Dữ liệu cũ
Thứ ba, 29/12/2015, 07:10 AM

“Ôm” nhiều tin đồn, HAG phá đáy chính mình

(NTD) - Năm 2015 có lẽ năm đầy biến động đối với Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai khi liên tiếp dính phải những tin đồn bất lợi khiến giá cổ phiếu rớt xuống mức thấp nhất từ khi niêm yết cho đến nay.

“Ôm” nhiều tin đồn, HAG phá đáy chính mình (1)
Ông Đoàn Nguyên Đức, Chủ tịch Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai

Một năm phá đáy hai lần

Có thể nói năm 2015 là một năm rất thành công của ông Đoàn Nguyên Đức, ông chủ của Hoàng Anh Gia Lai, trong lĩnh vực bóng đá, còn trên mặt trận kinh tế đây đúng là một năm buồn đối với ông chủ này.

Tài sản của bầu Đức được chú ý kể từ khi cổ phiếu HAG niêm yết trên sàn giao dịch chứng khoán TP.HCM. HAG chào sàn vào ngày 22/12/2008 với sự đón nhận nồng nhiệt của nhà đầu tư vì thời điểm đó, bầu Đức là một trong những cái tên nóng nhất trong làng bóng đá Việt Nam. Sau 7 phiên giao dịch đầu tiên trên sàn TP.HCM, HAG đã tăng 32% lên 63.000 đồng/CP.

Thương hiệu bầu Đức cùng với những khoản lợi nhuận của Hoàng Anh Gia Lai luôn khiến cổ phiếu HAG thường xuyên nằm trong danh sách quan tâm, thậm chí là danh mục của nhiều nhà đầu tư. Dù vậy, điều đó không có nghĩa cổ phiếu HAG không gặp nhiều thăng trầm. Trên thực tế, HAG nhiều lần rơi vào tình cảnh trồi sụt thê thảm. Mà “cuộc khủng hoảng” lớn nhất chính là giai đoạn cuối năm 2011. Sau chuỗi ngày lao dốc, vào ngày 27/12/2011, HAG đã rơi xuống “đáy” thấp nhất trong lịch sử giao dịch, chỉ 11.900 đồng/CP.

Như vậy, sau 3 năm lên sàn, HAG đã rớt từ “đỉnh vinh quang” xuống “đáy”. Mức “đáy” 11.900 đồng/CP tưởng như quá thấp, không thể lặp lại với một doanh nghiệp lớn như Hoàng Anh Gia Lai. Thế nhưng, vào ngày 18/12, mã này đã phá “đáy” của chính mình khi dừng ở mức giá 11.300 đồng mỗi đơn vị. Đây cũng là mức đáy của giá cổ phiếu HAG từ khi niêm yết năm 2008.

Trong năm 2015, cổ phiếu HAG hầu như chỉ ghi nhận diễn biến giảm giá và đi ngang, số phiên tăng điểm chỉ đếm được trên đầu ngón tay. Vào khoảng thời điểm giữa năm, khi giá cổ phiếu HAG mấp mé đứng ở mức thấp kỷ lục thì ông Đoàn Nguyên Đức đã tung ra 200 tỷ đồng để mua cổ phiếu của chính mình. Chính vì có được ông chủ cứu giúp nên HAG đã vượt qua được giai đoạn đầy khó khăn đó.

2015 cũng là năm Bầu Đức vướng vào nhiều tin đồn về việc Hoàng Anh Gia Lai vỡ nợ, khiến cổ phiếu của Tập đoàn lao dốc mạnh. Để ngăn chặn, mới đây, HAG đã đưa ra một quyết định chưa từng có trên thị trường chứng khoán Việt Nam là phát hành cổ phiếu của công ty con để trả cổ tức cho công ty mẹ. Cụ thể, theo nghị quyết ban hành đầu tháng 12, doanh nghiệp sẽ phát hành cổ phiếu HNG (công ty con) để trả cổ tức hoặc cổ phiếu thưởng cho cổ đông của công ty mẹ Hoàng Anh Gia Lai. Khoản cổ tức này từng được lên kế hoạch trả bằng 118 triệu cổ phần HAG phát hành thêm (tương đương tỷ lệ cổ tức 15%).

