. Tuy nhiên thực tế hoàn toàn khác.

Ông Tạ Long Hỷ cho rằng, vào giờ cao điểm, nhu cầu đi lại của người tiêu dùng tăng cao, thậm chí taxi truyền thống cũng không đủ xe cho khách hàng chứ không riêng gì taxi công nghệ. Lúc này, taxi công nghệ tăng giá nhiều lần là rủi ro của họ và các hãng taxi truyền thống có được phần ưu thế. Đây là thực tế chứ không ai có thể chi phối được thị trường.

Trao đổi về ý kiến trên, một lãnh đạo của GrabTaxi cho biết, việc tăng giá vào giờ cao điểm là thông lệ chung trên thế giới. “Khi nhu cầu tăng cao mà số lượng xe thấp hơn, các thuật toán của Grab sẽ tự động đưa ra một mức giá tăng thích hợp. Tuy nhiên, mức tăng này thường chỉ xuất hiện trong một số trường hợp đặc biệt, như ở những vùng ít xe, những khi trời mưa, lúc nhu cầu tăng đột ngột” - vị lãnh đạo này cho biết.

Taxi truyền thống có “đấu” lại taxi công nghệ?

Về vấn đề này, ông Tạ Long Hỷ nhận xét, môi trường kinh doanh taxi hiện chưa bình đẳng nên taxi truyền thống khó cạnh tranh được với taxi công nghệ. Nhất là khi các hãng taxi truyền thống vẫn đang đóng thuế cao hơn nhiều so với taxi công nghệ. Theo số liệu đã kiểm toán, 2018 Vinasun đã đóng hơn 207 tỷ đồng thuế cho Nhà nước (không phải con số 144 tỷ đồng mà một số trang thông tin đăng tải vừa qua). Cùng năm 2018, 9 đơn vị kinh doanh phần mềm (trong đó có Grab), chỉ đóng thuế tổng cộng là 415 tỷ đồng.

Còn theo ông Phạm Ngọc Hưng, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM, chưa nói được ai hơn ai. Việc nhiều hãng taxi công nghệ xuất hiện là hướng phát triển tất yếu trên thị trường. Nhưng taxi truyền thống muốn cạnh tranh, phải cải thiện khâu quản trị nội tại. Thứ nhất là hiệu quả bộ máy điều hành, sau đó là phải ứng dụng công nghệ, cùng với việc tinh gọn mô hình hoạt động.

Ông Phạm Ngọc Hưng cho rằng, taxi truyền thống hoàn toàn có thể cạnh tranh với taxi công nghệ. Một số nơi ở châu Á như Thái Lan hay Singapore, taxi truyền thống vẫn phủ khắp các đường phố. Vấn đề là doanh nghiệp đáp ứng nhu cầu người tiêu dùng ra sao và chất lượng đến đâu. Ngoài ra, chất lượng dịch vụ (xe mới, sạch, thái độ tài xế nhiệt tình lịch sự...) cũng là một yếu tố cốt yếu giúp doanh nghiệp giữ chân khách hàng.

Những nỗ lực của Vinasun đang mang lại những hiệu quả nhất định. Điều này giúp Vinasun tăng sức cạnh tranh, khiến “đấu trường” giữa taxi truyền thống và taxi công nghệ ngày càng nóng lên. Nhưng dẫu cho cuộc chiến có đi đến đâu, người tiêu dùng vẫn mừng thầm vì là đối tượng cuối cùng được lợi.

Dương Nguyễn

 

 

Bình luận

Nổi bật

Những phi cơ già cỗi nhất thế giới, bay trên bầu trời nửa thế kỷ vẫn còn hoạt động

Những phi cơ già cỗi nhất thế giới, bay trên bầu trời nửa thế kỷ vẫn còn hoạt động

sự kiện🞄Thứ ba, 20/02/2024, 10:09

Trên thế giới còn rất nhiều những chiếc phi cơ 'lão thành' ngót nghét 50 tuổi vẫn đang bay trên bầu trời.

Người phụ nữ mắc ung thư gan giai đoạn cuối vì 1 loại thực phẩm quen thuộc, chuyên gia cảnh báo thói quen này nhiều người mắc phải

Người phụ nữ mắc ung thư gan giai đoạn cuối vì 1 loại thực phẩm quen thuộc, chuyên gia cảnh báo thói quen này nhiều người mắc phải

sự kiện🞄Thứ bảy, 14/10/2023, 05:57

Loại thực phẩm nhiều người xem như vô hại này lại là nguyên nhân dẫn đến bệnh tật, thậm chí nguy hiểm tới tính mạng, chúng thường được gọi là "sát thủ thầm lặng" tàn phá sức khoẻ con người.

Cảng Chu Lai đón tàu lớn và nâng cao hiệu suất khai thác hàng rời

Cảng Chu Lai đón tàu lớn và nâng cao hiệu suất khai thác hàng rời

sự kiện🞄Thứ năm, 29/06/2023, 15:00

(CL&CS) - Cảng Chu Lai thuộc Công ty Giao nhận - vận chuyển quốc tế Trường Hải (THILOGI) đang dần khẳng định năng lực tiếp nhận tàu lớn, khai thác đa dạng hàng hóa, đáp ứng nhu cầu xuất nhập khẩu của các doanh nghiệp, góp phần thúc đẩy giao thương tại khu vực miền Trung, Tây Nguyên.