Dữ liệu cũ
Thứ ba, 19/01/2016, 08:31 AM

Ông Nguyễn Thiện Nhân và Chương trình hành động của MTTQVN: Phát triển mô hình HTX kiểu mới

(NTD) - “Từ Lào Cai cho đến tận miền Tây Nam bộ đều có mô hình hợp tác xã (HTX), mỗi HTX chỉ có vài chục hộ nông dân nhưng làm ăn rất hiệu quả. Như vậy mô hình HTX theo Luật Hợp tác xã năm 2012 đã có nền tảng rất tốt, vấn đề là làm thế nào để phát huy hơn”. Đó là nhận định của ông Nguyễn Thiện Nhân, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (MTTQVN).

DSC_4396
Ông Nguyễn Thiện Nhân, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam

* Trong năm qua ông đã có rất nhiều chuyến công tác đến nhiều nơi, tiếp xúc với người dân mọi tầng lớp, thành phần trong xã hội. Vậy ông cảm nhận như thế nào về cuộc sống của người dân hiện nay? Những kỷ niệm, ấn tượng nào đã làm ông suy nghĩ nhiều nhất?

- Ông Nguyễn Thiện Nhân: Thật ra thì không chỉ có mình tôi mà toàn thể các đồng chí lãnh đạo của Ủy ban Trung ương MTTQVN đều khát khao thực hiện nhiệm vụ với người dân.

Thông qua các chuyến đi thực tế cũng như ghi nhận ý kiến của nhân dân, cử tri và MTTQVN cơ sở phản ánh, thì việc đầu tiên tôi thấy rất là mừng tổng thể kinh tế năm 2015 phát triển tốt hơn, lạm phát chưa bao giờ thấp như năm vừa qua.

Đời sống người dân được nâng lên rõ rệt, kinh tế nông thôn phát triển hơn. Đơn cử là việc bê tông hóa đường nông thôn được chú trọng, có thể đi xe máy từ trung tâm tỉnh về đến xã, đến thôn, thậm chí đến tận nhà.

Ấn tượng đầu tiên của tôi là trong một chuyến tham dự ngày hội đại đoàn kết dân tộc ở thành phố Lào Cai, tôi có ghé thăm một hộ gia đình gồm hai vợ chồng còn sức khỏe lao động và hai người con nhưng vẫn thuộc diện hộ nghèo.

Quan sát thấy trong nhà có cái tủ lạnh rất to, tôi nghĩ bụng không biết bên trong tủ lạnh đựng cái gì, mà chạy nó thì rất tốn điện? Hỏi chủ nhà thì được biết không có chăn nuôi gì thêm. Tôi nghĩ với việc bỏ tiền mua cái tủ lạnh và chi phí để duy trì nó nếu chủ nhà nuôi thêm lợn, gà… thì hiệu quả hơn.

Rõ ràng là hộ dân này thiếu người tư vấn! Nếu như các tổ chức như Hội Nông dân hay Hội Phụ nữ tham mưu chắc họ sẽ không dùng hàng triệu đồng để mua và sử dụng cái tủ lạnh như vậy.

Song song đó cũng thấy rằng MTTQVN vẫn còn nhiều trách nhiệm, muốn giảm nghèo thì phải đến từng hộ để theo dõi, tư vấn giúp họ để làm ăn.

Ấn tượng thứ hai là vừa rồi chúng tôi có đi một số tỉnh Tây Nguyên nhân dịp ngày Noel của đồng bào Công giáo. Tôi có đến thăm hệ thống trung tâm nuôi các cháu mồ côi, có tất cả 6 trung tâm với 80 sơ thôi mà phải nuôi gần 1.000 cháu mồ côi, Nhà nước hoàn toàn không có hỗ trợ gì.

Để hoạt động họ phải tự thân vận động, tự đi làm để nuôi các cháu. Trông rất xúc động. Chúng tôi hỏi tại sao hệ thống trung tâm trẻ mồ côi nhiều vậy, thì họ trả lời là bên cạnh khó khăn chung của xã hội thì ở đây có một dân tộc có tập tục khi mẹ chết thì chôn con theo. Chính những bà sơ này khi biết tin bà mẹ sắp tắt thở thì đến xin cháu về nuôi để đừng chôn những đứa bé theo mẹ.

Tôi rất là bất ngờ bởi những công việc thầm lặng của họ. 80 người phụ nữ không có con nhưng họ đã làm mẹ và nuôi nấng 1.000 đứa trẻ là con của người khác.

Chúng tôi vào phòng ở các cháu thì thấy là ở giường đôi, trên một giường có 2 cái gối, nghĩa là các 2 cháu phải nằm một giường. Tôi hiểu rằng các bà sơ làm sao đủ kinh phí để mua giường đơn được.

Khi tôi đến các sơ rất vui, các sơ bảo rằng từ xưa đến giờ đây là lần đầu tiên lãnh đạo cấp Trung ương đến thăm trung tâm của họ.

