Dữ liệu cũ
Thứ hai, 18/01/2016, 07:24 AM

Ông Nguyễn Thiện Nhân và Chương trình hành động của MTTQVN: Đẩy mạnh giám sát bảo đảm an toàn thực phẩm

(NTD) - "Tự do kinh doanh là quyền tìm kiếm lợi nhuận, nhưng đạo đức lại không cho phép khi bán rau và vật nuôi không an toàn đầu độc người tiêu dùng”, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (MTTQVN) Nguyễn Thiện Nhân nói về chương trình giám sát an toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP).

DSC_4378
Ông Nguyễn Thiện Nhân, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam

* Một trong các chương trình trọng tâm năm 2016 của MTTQVN là giám sát ATVSTP. Thưa, ông có thể nói rõ hơn về chương trình giám sát này?

- Ông Nguyễn Thiện Nhân: Vấn đề ATVSTP là sự mong mỏi và bức xúc của rất nhiều người dân Việt Nam, chúng ta muốn làm sao khi ra chợ mua được sản phẩm an toàn, không hại đến sức khỏe, nhưng hiện nay nhiều nơi câu hỏi này trả lời không được.

Đầu năm 2014, khi bắt đầu triển khai chương trình giám sát thì Bộ trưởng Bộ Y tế, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đều có nói với tôi là đề nghị MTTQVN sớm có sự giám sát về ATVSTP.

Chúng tôi có nói với 2 Bộ trưởng là xin ghi nhận nhưng cho chậm một chút để chúng tôi tập sự giám sát các việc khác, khi cảm thấy mình có kinh nghiệm nhất định thì mới dám nhận giám sát an toàn thực phẩm.

Sau 2 năm, chúng tôi thấy là có thể đủ sức làm việc này nên mới đưa vào Chương trình hành động năm 2016. Đây như là một “món nợ” của các cơ quan quản lý Nhà nước và cũng là của MTTQVN trong việc giám sát bảo đảm ATVSTP cho người dân.

Cũng nói thật là chuyện này cũng khó khăn, theo tôi vấn đề ATVSTP có một đặc điểm là ở người sản xuất không an toàn. Ví dụ, người trồng rau không an toàn thì đều nằm ở địa phương cả nhưng tại sao hàng xóm có biết không? Biết chứ!

Tôi không đi nhiều nhưng anh em phản ánh, ở nông thôn khi đến nhà chơi thì họ lấy rau để đãi ăn rất khác so với rau trồng tăng năng suất để bán. Nghĩa là họ biết được loại nào không an toàn, như vậy là họ có thể trồng không an toàn, nuôi không an toàn mà vẫn bán. Điều đó nghĩa là gì?

Tự do kinh doanh là quyền tìm kiếm lợi nhuận, nhưng đạo đức lại không cho phép khi bán rau và vật nuôi không an toàn vì như thế là đang đầu độc người tiêu dùng. Ăn thực phẩm không an toàn là đang bị đầu độc, cơ thể dần dần bị bệnh bên trong, dần dần bị ung thư và thế hệ sau cũng sẽ bị ảnh hưởng.

Nói một cách chân tình là nếu sản xuất sản phẩm không an toàn là đồng nghĩa với việc đầu độc người Việt Nam, trái với văn hóa người Việt.

Chúng ta có đầy đủ cơ quan giám sát hàng nhập khẩu, có thể vì nhiều lý do, có thể phương tiện kiểm tra, trách nhiệm yếu kém nên thực phẩm không an toàn có thể lọt vào đây.

Phải xác định những thứ đó sẽ đầu độc nòi giống việt Nam, những người gác cửa đất nước về khâu này không chỉ là vì kinh tế mà đây là vì trách nhiệm với tương lai của người Việt Nam.

Trước hết chúng ta phải có cuộc vận động toàn xã hội về nhận thức về sức khỏe nòi giống người Việt. Tôi tin khi nhân dân nhận thức đầy đủ thì việc này có thể khắc phục được.