Chị Hoàng Thúy Hà (Q.2, TP.HCM) một nhà đầu tư đã ôm cổ phiếu HAG 5 năm nay, cảm thấy vô cùng hoang mang về giá cổ phiếu của công ty này. Chị Hà cho biết: “Sau khi nghe thông tin HAG trả cổ tức hoặc cổ phiếu của công ty con cho cổ đông. Tôi đã bán hết cổ phiếu của HAG mà tôi có trong tay. HAG chắc cũng đang gặp khó khăn nên mới dùng “con” để trả cho “mẹ” như thế. Cổ phiếu của công ty mẹ còn rớt giá như thế thì liệu kịch bản này có lặp lại với công ty con không? Điều này khiến tâm lý của nhà đầu tư chúng tôi cảm thấy bất ổn”.

Cũng trong năm 2015, Credit Suisse - nhà đầu tư ngoại từng có nhiều năm gắn bó với Hoàng Anh Gia Lai, đã bán ra một lượng lớn cổ phiếu HAG, giảm tỷ lệ sở hữu xuống 33,9 triệu cổ phần và không còn là cổ đông lớn của tập đoàn này.

“Ôm” nhiều tin đồn, HAG phá đáy chính mình (2)
Năm 2015 là năm cổ phiếu HAG liên tục rớt giá.

“Ôm” nhiều tin đồn

Việc cổ phiếu HAG xuống vùng thấp nhất trong lịch sử xuất phát một phần từ những phân tích về số liệu báo cáo tài chính của công ty này. Hồi cuối tháng 5, một báo cáo phân tích về HAG của Công ty Chứng khoán HVS Việt Nam được giới tài chính “đào xới” đã khiến giá cổ phiếu HAG trên sàn chứng khoán “lĩnh đủ” đòn đau. Báo cáo này đề cập đến khoản nợ hàng nghìn tỷ của Hoàng Anh Gia Lai và phân tích khá kỹ áp lực tài chính lên công ty. Thông tin từ báo cáo này lan rộng trên các diễn đàn, sau đó, phần lớn các con mắt nhìn vào tình hình tài chính HAG cũng “xoi mói” đến những khoản nợ nhiều hơn là bất cứ chỉ số nào khác.

Sau đó, HVS Việt Nam đã tung ra những nhận định trấn an, cho rằng, trong quý 1/2015, tuy tổng tài sản chỉ có khoảng 40.000 tỷ đồng nhưng đây là những giá trị tài sản được ghi nhận theo nguyên giá. Điều đó có nghĩa giá trị thị trường của các tài sản này chưa được đánh giá lại cho phù hợp. Nếu nhà đầu tư xem xét sẽ thấy HAG đang sở hữu xấp xỉ 100.000 ha đất nông nghiệp bao gồm cọ dầu, cao su, mía... Mặc dù vậy, dường như là quá trễ với sự hấp thụ thông tin quá nhanh và quá nhạy của giới đầu tư trên thị trường chứng khoán. Nhìn vào đồ thị có thể thấy, diễn biến giá HAG trong năm 2015 là một chuỗi trượt dài.

Để ngăn chặn, doanh nhân Đoàn Nguyên Đức đã phải lên tiếng phủ nhận và tuyên bố sẽ báo cáo cơ quan chức năng xử lý người tung tin. Tuy nhiên, động thái này của ông chủ Tập đoàn HAG cũng không làm thay đổi được giá cổ phiếu của Công ty.

