Dữ liệu cũ
Thứ ba, 03/11/2015, 06:43 AM

Rót 3 tỉ đồng ngân sách xây trường để... đóng cửa

Sau 5 năm được bàn giao, hai công trình điểm trường mầm non và tiểu học ở khu tái định cư Tây Triệu Phong (xã Triệu Thượng, huyện Triệu Phong, Quảng Trị) vẫn đóng cửa im ỉm. Đã có hơn 3 tỉ đồng ngân sách nhà nước được rót vào hai công trình này, nhưng xây xong rồi để đó, đơn vị thụ hưởng và chính quyền địa phương chỉ biết ngắm nghía, tiếc nuối.

Trường xây xong để phơi lúa, chăn bò

Anh Nguyễn Văn Dũng (SN 1980, trú tại khu tái định cư Tây Triệu Phong) có hai con học tiểu học, đứa lớn học lớp 4, nhỏ học lớp 2. Mỗi ngày, anh Dũng dành thời gian chở hai con đến trường học thị trấn cách nơi ở 3 cây số. Trong lúc đó, ở trung tâm của khu tái định cư, có điểm trường tiểu học 5 phòng học xây dựng kiên cố, nhưng chưa bao giờ mở cửa dạy học. “Trường đẹp như mơ ri, mà chỉ làm bạn với mấy đứa chăn bò và làm kho chứa lúa, ngô, nhìn mà tiếc đứt ruột” - anh Dũng nói.

Điểm trường tiểu học được xây dựng trên khu đất bằng phẳng, cao ráo, nằm ngay cạnh đường rải nhựa phẳng lỳ. Do một thời gian không sử dụng, nên cây dại len vào đến dãy hành lang. Các hạng mục như cửa, hệ thống điện, nền, tường hầu hết còn nguyên vẹn, chỉ đôi ba chỗ bị bong tróc sơn và cửa kính bị vỡ. Một số gia đình ở khu tái định cư thấy trường bỏ hoang, đã mượn phòng để làm kho chứa lúa.

Ngay bên cạnh điểm trường tiểu học, có 4 phòng học của điểm trường mầm non. Được đầu tư xây dựng hiện đại, ngay trong các phòng học này có nhà vệ sinh và phòng nghỉ, hệ thống điện và quạt trần đầy đủ. Tuy nhiên, nhiều phòng học cửa kính bị vỡ, cây dại mọc um tùm che cả lối đi. Đã từ rất lâu, đơn vị quản lý đã “bỏ rơi” hai điểm trường này. Nghịch lý ở đây là cơ sở hạ tầng ở nhiều ngôi trường tại tỉnh Quảng Trị xuống cấp, èo uột, chật hẹp không có kinh phí khắc phục, thì hai điểm trường kiên cố bỏ hoang.

truong_afdo

Điểm trường được xây dựng khang trang, bàn giao đã 5 năm nhưng chưa một lần được sử dụng. Ảnh: Hưng Thơ 

Chúng tôi tìm đến Trường Tiểu học số 1 Triệu Thượng và Trường Mầm non Triệu Thượng - hai đơn vị được giao quản lý các công trình trên, cách khu tái định cư khoảng 3km. Hai trường này cũng ở cạnh nhau, cơ sở hạ tầng đều ở mức “khiêm tốn”. Hỏi sao nhà trường không tổ chức dạy ở điểm trường tại khu tái định cư, ai cũng lắc đầu tiếc hùi hụi. Cô giáo Ngô Thị Phương Lan - Hiệu trưởng mầm non - nói rằng hiện tại trường có hai cụm, số lượng học sinh vừa đủ. Nếu mở thêm lớp trên khu tái định cư thì học sinh kiếm đâu ra. Giáo viên biên chế ít, chia ra cũng không đủ. 

Thầy Võ Nguyên Hồng - Hiệu trưởng tiểu học - thì nói rằng điểm trường xây rất đẹp, nhưng không có tường rào, cổng ngõ, bàn ghế, và quan trọng là thiếu học sinh, nên không tổ chức dạy học được. Cả hai vị hiệu trưởng đều tỏ vẻ tiếc nuối vì ngôi trường đẹp, xây xong không sử dụng, nhưng không có cách nào giải quyết hợp lý.

Nhận đất, nhận tiền hỗ trợ rồi bỏ đi

Ông Bùi Văn Trúc - Trưởng ban quản lý dự án đầu tư và xây dựng huyện Triệu Phong - cho biết, hai điểm trường tiểu học và mầm non nằm trong dự án khu di dân tránh lũ tái định cư Tây Triệu Phong (có diện tích 140ha), được bàn giao cho địa phương quản lý năm 2010. 

Dự án có tổng mức đầu tư 30 tỉ đồng, nhưng chỉ được giải ngân 20 tỉ vì thiếu vốn. Riêng hạng mục xây dựng điểm trường mầm non (4 phòng học, diện tích 507,6m2) và tiểu học (5 phòng học, 424m2) có mức đầu tư 3,1 tỉ đồng. “Chúng tôi chỉ có trách nhiệm triển khai dự án, xây dựng hoàn thành thì bàn giao cho đơn vị quản lý. Việc bỏ hoang công trình, không sử dụng, trách nhiệm không phải của chúng tôi” - ông Trúc nói.