* Vào thời điểm này, Việt Nam đã hội nhập sâu với nền kinh tế thế giới nhưng nguồn lực lao động tri thức mang tính cạnh tranh dường như vẫn chưa phát huy đầy đủ. Theo ông, phải làm gì để phát huy tối đa nguồn lực này nhằm đưa đất nước phát triển nhanh hơn, bền vững hơn?

- Ông Nguyễn Thiện Nhân: Khi bàn về phát triển 5 năm, 10 năm thì lo lắng nhất là sợ thiếu tiền, không có người có trình độ, cái lo thứ hai là sợ thiếu đất không có đất để đầu tư. Hai cái lo lắng này đều đúng cả, nhưng tiền thì mình có thể huy động trong nước hoặc vay nước ngoài, nhưng đất thì hữu hạn rồi đâu có sinh ra được, mà đôi khi phát triển thì đất sản xuất còn bé lại.

Vậy suy cho cùng nguồn lực đó là những tri thức mới, ứng dụng vào quản lý sản xuất, lao động tăng thêm trong quá trình sản xuất và lao động đó phải có đào tạo, có khả năng sáng tạo.

Hiện nay cái lo của nhiều nước trên thế giới là thiếu lao động vì họ sinh ít quá, riêng Việt Nam rất may là cứ 2 cháu/phụ nữ nên mức sinh đã tạo điều kiện cho lực lượng lao động Việt Nam về lâu dài cân bằng, không bị mất đi.

Trong hơn 10 năm qua và dự báo từ 7 - 10 năm tới, mỗi năm chúng ta tăng hơn 1 triệu lao động. Đây là lợi thế của Việt Nam, chúng ta không lo thiếu lao động.

Theo thống kê gần đây, tổng sản phẩm nội địa đầu người thì hàng xuất khẩu Việt Nam đứng thứ 7/10 các nước ASEAN, nhưng năng lực sáng tạo quốc gia của ta được xếp hạng thứ 4, còn cường độ kinh tế thì đứng 7/10. Điều đó chứng tỏ chúng ta có lợi thế về người Việt Nam sáng tạo.

Muốn phát triển nhanh đất nước thì phải tận dụng tốt nhất tài nguyên con người Việt Nam. Thứ nhất là về số lượng chúng ta còn gia tăng trong ba bốn mươi năm nữa. Thứ hai là có khả năng sáng tạo và trình độ ngày càng nâng cao.

Lợi thế thứ ba là do thu nhập đầu người còn thấp nên mức giá cho chi phí lao động thấp, chi phí lao động thấp này còn kéo dài ba bốn mươi năm nữa. Như vậy với yếu tố này cộng với đổi mới kinh tế, đổi mới thể chế thì chúng ta tin rằng đây là nguồn lực quan trọng nhất cho phát triển.

Vừa qua chúng ta có nhiều chính sách chung để phát huy nguồn lực con người, nhưng sắp tới không phải là chính sách của Nhà nước nữa mà mỗi địa phương cần quan tâm phát huy con người, phát huy nhân tài, mỗi tổ chức cần tham gia vào việc hình thành một lớp người trẻ, chiến lược, chủ chốt.

Ví dụ, chúng ta phải có thêm khoảng 300-500 ngàn doanh nghiệp mới để đạt tổng cộng 1 triệu doanh nghiệp thì mới tương xứng với quy mô 100 triệu dân. Vấn đề nếu để con số 300-500 ngàn doanh nghiệp kia ra đời tự phát mà không được hỗ trợ, thì năng lực sẽ yếu.

Vì thế cần có một chương trình quốc gia khởi nghiệp, vấn đề này đã được đưa vào văn kiện Đại hội 12 rồi. Đoàn Thanh niên cũng đã nung nấu mấy năm nay và sắp tới sẽ trình Chính phủ đề án chương trình khởi nghiệp quốc gia của lớp trẻ, gắn với giáo dục, khoa học…

Chúng ta đã làm nhiều cuộc thi sáng tạo, nhưng đối với MTTQVN chưa có một cái tên cho một cuộc thi sáng tạo toàn quốc. Như vậy đã đến lúc MTTQVN cần bàn với các đoàn thể để những sáng tạo ngành dọc ở các địa phương trở thành phong trào sáng tạo trong cả nước và 4,3 triệu người Việt ở nước ngoài, để chia sẽ tri thức và phát triển tri thức mới, bởi tài nguyên con người là tài nguyên đặc biệt giá trị nhất.