Bên cạnh đó, thông tin về kết quả kinh doanh của HAG cũng không làm nhà đầu tư phấn khởi hơn. Cụ thể, lợi nhuận sau thuế quý 3 của Hoàng Anh Gia Lai chỉ đạt 429 tỷ đồng, giảm 56% so với cùng kỳ. Lũy kế 9 tháng, dù doanh thu tăng 117%, đạt 5.203 tỷ đồng song lợi nhuận của Tập đoàn vẫn giảm gần 19% xuống 1.342 tỷ đồng. So với kế hoạch 2.100 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, doanh nghiệp đã hoàn thành 72% mục tiêu. Trong khi đó, tính đến 30/9, tổng tài sản của Hoàng Anh Gia Lai đạt 47.603 tỷ đồng, tăng 32% so với đầu năm. Tổng nợ phải trả là 30.722 tỷ đồng, tăng gần 48% so với con số 20.929 tỷ đồng hồi đầu năm. Riêng nợ ngắn hạn đã vượt 13.000 tỷ đồng, nợ dài hạn hơn 17.600 tỷ đồng.

Điểm sáng nhất của Hoàng Anh Gia Lai trong năm qua là đưa cổ phiếu HNG của Công ty Nông nghiệp Quốc tế (vốn điều lệ hơn 7.000 tỷ đồng) chào sàn HOSE ngày 20/7 với giá 28.000 đồng. Đồng thời, nguồn thu từ bán bò của Hoàng Anh Gia Lai cũng được ghi nhận khả quan và đóng vai trò quan trọng trong cơ cấu doanh thu của Tập đoàn.

Cùng với đó dự án tại Myanmar cũng có thể được coi là cứu cánh cho HAG lúc này, khi dự án bất động sản tại Myanmar phát tín hiệu khả quan, nối tiếp sau thành công từ mảng chăn nuôi bò.

Hoàng Anh Gia Lai đã giao Ban Tổng giám đốc rà soát hiệu quả sử dụng vốn đối với tất cả khoản vay; tiến hành làm việc với các trái chủ, tổ chức tín dụng để đưa ra các phương án tái cấu trúc kỳ hạn vay phù hợp. Từ đó, Công ty sẽ quản lý dòng tiền tốt hơn, tránh áp lực thanh khoản ngắn hạn và phù hợp với các nguồn thu dài hạn của Tập đoàn.

 Mai Trinh 

Bình luận

Nổi bật

Những phi cơ già cỗi nhất thế giới, bay trên bầu trời nửa thế kỷ vẫn còn hoạt động

Những phi cơ già cỗi nhất thế giới, bay trên bầu trời nửa thế kỷ vẫn còn hoạt động

sự kiện🞄Thứ ba, 20/02/2024, 10:09

Trên thế giới còn rất nhiều những chiếc phi cơ 'lão thành' ngót nghét 50 tuổi vẫn đang bay trên bầu trời.

Người phụ nữ mắc ung thư gan giai đoạn cuối vì 1 loại thực phẩm quen thuộc, chuyên gia cảnh báo thói quen này nhiều người mắc phải

Người phụ nữ mắc ung thư gan giai đoạn cuối vì 1 loại thực phẩm quen thuộc, chuyên gia cảnh báo thói quen này nhiều người mắc phải

sự kiện🞄Thứ bảy, 14/10/2023, 05:57

Loại thực phẩm nhiều người xem như vô hại này lại là nguyên nhân dẫn đến bệnh tật, thậm chí nguy hiểm tới tính mạng, chúng thường được gọi là "sát thủ thầm lặng" tàn phá sức khoẻ con người.

Cảng Chu Lai đón tàu lớn và nâng cao hiệu suất khai thác hàng rời

Cảng Chu Lai đón tàu lớn và nâng cao hiệu suất khai thác hàng rời

sự kiện🞄Thứ năm, 29/06/2023, 15:00

(CL&CS) - Cảng Chu Lai thuộc Công ty Giao nhận - vận chuyển quốc tế Trường Hải (THILOGI) đang dần khẳng định năng lực tiếp nhận tàu lớn, khai thác đa dạng hàng hóa, đáp ứng nhu cầu xuất nhập khẩu của các doanh nghiệp, góp phần thúc đẩy giao thương tại khu vực miền Trung, Tây Nguyên.