Được biết, từ năm 2010 đến nay, đã có 260 hộ được di dân lên khu tái định cư này. Mỗi hộ khi lên khu tái định cư sẽ được cấp từ 1.000-1500m2 đất, được hỗ trợ từ 2,7-12 triệu đồng. Ông Phan Văn Khoa - Phó Chủ tịch xã - cho biết, nhiều hộ sau khi nhận tiền hỗ trợ, được cấp đất nhưng chỉ xây nhà tạm rồi để hoang, bỏ về quê cũ hoặc đi làm ăn xa. “Đây cũng là lý do dẫn đến việc thiếu học sinh, nên điểm trường mầm non và tiểu học không mở được”.

Tại khu tái định cư Tây Triệu Phong, dù hệ thống đường, điện, nước cơ bản đã hoàn thành, nhưng ngay ở vị trí “mặt tiền”, nhiều ngôi nhà trống huơ trống hoác. Trong số 260 hộ di dân lên ở, thì gần phân nửa không sống ổn định tại khu tái định cư. Nguyên nhân chủ yếu là do ở đây không có đất sản xuất, người dân phải trở về quê cũ để làm ăn. 

Theo ông Khoa, hiện có rất nhiều gia đình mong muốn được lên sống ổn định tại khu tái định cư, quỹ đất quy hoạch ở khu này cũng còn rất nhiều. Nhưng chính quyền không đáp ứng được vì mỗi năm tỉnh chỉ phân bổ cho một ít chỉ tiêu. “Nếu đưa những hộ này lên, học sinh sẽ không thiếu nữa. Trả lời câu hỏi những hộ dân đã nhận đất, đã nhận tiền hỗ trợ nhưng không ở tại khu tái định cư, chính quyền có thu hồi lại đất và tiền hay không?, ông Khoa chưa trả lời được.

Trong lúc học sinh không đủ để mở lớp học; cơ sở vật chất, hệ thống tường rào, cổng ở điểm trường mầm non và tiểu học chưa được xây dựng - thì cũng là lúc người dân lên tái định cư đang lần lượt trở về quê cũ, vì họ là nông dân, không thể ở ổn định nơi mà không có đất sản xuất. Từ đó, nhiều hạng mục khác được đầu tư tiền tỉ phơi sương, phơi nắng rồi dần xuống cấp.

Người dân thì “tiếc đứt ruột”, nhà trường thì “tiếc hùi hụi” vì nhìn ngôi trường xây lên mà không sử dụng được. Còn các nhà quản lý, các cấp chính quyền ngoài nhiệm vụ “xây xong, để đó” ra, chưa có động thái chống lãng phí, quy hoạch đến nơi đến chốn.

Mọi thông tin mời bạn đọc xem thêm tại đây.

Theo Lao động

Bình luận

Nổi bật

Những phi cơ già cỗi nhất thế giới, bay trên bầu trời nửa thế kỷ vẫn còn hoạt động

Những phi cơ già cỗi nhất thế giới, bay trên bầu trời nửa thế kỷ vẫn còn hoạt động

sự kiện🞄Thứ ba, 20/02/2024, 10:09

Trên thế giới còn rất nhiều những chiếc phi cơ 'lão thành' ngót nghét 50 tuổi vẫn đang bay trên bầu trời.

Người phụ nữ mắc ung thư gan giai đoạn cuối vì 1 loại thực phẩm quen thuộc, chuyên gia cảnh báo thói quen này nhiều người mắc phải

Người phụ nữ mắc ung thư gan giai đoạn cuối vì 1 loại thực phẩm quen thuộc, chuyên gia cảnh báo thói quen này nhiều người mắc phải

sự kiện🞄Thứ bảy, 14/10/2023, 05:57

Loại thực phẩm nhiều người xem như vô hại này lại là nguyên nhân dẫn đến bệnh tật, thậm chí nguy hiểm tới tính mạng, chúng thường được gọi là "sát thủ thầm lặng" tàn phá sức khoẻ con người.

Cảng Chu Lai đón tàu lớn và nâng cao hiệu suất khai thác hàng rời

Cảng Chu Lai đón tàu lớn và nâng cao hiệu suất khai thác hàng rời

sự kiện🞄Thứ năm, 29/06/2023, 15:00

(CL&CS) - Cảng Chu Lai thuộc Công ty Giao nhận - vận chuyển quốc tế Trường Hải (THILOGI) đang dần khẳng định năng lực tiếp nhận tàu lớn, khai thác đa dạng hàng hóa, đáp ứng nhu cầu xuất nhập khẩu của các doanh nghiệp, góp phần thúc đẩy giao thương tại khu vực miền Trung, Tây Nguyên.