Kỷ niệm thứ ba là đầu tháng 12/2015, MTTQVN đã phối hợp cùng 40 tổ chức tôn giáo của nước ta lần đầu tiên làm hội nghị các tôn giáo chung tay bảo vệ môi trường, thích ứng khí hậu.

Tại hội nghị các bên tham gia đã cùng ký chương trình thỏa thuận giữa 40 tổ chức tôn giáo, Bộ Tài nguyên và Môi trường và MTTQVN. Chúng tôi còn thỏa thuận là mỗi một tôn giáo hãy làm một bản tuyên ngôn về môi trường của riêng mình (dịch sang cả tiếng Anh) và dán lên tường, qua đó để biết rằng mỗi tôn giáo nghĩ gì về môi trường, biến đổi khí hậu.

Hội nghị hôm đó là một hình ảnh rất đẹp bởi 40 chức sắc đại diện của 40 tôn giáo ngồi lại với nhau để cùng ký chung vào một văn bản về môi trường. Nếu ở các nước khác thì việc 40 tôn giáo ngồi lại với nhau thì thật khó để làm được điều đó.

Cùng dự hội nghị này có một vị tùy viên chính trị của một sứ quán có nói với tôi rằng họ rất ngạc nhiên khi hôm nay có cuộc ký kết của 40 tổ chức tôn giáo.

Hợp tác xã
Lựa chọn và làm sạch rau trước khi đóng gói tại Hợp tác xã nông nghiệp và dịch vụ Phước An, xã Tân Quý Tây, huyện Bình Chánh, TP.HCM. Ảnh: TTO

* Người dân nhận thấy trong năm qua MTTQVN đã tổ chức khảo sát tình hình nông nghiệp và giám sát thực hiện Luật HTX năm 2012 ở cả 3 miền đất nước. Ông có thể cho biết vì sao MTTQVN làm như vậy và điều đó có tác dụng gì đối với xã hội?

- Ông Nguyễn Thiện Nhân: Với tư cách Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQVN trước đó vào năm 2013 và 2014, tôi đã 2 lần báo cáo trước Quốc hội về ý kiến cử tri và nhân dân liên quan đến tình hình đất nước.

Lần nào đi thực tế cũng thấy nông dân than rằng được mùa mất giá, khó vay vốn, xuất khẩu nông nghiệp bấp bênh, nên tôi đã thay mặt nhân dân báo cáo khó khăn 2 lần liền, vậy thì năm thứ 3 có nên nói thêm nữa không?

Đặt ra câu hỏi đó nên tôi nghĩ rằng năm thứ 3 chắc phải đi cùng chính quyền để làm rõ giải pháp chứ không chỉ trình bày khó khăn nữa.

Từ đó MTTQVN mới bổ sung chương trình đi khảo sát tình hình nông nghiệp và giám sát thực hiện Luật HTX. Hi vọng rằng qua khảo sát này sẽ có thể trả lời những câu hỏi rằng có cách nào để giải quyết những băn khoăn, lo lắng cũng như những nhu cầu chính đáng của nông dân hay không?

Chúng tôi mời Liên minh HTX, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Hội Nông dân Việt Nam, Ban Kinh tế Trung ương, Ủy ban Kinh tế Quốc hội cùng đi khảo sát. Thậm chí khi tôi đi Đức và Ý tôi cũng kết hợp tham quan HTX của họ để tìm ra giải pháp hữu hiệu nhất.

Cuối cùng chúng tôi rút ra được nhận thức rất quan trọng, nông dân dù có thế nào vẫn muốn giữ cái đất, cái ruộng của mình, họ chỉ muốn làm ăn cá thể. Ở các nước trên thế giới, nông dân cũng sản xuất cá thể như vậy, tuy nhiên, họ còn có sự liên kết lại thành HTX.

HTX ở các nước không thay thế kinh tế hộ gia đình mà nó làm cho kinh tế hộ gia đình mạnh hơn. Như vậy, cuối cùng không phải bác nông dân đem ruộng đất, trâu bò góp thành của chung mà là chỉ đóng góp một phần cho hoạt động chung và hình thành Ban Quản lý HTX và có kế hoạch sản xuất chung, dựa trên nghiên cứu nhu cầu thị trường, từ đó giúp cho hộ nông dân làm ăn hiệu quả hơn.

Khi đi thực tế chúng tôi rất mừng, từ Lào Cai cho đến Hà Nội đến tận miền Tây Nam bộ đều có mô hình HTX. Mỗi HTX chỉ có vài chục hộ nhưng làm ăn rất hiệu quả. Như vậy mô hình HTX theo Luật HTX đã có nền tảng, vấn đề là làm thế nào để phát huy hơn. Từ đó làm thay đổi nhận thức và ngân hàng phải cho vay vốn.