* Trong thời gia qua, TP.HCM đã chuyển giao nguồn nhân lực cũng như nâng cao khả năng cạnh tranh, vậy ông đánh giá thế nào về vấn đề này?

- Ông Nguyễn Thiện Nhân: TP.HCM cũng như Hà Nội có chương trình phát triển nói chung về nhân lực và nhân lực trình độ cao. Tôi nhớ từ những năm trước đã có chương trình đào tạo 300 thạc sĩ, tiến sĩ cho quản lý Nhà nước, chương trình phát triển nhân lực cho ngành cơ khí, điện tử…

Tôi cho rằng đây là việc làm rất đúng hướng, nó đã góp phần vào phát triển kinh tế Thành phố. Tốc độ phát triển kinh tế trong 10 năm qua, TP.HCM luôn luôn đứng đầu so với cả nước.

Nhưng vẫn có thể làm tốt hơn khi có sự liên kết giữa các doanh nghiệp và cơ sở đào tạo từ trình độ công nhân đến đại học, hình thành các đơn đặt hàng, các dự báo, thực hiện phương châm đào tạo theo yêu cầu của doanh nghiệp, của xã hội. Lúc đó sẽ rút ngắn thời gian con người ra trường phải mày mò đi học thêm. Tôi thấy đó là một hướng phát triển.

Đã hội nhập thì cần phải lấy chuẩn mực, năng lực lao động của ASEAN và quốc tế làm các chuẩn đầu ra. Tôi tin rằng TP.HCM trong năm 2016 sẽ có bước phát triển mới trong lĩnh vực này.

* Xin cám ơn ông!

Tường Minh - Anh Trinh - Nguyễn Huynh thực hiện

Ảnh: Hoàng Long

(Còn nữa)

Bình luận

Nổi bật

Những phi cơ già cỗi nhất thế giới, bay trên bầu trời nửa thế kỷ vẫn còn hoạt động

Những phi cơ già cỗi nhất thế giới, bay trên bầu trời nửa thế kỷ vẫn còn hoạt động

sự kiện🞄Thứ ba, 20/02/2024, 10:09

Trên thế giới còn rất nhiều những chiếc phi cơ 'lão thành' ngót nghét 50 tuổi vẫn đang bay trên bầu trời.

Người phụ nữ mắc ung thư gan giai đoạn cuối vì 1 loại thực phẩm quen thuộc, chuyên gia cảnh báo thói quen này nhiều người mắc phải

Người phụ nữ mắc ung thư gan giai đoạn cuối vì 1 loại thực phẩm quen thuộc, chuyên gia cảnh báo thói quen này nhiều người mắc phải

sự kiện🞄Thứ bảy, 14/10/2023, 05:57

Loại thực phẩm nhiều người xem như vô hại này lại là nguyên nhân dẫn đến bệnh tật, thậm chí nguy hiểm tới tính mạng, chúng thường được gọi là "sát thủ thầm lặng" tàn phá sức khoẻ con người.

Cảng Chu Lai đón tàu lớn và nâng cao hiệu suất khai thác hàng rời

Cảng Chu Lai đón tàu lớn và nâng cao hiệu suất khai thác hàng rời

sự kiện🞄Thứ năm, 29/06/2023, 15:00

(CL&CS) - Cảng Chu Lai thuộc Công ty Giao nhận - vận chuyển quốc tế Trường Hải (THILOGI) đang dần khẳng định năng lực tiếp nhận tàu lớn, khai thác đa dạng hàng hóa, đáp ứng nhu cầu xuất nhập khẩu của các doanh nghiệp, góp phần thúc đẩy giao thương tại khu vực miền Trung, Tây Nguyên.