Do người nông dân đất sản xuất ít nên ngân hàng “ngại” cho vay vốn. Tuy nhiên, nếu hộ đó liên kết lại thành HTX, có phương án phát triển kinh tế thì ngân hàng yên tâm cho vay.

Bây giờ hội nhập quốc tế, chúng ta vào siêu thị thấy một bên rau, một bên thịt của Việt Nam, bán ở đó với giá rẻ nhưng không có xuất xứ, không rõ chất lượng. Một bên là thịt nhập khẩu, rau nước ngoài đắt hơn nhưng mua thì yên tâm không lo bị ngộ độc thực phẩm. Cuối cùng người tiêu dùng có khi lại chọn thực phẩm nước ngoài.

Vậy chúng ta phải hỏi lại, từng hộ nông dân có thể đăng ký thương hiệu và chất lượng được không? Điều đó theo tôi là không được bởi chúng ta có hơn 10 triệu hộ nông dân. Nhưng nếu liên kết lại thành vài ngàn hoặc vài chục ngàn HTX đăng ký chứng nhận thương hiệu thì rất khả thi.

Vấn đề cuối cùng nếu nông dân mà đi mua vật tư, mua ít thì người ta bán giá cao, nhưng HTX đứng ra mua thì mua được giá rẻ, ưu đãi và an toàn. Như vậy, HTX không làm mất đi tư liệu của nông dân, nhưng đó sẽ là một khối mạnh về đầu ra và rẻ về đầu vào, có uy tín, tương thích với kinh tế thị trường trong quá trình hội nhập quốc tế và nếu muốn liên với doanh nghiệp thì HTX sẽ liên kết tốt hơn, sức mạnh cao hơn.

Trên cơ sở báo cáo đó, ngày 24/7/2015, Thủ tướng Chính phủ đã có Chỉ thị 19 về đẩy mạnh việc hình thành các mô hình HTX kiểu mới theo Luật HTX năm 2012. Và đến nay nhận thức trong lãnh đạo của Trung ương và nhiều địa phương đã khẳng định đây là con đường tốt để thực hiện tái cơ cấu nông nghiệp, liên kết với doanh nghiệp.

* Xin cám ơn ông!

MTTQVN là tổ chức đại diện cho nhân dân góp phần cùng Đảng chăm lo cho nhân dân, tôi chỉ mong muốn theo tập quán người Việt Nam nhân dịp năm mới - xuân Bính Thân chúc cho mỗi gia đình người Việt Nam dù trong nước hay nước ngoài đầu tiên được nhiều sức khỏe, may mắn, thành công và hạnh phúc.

Chúng ta có được quyền khỏe hơn, nếu chúng ta luyện tập tốt hơn, ăn uống an toàn hơn. Chúng ta có được quyền may mắn không? Điều đó chúng ta không tự quyết định được, nhưng nếu một đất nước có sự phát triển, mỗi người dân có ý thức xây dựng gia đình mình như thế nào thì có thể biến cái cơ hội may mắn thành cái có lợi cho mình.

Tường Minh - Anh Trinh - Nguyễn Huynh thực hiện

Ảnh: Hoàng Long

Bình luận

Nổi bật

Những phi cơ già cỗi nhất thế giới, bay trên bầu trời nửa thế kỷ vẫn còn hoạt động

Những phi cơ già cỗi nhất thế giới, bay trên bầu trời nửa thế kỷ vẫn còn hoạt động

sự kiện🞄Thứ ba, 20/02/2024, 10:09

Trên thế giới còn rất nhiều những chiếc phi cơ 'lão thành' ngót nghét 50 tuổi vẫn đang bay trên bầu trời.

Người phụ nữ mắc ung thư gan giai đoạn cuối vì 1 loại thực phẩm quen thuộc, chuyên gia cảnh báo thói quen này nhiều người mắc phải

Người phụ nữ mắc ung thư gan giai đoạn cuối vì 1 loại thực phẩm quen thuộc, chuyên gia cảnh báo thói quen này nhiều người mắc phải

sự kiện🞄Thứ bảy, 14/10/2023, 05:57

Loại thực phẩm nhiều người xem như vô hại này lại là nguyên nhân dẫn đến bệnh tật, thậm chí nguy hiểm tới tính mạng, chúng thường được gọi là "sát thủ thầm lặng" tàn phá sức khoẻ con người.

Cảng Chu Lai đón tàu lớn và nâng cao hiệu suất khai thác hàng rời

Cảng Chu Lai đón tàu lớn và nâng cao hiệu suất khai thác hàng rời

sự kiện🞄Thứ năm, 29/06/2023, 15:00

(CL&CS) - Cảng Chu Lai thuộc Công ty Giao nhận - vận chuyển quốc tế Trường Hải (THILOGI) đang dần khẳng định năng lực tiếp nhận tàu lớn, khai thác đa dạng hàng hóa, đáp ứng nhu cầu xuất nhập khẩu của các doanh nghiệp, góp phần thúc đẩy giao thương tại khu vực miền Trung, Tây Nguyên.